(Tổ Quốc) - Không riêng MoMo, việc sử dụng trò chơi để thu hút tương tác người dùng từ đã trở thành hướng đi không thể thiếu của các ứng dụng lớn khác như Grab, Shopee, Lazada.
Chơi game - Chiến lược "câu khách" quan trọng của MoMo, Grab, Shopee...
Hồi tháng 9, startup fintech MoMo giới thiệu ra cuộc thi tranh tài kiến thức tương tác "Học Viện MoMo". Đây là một dạng trò chơi tương tác kiến thức trực tiếp trên ứng dụng MoMo. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện một cuộc thi tranh tài tương tác trực tiếp trên nền tảng tài chính như ví điện tử.
Sau gần 1 tháng tổ chức, startup này cho biết đã có 7 triệu người chơi, gần 150 triệu trận thi đấu, hơn 25 triệu phong bì tiền mặt và 120 triệu thẻ quà tặng đã trao cho người tham gia.
Phần lớn người tham gia trò chơi là giới trẻ với mức độ am hiểu nhất định về công nghệ. Họ bị cuốn vào trò chơi, tần suất mở ứng dụng tăng lên trung bình 2-3 lần mỗi ngày so với trước khi tham gia tương tác. Việc tham gia tương tác trò chơi dẫn dắt họ ghé qua những dịch vụ tích hợp trên ứng dụng như đếm bước chân đi bộ, nuôi heo đất...
Điều gì thực sự thôi thúc một công ty công nghệ tài chính (fintech) trong nước như MoMo làm công việc của một nhà phát triển trò chơi?
"Các chương trình tương tác này nằm trong chiến lược quan trọng để MoMo hướng tới siêu ứng dụng đầu tiên của Việt Nam," ông Nguyễn Mạnh Tường, phó chủ tịch điều hành công ty cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), đơn vị chủ quản ví điện tử MoMo từng chia chia sẻ với Forbes Việt Nam.
Người dùng chơi trò chơi trên MoMo
Theo ông Tường, đây là cách MoMo gia tăng kết nối và tương tác với người dùng, qua đó tăng cơ hội giới thiệu với khách hàng các dịch vụ tích hợp có sẵn trên MoMo. Sau hành trình 10 năm phát triển, mới đây startup này công bố chính thức chạm mốc 20 triệu người, hướng tới mục tiêu trở thành siêu ứng dụng và có 50 triệu người dùng.
Không riêng MoMo, việc sử dụng trò chơi để thu hút tương tác người dùng từ đã trở thành hướng đi không thể thiếu của các ứng dụng lớn khác như Grab, Shopee, Lazada.
Theo giới chuyên môn công nghệ, các yếu tố Gamification đã được tận dụng tối đa để thu hút trải nghiệm khách hàng cũng như tăng tính tương tác giữa người dùng và App. Nếu được thiết kế tốt và thông minh, Gamification không những tăng số lượng người dùng, mà còn giúp tăng doanh thu đáng kể cho doanh nghiệp.
Xu hướng chung toàn ngành ứng dụng di động
Trong vòng vài năm trở lại đây, Gamification đã và đang trở thành điểm nhấn trong nhiều lĩnh vực khác nhau như marketing, product design, software product development, thậm chí trong cả quản lý và điều hành doanh nghiệp. Nói một cách đơn giản, Gamification trong các ứng dụng là cách sử dụng những yếu tố trong nền tảng Gaming quen thuộc với mọi người và sử dụng nó như một cách để tăng sự tương tác với ứng dụng di động.
