(Tổ Quốc) - Logistics là nền tảng quan trọng để VinShop có thể kết nối được toàn chuỗi từ các nhãn hàng/các nhà sản xuất, cho đến cửa hàng tạp hoá và cả đến người tiêu dùng. Hiện công ty One Distribution đang có hơn 20.000 m2 kho để xử lý gần 100.000 sản phẩm mỗi ngày, vận hành hơn 200 xe tải ở 2 Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, và dự kiến sẽ đạt hơn 3.000 - 4.000 xe vào cuối năm 2021.
Mục tiêu chinh phục 300.000 tiệm tạp hoá
Hồi đầu tháng 10, Công ty Cổ phần One Distribution (thuộc tập đoàn One Mount Group) chính thức công bố ra mắt ứng dụng VinShop - một sản phẩm công nghệ có vai trò kết nối cung ứng hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất tới chủ cửa hàng tạp hóa. Với khởi điểm hơn 20.000 cửa hàng tạp hóa kết hợp với ứng dụng VinID sở hữu 10 triệu khách hàng, VinShop đã bước đầu tạo nên mô hình B2B2C - Business to Business to Customer - đầu tiên trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Hợp tác giữa VinShop và VinID thông qua Vinshop được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng cho kênh bán lẻ truyền thống, vốn đang chiếm trên 80% thị phần toàn ngành.
Ngay sau khi chính thức công bố ra mắt VinShop, bà Trương Quỳnh Phương- Giám đốc phát triển Kinh doanh One Mount Group cho hay, VinShop dù không xây dựng, sở hữu hay vận hành bất kỳ một cửa hàng hay điểm bán nào nhưng sẽ dùng công nghệ để giải quyết bài toán luân chuyển hàng hóa quy mô lớn tới hàng tỷ sản phẩm mỗi năm. Với việc vận hành một chuỗi cung ứng hiện đại với hàng trăm nghìn đối tác khắp cả nước, chỉ có công nghệ mới là giải pháp tối ưu.
Bà Phương tiết lộ, mục tiêu đến năm 2022, số lượng đối tác là các tiệm tạp hoá gia nhập hệ thống VinShop dự kiến sẽ đạt tới con số 300.000. Bên cạnh mang lại lợi ích của chủ tiệm tạp hóa, nhà sản xuất, người tiêu dùng cũng sẽ có cơ hội mua hàng với giá giảm tới khoảng 10%, do tối ưu tới 15% chi phí toàn chuỗi.
Đơn vị này còn khẳng định, nhờ công nghệ, các chủ cửa hàng tạp hóa có thể ngồi tại nhà thông qua ứng dụng để đặt một lần được cả trăm mặt hàng đa dạng và chỉ phải nhận một lần duy nhất, phục vụ 24/7, được giao hàng siêu tốc ngay trong ngày hôm sau kể cả thứ Bảy và Chủ Nhật.
Đại diện One Mount Group kỳ vọng những giải pháp công nghệ tập đoàn này đẩy mạnh đầu tư sẽ nâng cao hiệu quả của toàn chuỗi cung ứng, giúp khắc phục những yếu điểm hiện tại trong luồng phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất đến tiệm tạp hóa và giúp khách hàng cuối không phải chịu các chi phí bất hợp lý trên các sản phẩm họ tiêu dùng hàng ngày.
Theo một thống kê của Nielsen năm 2018, 75% miếng bánh thị trường bán lẻ đang nằm tại hơn 9.000 chợ và 1,4 triệu tiệm tạp hóa truyền thống, với doanh số 10 tỷ USD mỗi năm. Với giả định số lượng các tiệm tạp hóa không thay đổi đáng kể thì mốc 300.000 tiệm tạp hóa mà VinShop đạt mục tiêu 2 năm tới sẽ tương đương hơn 21%. Vì sao sếp One Mount Group tự tin đến vậy?
