(Tổ Quốc) - Gần như khái niệm nghỉ Tết với những nhà đầu tư BĐS cũng chỉ quẩn quanh xem khu vực nào, chỗ nào có “hàng thơm ngon” là nhắm bỏ tiền. Với họ, đi chơi Tết cũng là đi đầu tư; nhờ sự nhanh nhạy cơ hội kiếm tiền của những NĐT lâu năm ở mọi lúc mọi nơi.
Về quê vợ để đón Tết từ hôm 25 âm lịch, anh S "chốt" luôn lô đất nông nghiệp 3.000m2 tại Bình Thuận với giá 600 triệu đồng. Đây là lô đất nằm ngoài ý định đầu tư của anh bởi không nằm trong danh mục khu vực đầu tư như đã vạch ra ban đầu. Đây cũng là lô đất đầu tiên anh mua ở khu vực này.
Theo anh S, tranh thủ mấy ngày ăn Tết quê vợ, hỏi thăm "thổ địa" về giá cả cũng như tiềm năng khu vực nên đã quyết định bỏ tiền đầu tư mảnh đất vị trí khá đẹp được dân bản địa bán ra. Đây cũng là lô đất anh quyết định nhanh trong vòng 1 ngày sau khi xem thực tế. Từng có kinh nghiệm đầu tư đất nông nghiệp, đất vườn nên anh S tính toán được cơ hội khi bỏ tiền vào.
Thực tế cho thấy, những nhà đầu tư BĐS lâu năm dịp Nghỉ Tết cũng chính là lúc họ "tranh thủ" làm việc. Với họ, Tết không phải là thời gian nghỉ ngơi quá lâu mà vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư. Có những nhóm NĐT vẫn tìm "nguồn hàng" xuyên Tết với mục đích chốt lời sau Tết khi thị trường BĐS ấm lên. Anh Th, cùng nhóm bạn đầu tư vẫn "miệt mài" tìm nguồn hàng và dự tính "ra quân" (đi xem đất) vào khoảng mùng 2, mùng 3 Tết. Theo anh Th, cơ hội để tìm được nguồn hàng tốt, chính chủ không còn dễ dàng trong bối cảnh thị trường như hiện nay.
"Thời điểm mà cả thị trường nghỉ ngơi dịp Tết lại chính là cơ hội cho mình tìm nguồn hàng, lựa được hàng tốt, thậm chí có thể thương lượng giá tốt vào thời điểm Tết này. Vì thế, vừa chơi Tết, vừa tìm cơ hội đầu tư cũng thú vị", anh Th chia sẻ.
Ghi nhận cho thấy, BĐS ở các vùng quê thời điểm này cũng không còn "rẻ" như xưa. Nhiều nhà đầu tư về quê ăn Tết không khỏi "giật mình" bởi giá đất đã tăng gấp nhiều lần so với thời điểm họ rời quê đi làm ăn. Thậm chí, cầm 1 tỉ đồng để mua đất vị trí đẹp ở quê cũng trở nên xa xỉ vào thời điểm này.
Ở những khu vực mà cơn sốt đất ảo "càn quét" đi qua giá BĐS đã thiết lập mặt bằng mới đến khó tin. Cơn sốt đất đã đi qua, nhưng để mua được mảnh đất khoảng diện tích khoảng 100 m2 ở thôn quê cũng từ 500-800 triệu đồng. Đây là mức giá mà trước đây không ai nghĩ đến.
Tuy vậy, nếu so với các TP lớn hay khu vực vệ tinh Tp.HCM, Hà Nội thì đất đai ở các tỉnh xa xa vẫn dễ chịu nhiều. Vì thế, nhiều NĐT đã chọn cách phân bổ dòng tiền, danh mục đầu tư ở nhiều khu vực, phân khúc. Đó cũng là cách họ phân tán rủi ro khi bỏ tiền vào BĐS.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, sự phát triển và cả mức giá BĐS thường có tính lan tỏa từ trung tâm thành phố lớn đến các vùng ven. Hiệu ứng này đã thể hiện rất rõ ràng trong những năm gần đây. Giá bất động sản các vùng ven Tp.HCM hay Hà Nội đều tăng rất mạnh bởi giá còn thấp hơn nhiều so với vùng trung tâm. Mặt khác, các vùng ven cũng đang được đầu tư hạ tầng và hình thành một số khu đô thị vệ tinh của thành phố trung tâm. Nhiều doanh nghiệp cũng đổ xô về vùng ven để phát triển dự án khi quỹ đất trung tâm ngày càng cạn kiệt và đắt đỏ. Điều này cũng kéo theo cả nhà đầu tư và cả những người mua bất động sản cho các nhu cầu thực của mình.
Chưa kể, giá bất động sản tăng và nhiều người kiếm được tiền từ giá tăng đã kéo theo càng nhiều người muốn đầu tư bất động sản. Vì thế, BĐS tại các tỉnh xa xa cũng nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư. Gần như họ không bỏ qua cơ hội nào nếu khu vực đó có tiềm năng kiếm ra tiền.
Hạ Vy