(Tổ Quốc) - Theo chị Maggie Vo - Giám đốc Quản lý đối tác của quỹ Fuel Venture Capital (Miami – Mỹ), việc quỹ của chị và nhiều quỹ toàn cầu khác chưa quan tâm tới thị trường khởi nghiệp Việt Nam là bởi: Founder Việt chưa đạt chuẩn quốc tế ở nhiều khía cạnh, khả năng mở rộng ra nước ngoài để có hội trở thành ‘kỳ lân’ và khả năng thoái vốn còn mờ mịt…
2021 mặc dù là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế Việt Nam khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã khiến 2 thành phố lớn nhất nước HCM và Hà Nội bị lock-down trong nhiều tháng, nhưng giới khởi nghiệp vẫn có một năm tương đối thành công.
Giới khởi nghiệp Việt Nam đã lập kỷ lục mới khi thu hút được 1,4 tỷ USD vốn đầu tư trong năm 2021, tăng gần 3,2 lần so với 2020 và 1,7 lần so với 2019. Cũng trong năm 2021, nhiều quỹ đầu tư mới đã được giới thiệu – nâng số lượng quỹ lên 173, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam hiện là sở hữu 4 ‘kỳ lân’ gồm VNG, VnPay, MoMo, Sky Mavis, cùng với 11 công ty có trị giá hơn 100 triệu USD.
Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong top những thị trường thu hút nhiều vốn đầu tư nhất ở khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Indonesia. Tài chính số - fintech và thương mại điện tử (TMĐT) vẫn là 2 ngành thu hút nhiều quỹ tham gia nhất và tiếp tục là xu hướng trong năm 2022. Ngành game đang cho thấy sự tăng trưởng khủng khiếp trong việc thu hút vốn, tăng 2.813% so với cùng kỳ năm trước.
So sánh một chút để thấy thị trường Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn trong Đông Nam Á, cùng với Singapore và Indonesia: lượng người dùng internet ở Việt Nam khoảng 72% - Indonesia là 77% - Singapore 88%; về tỷ lệ người dùng có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam khoảng 33% - Indonesia 52% - Singapore 98%; tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng ở Việt Nam là 4% - Indonesia 2% - Singapore 51%; giá trị thị trường TMĐT B2C của Việt Nam là 15 tỷ USD – Indonesia 23,9 tỷ USD – Singapore 5,8 tỷ USD.
"Lý do khiến thị trường khởi nghiệp Việt thu hút như thế là do sự tăng trưởng GDP luôn trên dưới 6%, môi trường chính trị ổn định, nền kinh tế số trị giá tới 14 tỷ USD trong 2020 – tăng 16% so với 2019 và tăng tới 450% kể từ năm 2015 và lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á.
Về con người: người dân ngày càng quan tâm đầu tư cho các dịch vụ/sản phẩm về sức khỏe – giáo dục – tài chính, dân số trẻ và chịu tiêu dùng ở độ tuổi 25-30 tăng trưởng rất nhanh. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tài năng kỹ sư có giá thấp: người Việt Nam được đào tạo về toán học – khoa học máy tính từ lúc còn trẻ nên mỗi năm có thể tạo ra 2 triệu lao động có tay nghề và khoảng 300.000 đến 400.000 nhân sự công nghệ.
Việt Nam đang được biết đến như là một điểm đến của các công ty về dịch vụ IT nổi bật của thế giới", chị Maggie Vo - Managing General Partner (Giám đốc Quản lý đối tác) của quỹ Fuel Venture Capital chia sẻ trong Theo BUIDL Career Day 2022 do JobHopin tổ chức.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều quỹ ngoại hoạt động khắp toàn cầu vẫn chưa đến Việt Nam, bao gồm cả Fuel Venture Capital của chị Maggie Vo. Fuel Venture Capital là quỹ đầu tư có trụ sở tại Miami – Mỹ và đang quản lý ngân sách khoảng vài trăm triệu USD. Quỹ này thành lập từ năm 2017, hiện đang hoạt động ở các thị trường Bắc Mỹ - Nam Mỹ - châu Âu.
Dưới sự kết nối của Maggie Võ, Fuel Venture Capital đang đầu tư vào OhmniLabs của Thức Vũ – nhà khởi nghiệp chuyên nghiệp gốc Việt. Trên website, Fuel Venture Capital cho thấy mình đã đầu tư vào 26 startup trên khắp thế giới.
"Chúng tôi đã làm việc với làm việc với founder khắp thế giới, từ châu Âu – Israel – Mỹ và mỗi vùng có một văn hoá riêng.
Theo quan sát của tôi, các nhà khởi nghiệp Việt Nam làm việc rất vất vả và đam mê. Hầu hết các bạn có tuổi đời trẻ, rất giỏi về công nghệ thông tin; nhưng rất nhiều người trong số họ lại không có hiểu biết nhiều về cách gây quỹ, văn hoá doanh nghiệp và luật định.