Sức mạnh của VinShop đến từ logistics
Báo cáo ngành logistics năm 2019 của Bộ Công Thương đưa ra nhận định xu hướng toàn cầu của ngành này sẽ áp dụng các dịch vụ logistics công nghệ cao như theo dõi và giám sát, phân tích, dự báo và lập kế hoạch theo thời gian thực dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội sinh lời cho thị trường dịch vụ logistics trong những năm tới.
Chạy đua về công nghệ tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa chi phí, trách nhiệm, linh hoạt và giảm rủi ro. Do đó, thúc đẩy sự ra đời và đổi mới một loạt các giải pháp logistics tiên tiến.
Tuy nhiên trên thực tế, hệ thống logistics Việt Nam vẫn còn phân mảnh và khá đơn giản. Có rất nhiều công ty tồn tại trên thị trường nhưng đa số đều quy mô nhỏ. Theo đó ngay cả những doanh nghiệp nằm trong top 10 cũng chỉ chiếm dưới 1% của tổng giá trị thị trường. Đa số các doanh nghiệp chỉ xử lý theo những chặng nhỏ, không có quy chuẩn chung nên thiếu khả năng liên kết toàn chuỗi giúp tối ưu tổng thể.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho biết trên 70% doanh nghiệp vận tải và logistics đang hoạt động hiện nay có quy mô vốn vừa và nhỏ, chỉ có 7% doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng, trong đó nhóm vốn lớn chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia. Với quy mô nhỏ như vậy nên đa số các doanh nghiệp logistics không được đầu tư bài bản vào công nghệ và hạ tầng.
Vì dịch vụ đơn giản nên tính cạnh tranh về giá cao, tỷ suất lợi nhuận của các công ty logistics thấp, nhưng vì không liên kết để tối ưu được tổng thể nên tổng chi phí logistics ở Việt Nam vẫn rất cao (chiếm đến 21,9% doanh thu – theo Bộ Công Thương) dẫn đến chưa tối ưu hoá được lợi nhuận mang đến cho các nhà sản xuất, nhà bán lẻ cũng như người tiêu dùng.
Trong khi đó, một trong những điểm được bà Phương nhấn mạnh khi ra mắt VinShop chính là việc tập đoàn này đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ logistics. Theo đó logistics là nền tảng quan trọng của One Mount Group để có thể kết nối được toàn chuỗi từ các nhãn hàng/các nhà sản xuất, cho đến cửa hàng tạp hoá và cả đến người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trần Thi - Giám đốc Phát triển sản phẩm và Vận hành Logistics của One Mount Group (Tập đoàn sở hữu ứng dụng VinShop và VinID) cũng chia sẻ, One Distribution sẽ tập trung vào việc phát triển các giải pháp công nghệ, xây dựng nền tảng dữ liệu để có thể quản lý và kiểm soát dịch vụ trên quy mô lớn, xây dựng các quy trình quy chuẩn để đảm bảo có thể tối ưu được chuỗi cung ứng toàn trình end-to-end.
Đơn vị này cũng sẽ kết hợp với các đối tác logistics chiến lược, cả trong nước lẫn nước ngoài tận dụng hạ tầng và kinh nghiệm vận hành sẵn có của các đối tác.
Theo ông Thi, hiện tại One Distribution đang có tới hơn 20.000 m2 kho để xử lý gần 100.000 sản phẩm mỗi ngày, vận hành hơn 200 xe tải ở 2 Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, giao hàng đến vài ngàn tạp hoá/ngày và đã sẵn sàng để vận hành hơn 500 xe/ngày vào cuối năm nay, dự kiến sẽ đạt hơn 3.000 - 4.000 xe vào cuối năm 2021.
Nhìn vào thực tế tình trạng logistics Việt Nam và hướng đi đầu tư mạnh vào mảng này của One Mount Group có thể dễ dàng lý giải vì sao VinShop lại tự tin đến vậy.
Thảo Nguyên