Vì sao đã có những ông lớn Nike, Adidas, Li-Ning... nhưng 2 chàng trai Việt 9x vẫn startup thành công thương hiệu giày riêng và được Forbes liên tiếp vinh danh?

(Tổ Quốc) - Hai nhà sáng lập Rens Original cho biết họ không thấy được có hãng thời trang hay sản phẩm thời trang giày nào vừa chất vừa thân thiện với môi trường. Các thương hiệu chỉ có thể chọn 1 trong 2. Đó là lý do Khánh Trần và Sơn Chu thành công với Rens.

Hồi tháng 3, tạp chí Forbes vừa công bố Top 30 under 30 khu vực châu Âu năm 2020. Danh sách này được sắp xếp theo 10 lĩnh vực khác nhau, mỗi lĩnh vực gồm 30 đại diện tiêu biểu. Đáng chú ý, danh sách năm nay có sự xuất hiện của 2 chàng trai gốc Việt Khánh Trần và Sơn Chu – ở hạng mục Doanh nghiệp xã hội.

Trước đó 1 tháng, Forbes Việt Nam cũng vinh danh Khánh Trần trong danh sách Top 30 under 30. Khánh Trần sinh năm 1992 tại TP HCM và sang Phần Lan du học ngành Kinh doanh Quốc tế & Logistics năm 19 tuổi. Sơn Chu sinh năm 1996, theo học ngành Hệ thống thông tin tại Phần Lan từ năm 2014. Khánh và Sơn là 2 đồng sáng lập của Rens Original - thương hiệu giày làm từ bã cà phê và vỏ chai nhựa tái chế.

Mục tiêu của Rens là tạo ra một thương hiệu thời trang dành cho giới trẻ trên toàn cầu trong đó bảo vệ môi trường và các giá trị bền vững được xem như những điều kiện mặc định, với giá thành hợp lý và mẫu mã trẻ trung, độc đáo.

Vì sao đã có những ông lớn Nike, Adidas, Li-Ning... nhưng 2 chàng trai Việt 9x vẫn startup thành công thương hiệu giày riêng và được Forbes liên tiếp vinh danh? - Ảnh 1.

Một đôi giày Rens giúp tái sử dụng 300 gam cà phê và 6 chai nhựa tái chế. Ngoài chiến dịch gọi vốn cộng đồng, Rens còn được rót vốn từ một nhóm các nhà đầu tư có ảnh hưởng nhất tại Phần Lan và khối Bắc Âu.

Sau đây là cuộc trả lời phỏng vấn giữa 2 chàng trai 9x gốc Việt này về hành trình sáng lập nên Rens trên kênh VTV mới đây giữa thời điểm dịch Covid-19 đang lan rộng.

Lý do các anh chọn khởi nghiệp thương hiệu giày thời trang cho riêng mình khi trên thị trường đã có nhiều thương hiệu giày rồi?

Khánh Trần: Cả Khánh và Sơn đều là sneakerheads (những người cuồng giày sneaker) và bọn mình có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thời trang và thương mại điện tử. Bọn mình nhìn xung quanh thị trường thì bọn mình không thấy được có hãng thời trang hay sản phẩm thời trang giày nào vừa chất vừa thân thiện với môi trường hết. Bạn chỉ có thể chọn 1 trong 2. Đó là lý do bọn mình tạo ra Rens.

Sơn Chu: Ý tưởng ban đầu của Khánh và Sơn là làm giày trông đẹp, cool và từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Và một trong những nguyên liệu đó là cà phê. Việt Nam là những nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Và bọn mình ở Phần Lan. Phần Lan là nước tiêu thụ cà phê tính trên đầu người lớn nhất thế giới. Đó là câu chuyện sau thương hiệu Rens.

Vì sao đã có những ông lớn Nike, Adidas, Li-Ning... nhưng 2 chàng trai Việt 9x vẫn startup thành công thương hiệu giày riêng và được Forbes liên tiếp vinh danh? - Ảnh 2.