Có thể kể đến như các hệ thống phần thưởng được sử dụng rộng rãi trong các trò chơi, và việc tích hợp trò chơi vào ứng dụng di động chắc chắn sẽ góp phần tăng trải nghiệm người dùng và tăng cường sự tham gia của người dùng. Tuy là một thuật ngữ xa lạ, nhưng ít ai để ý rằng: hàng ngày mỗi chúng ta đều đã và đang tham gia vào "Game" của rất nhiều thương hiệu. Đó có thể là chương trình khách hàng thân thiết khi đến bất kì siêu thị tiện lợi nào hoặc có thể là tích điểm thành viên CGV, Lotte Cinema…
Gamification được nhiều nhà thiết kế App/Website chú trọng bởi vì nó có thể:
- Gắn kết với người dùng, khách hàng tốt hơn (engagement);
- Khiến khách hàng/người dùng dành nhiều thời gian hơn với các ứng dụng phần mềm, đặc biệt là các ứng dụng mobile app;
- Tạo ra động lực kích thích người dùng tham gia vào hoạt động của các chương trình marketing, các website, ứng dụng mobile như một phần trong cuộc sống của họ thông qua các mô thức tâm lý học hành vi;
- Tạo ra thị trường mới với những tiêu chí cạnh tranh, cuốn hút khách hàng tiêu dùng, người dùng sản phẩm phần mềm cũng như xây dựng một môi trường văn hóa doanh nghiệp với động lực thúc đẩy nhân viên hoàn toàn mới mẻ.
Trò chơi tương tác trên Grab.
Vì sao các trò chơi lại tăng tương tác người dùng?
Một đặc trưng cơ bản nhất khiến Gamifcation nằm ở việc đánh vào tâm lý của con người. Bắt nguồn từ một Insight rằng: con người luôn có mong muốn vui vẻ và tham gia vào các cuộc chơi. Gamification trong các ứng dụng di động hấp dẫn những ham muốn của con người: "được" thưởng, thể hiện bản thân, thành tích và cạnh tranh.
Ai cũng mong muốn "được thưởng"
Việc khuyến khích người dùng "săn" phần thưởng khi sử dụng ứng dụng có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên. Con người có xu hướng hoàn thành các hành động nếu họ biết rằng những nỗ lực của họ sẽ được đền đáp.
Có rất nhiều loại Reward khác nhau và có thể ứng dụng ứng dụng di động của bạn. Khuyến khích người dùng "online", "active" trong một khoảng thời gian, hoặc mua hàng trong ứng dụng hay tham gia vào các cuộc thi, và thông báo rằng: Họ sẽ được thưởng những phần thưởng hấp dẫn.
Một cách làm để thúc đẩy người dùng là cung cấp "Điểm thưởng" có thể được sử dụng như một Currency trong ứng dụng. Bằng cách này, người dùng kiếm được điểm có thể đổi lấy nhưng giá trị vật chất mà họ mong muốn. Ví dụ, điểm thưởng được sử dụng bởi các ngân hàng (Tích luỹ điểm thưởng bằng số tiền chi tiêu như Citibank, HSBC, TP Bank,...) ngành thực phẩm và đồ uống (My Starbucks Rewards , The Coffee House tích luỹ cà phê đổi thưởng). Các hệ thống điểm thưởng không chỉ kích thích khả năng mua sắm, đổi quà của nguòi dùng, mà còn là một cách để thương hiệu làm Customer Relationship Management.
Thể hiện bản thân
Mong muốn tự thể hiện của con người là nền tảng của bất kì người dùng sử dụng Social Media nào. Người dùng có thể thể hiện bản thân bằng việc thay đổi hình đại diện, huy hiệu và thông qua bất kỳ Virtual Items mà họ có thể "khoe" với người khác.
Tặng quà "ảo" là một chiến lược tuyệt vời khác để giữ chân người dùng và khuyến khích các tương tác xã hội. Quà tặng "ảo" củng cố mối quan hệ giữa người tặng và người được tặng và kéo người nhận vào một ứng dụng để đổi quà. Tương tác với cộng đồng và được xã hội công nhận là những khao khát rất phổ biến. Đó là lý do vì sao Duolingo xây dựng bảng thành tích, tính năng mời bạn bè tham gia học cùng và các câu lạc bộ, hội nhóm cùng học ngoại ngữ.
Ai cũng mong muốn được vinh danh
Yếu tố vinh danh có thể được kết hợp với phần thưởng trong các ứng dụng di động được ứng dụng. Mặc dù thành tích lớn được thưởng bằng một thứ gì đó đặc biệt, như huy hiệu (Badges) hoặc Cúp "ảo" (trophies), Unlock cấp độ mới, những thành tựu nhỏ cũng cần được công nhận, đặc biệt là khi người dùng mới bắt đầu tham gia vào ứng dụng cũng tạo ra sự hào hứng với họ.
Thảo Nguyên