Ví dụ tại Việt Nam, nhiều bạn không biết nhiều về những yếu tố để tạo nên một doanh nghiệp bền vững. Họ kiếm co-founder bằng cách tìm đến những người có thể chia sẻ nhiệt huyết với mình. Người giỏi công nghệ thì tìm đến người giỏi công nghệ khác, người giỏi kinh doanh thì tìm thêm người giỏi kinh doanh khác; bởi quan niệm 'nếu quá khác biệt chưa chắc đi với nhau lâu dài được'.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy: vì có cùng một thế mạnh nên không ai chịu nhường ai – ai cũng nghĩa là mình nói đúng, dẫn đến ‘rã đám' sớm. Cái này một phần tại thị trường Việt Nam còn sơ khai chứ không trưởng thành như các nước phát triển, nơi mà những người trẻ được huấn luyện những khía cạnh trên từ rất sớm.
Vậy nên, chúng ta có thể thấy, rất nhiều startup tên tuổi tại việt Nam được khởi xướng bởi người từng đi du học", chị Maggie Vo nêu vấn đề.
Maggie Vo - Managing General Partner (Giám đốc Quản lý đối tác) của quỹ Fuel Venture Capital
Thứ hai, làm quỹ đầu tư khởi nghiệp, ai cũng có tham vọng góp phần tạo dựng ra ‘kỳ lân’. Rõ ràng, thị trường Việt Nam không đủ rộng lớn để các startup chỉ hoạt động trong quốc nội mà có thể hóa 'kỳ lân' – điều thị trường Trung Quốc hay Ấn Độ có thể. Song nhiều startup Việt Nam chưa chứng minh được mình có thể mở rộng thị trường (scale-up) ra nước ngoài và toàn cầu.
Chị Maggie Võ nhận định, muốn trở thành ‘kỳ lân’, việc các startup phải scale-up ra thị trường nước ngoài là bắt buộc. Tại châu Mỹ cũng vậy, chị từng gặp một startup rất tốt ở Colombia - song mô hình kinh doanh từa tựa một vài doanh nghiệp đi trước; Fuel Venture Capital đã khuyên startup này phải đi qua Mexico, nếu muốn kêu gọi vốn thành công.
"Các startup Việt phải mở rộng thị trường sang Thái Lan hay Philippines, phải đi ra toàn cầu – Go Global thì mới kêu gọi vốn dễ; nhưng thực tế, hành động lại rất khó. Tại Mỹ, văn hóa của bang này tương đối giống bang kia, nhưng tại châu Á, văn hóa mỗi nước có những khác biệt rất lớn. Thường các startup sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong quá trình mở rộng thị trường ra khu vực", sếp quỹ Fuel Venture Capital cho biết.
Thứ ba, thị trường Việt Nam vẫn có rất ít những vòng đầu tư muộn. Tại Việt Nam, chúng ta chủ yếu sẽ thấy các vòng đầu tư hạt giống hoặc Series A chứ ít thấy Series B hoặc Series C hay những thương vụ đầu tư lớn – mega deal trên 100 triệu USD.
Các quỹ nhỏ vào startup Việt ở giai đoạn đầu tiên, song họ cùng startup lại không thể thu hút được các quỹ lớn bước vào khi startup đã lớn; rồi nếu không có ngân quỹ lớn thì không thể scale-up nhanh để tăng doanh thu khủng, khó thu hút đầu tư và khiến các quỹ đầu tư nước ngoài chưa muốn nhảy vào. Đây là một vòng luẩn quẩn khá khó đánh vỡ!
Thứ tư, rào cản pháp lý: nhiều startup Việt đã đăng ký tại Singapore – đầu tiên là để thuận lợi cho việc gọi vốn, sau nữa là họ sẽ gặp nhiều vấn đề về giấy tờ, rào cản khi đăng ký tại Việt Nam; đặc biệt ở các lĩnh vực mới như blockchain, fintech. Ngược lại, các quỹ đầu tư toàn cầu cũng ngại quy trình cấp phép dài và Việt Nam vẫn thiếu khung pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Cuối cùng, khả năng thoái vốn – exit của các quỹ khá thấp. Mục tiêu đầu tư của các quỹ mạo hiểm là đợi các startup lớn để exit kiếm tiền. Nhưng tại Việt Nam, phương thức IPO để các quỹ exit theo cách truyền thống rất khó để thực hiện, do quy định ‘muốn IPO doanh nghiệp phải có lãi 2 năm liên tiếp’. Các startup, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghệ, rất hiếm doanh nghiệp đạt được điều kiện này. Cả Tiki hay VNG đều đang tính đường IPO ở thị trường nước ngoài.
Cũng theo tiết lộ của chị Maggie Vo, Fuel Venture Capital đang gây một quỹ mới trị giá khoảng 300 triệu USD và sẽ đầu tư vào châu Á, trong đó có Việt Nam trong tương lai; ngoài ra, họ cũng đang nghiêm túc nghiên cứu đầu tư vào blockchain.
Quỳnh Như