Vốn luôn là một vấn đề rất quan trọng với startup, quá trình gọi vốn của Rens như thế nào?

Khánh Trần: Chiến dịch gọi vốn trên cộng đồng của Rens trên Kickstarter năm ngoái là chiến dịch gọi vốn thành công nhất trong ngành thời trang ở Bắc Âu từ trước đến nay. Bọn mình gọi được hơn 500.000 Euro trong 1,5 tháng và bán sản phẩm tới 100 nước trên thế giới. Bọn mình cũng may mắn gọi vốn thành công vòng gọi vốn mới gần đây, 1 tháng trước (Tháng 4/2020-pv). Bọn mình còn có thêm sự tham gia của 2 quỹ đầu tư mạo hiểm ở Hensinki (Phần Lan) và New York (Mỹ). Rens cũng có thêm nhiều nhà đầu tư mới là lãnh đạo của những tập đoàn lớn nhất trên thế giới về thời trang điện tử và Internet. 

Hiện tại dịch Covid-19 đang hoành hành tại châu Âu và các nước trên thế giới, đối với một startup như Rens thì dịch Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đến công việc kinh doanh của các anh?

Khánh Trần: Một điều may mắn là tại Trung Quốc, nơi bọn mình sản xuất Rens đã bình ổn nên khâu sản xuất đã quay trở lại bình thường. Cả Khánh và Sơn phải đi nhiều nơi để gặp đối tác ở nhiều nước. Nhưng hiện nay nhiều nước trên thế giới đã phong tỏa biên giới nên bọn mình chỉ có thể ngồi ở Helsinki và làm việc từ xa.

Sơn Chu: Mặc dù mỗi người một chỗ, ngồi một nơi nhưng bọn mình vẫn phải giữ cách giao tiếp năng động nhất là qua gọi video thay vì văn bản. Về mặt quản trị thì ban quản trị nên cập nhật thường xuyên hơn bình thường.  

Hiện thị trường nào là thị trường lớn nhất của Rens. Liệu trong tương lai Việt Nam có một chi nhánh của Rens hay không?

Sơn Chu: Thị trường lớn nhất của Rens là Mỹ. Hiện tại bọn mình chưa có đối tác phân phối tại Việt Nam. Nhưng chắc chắn bọn mình sẽ kiếm được nhà đối tác phù hợp cho thương hiệu để phân phối tại Việt Nam trong khoảng thời gian gần nhất.

Khánh Trần theo học và đã tốt nghiệp cử nhân tại Aalto MIKkeli. Ngay sau khi ra trường Khánh Trần may mắn kiếm được việc làm trong một startup quốc tế rất thành công trong lĩnh vực Ecommerce (Thương mại điện tử) của Phần Lan. Sau một thời gian làm việc tại công ty này, Khánh Trần đã xây dựng được nhiều mối quan hệ trong giới kinh doanh tại Phần Lan và tự tin tách ra mở startup đầu tiên tên là FactoryFinder nhằm giúp đỡ các thương hiệu thời trang nhỏ ở Bắc Âu làm việc với nhà máy sạch và xanh tại Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ.

Chu Hoàng Sơn - chàng trai 24 tuổi, người Hà Nội. Trước khi làm dự án riêng với Rens, Sơn Chu đã làm việc tại một tập đoàn lớn ở Phần Lan với mức lương cao hơn 100 lần so với mặt bằng chung của các công ty công nghệ lớn tại Việt Nam, nhưng công việc tốt cùng mức lương cao đi cùng với sự đánh đổi là không tạo được sản phẩm với bản sắc cá nhân. Cùng đam mê Sneaker, Sơn Chu (CTO, CMO của Rens) cùng Khánh Trần đưa startup Rens có được những thành công bước đầu.

Thảo Nguyên

Tin mới