(Tổ Quốc) - Vừa qua, hệ thống thanh toán hàng đầu Nhật Bản JCB đã chính thức "bắt tay" chiến lược với Soft Space của Malaysia. Điều đó cho thấy "gã khổng lồ" này đang xác định thị trường Đông Nam Á (SEA) là trọng yếu cho sự phát triển.
Tiềm lực của thị trường kinh tế số tại Đông Nam Á
Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á của ba đơn vị lớn là Tập đoàn Google, nhà đầu tư Temasek Holdings (Singapore) và Công ty Tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) công bố cuối năm 2021, Đông Nam Á (SEA) đang trở thành khu vực cho bước phát triển nền kinh tế số nổi bật hàng đầu. Cụ thể, kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, SEA đã có thêm 60 triệu người dùng internet mới, nâng tổng số người cùng Internet lên 440 triệu, trở thành thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới, gia tăng sử dụng điện thoại thông minh và đô thị hóa nhanh chóng, cũng như sự bùng nổ tầng lớp trung lưu.
Như chúng ta đều biết, ngoài Singapore, hầu hết các quốc gia còn lại trong khối ASEAN đều là nước đang phát triển. Khi nền kinh tế thế giới dần xoay trục về châu Á, những "con rồng", "con hổ" của phương Đông lại không hoàn toàn là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư phương Tây. Với lợi thế về dân số trẻ, vị thế địa chính trị thuận lợi cho giao thương trực tiếp và trên hết là tiềm năng phát triển sung sức cho sự đổi mới kinh tế và thích nghi toàn cầu, khối ASEAN cho thấy mình là điểm sáng phát triển kinh tế, đặc biệt trong cách lĩnh vực của tương lai như kỹ thuật số, công nghệ…
Thêm vào đó, báo cáo còn chỉ ra ngành công nghiệp trực tuyến ở Đông Nam Á nhiều khả năng chứng kiến tổng giá trị hàng hóa (GMV) ước tính tăng lên 360 tỷ USD vào năm 2025 và 1.000 tỷ USD đến năm 2030. Tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử dự kiến đạt 234 tỷ USD vào năm 2025. Qua đó, ta có thể thấy tiềm lực phát triển kinh tế trong tương lai tại SEA vô cùng mạnh mẽ, kéo theo đó, hoạt động dịch vụ thanh toán cũng vì thế cần nâng tầm để đảm bảo nhu cầu sử dụng cho khách hàng.
Cuộc hợp tác chiến lược giữa JCB và Soft Space
Nắm bắt được khuynh hướng phát triển kinh tế nổi bật tại thị trường Đông Nam Á, "ông lớn" trong lĩnh vực thanh toán của Nhật Bản JCB đã chính thức công bố hợp tác chiến lược với Soft Space công ty thanh toán kỹ thuật số tiên phong ở ASEAN cung cấp các giải pháp thanh toán sáng tạo, có trụ sở tại Malaysia. JCB đã đầu tư khoảng 5 triệu đô la Mỹ vào Soft Space cùng một loạt dự án hợp tác kinh doanh khác nhằm khai thác tối ưu thế mạnh của mô hình FinTech và các dịch vụ về công nghệ. Đây là một phần của đợt tài trợ đầu tiên đang được triển khai cho Soft Space cùng với các khoản đầu tư khác trong tương lai.
Quan hệ đối tác chiến lược với Soft Space cũng nhằm mục đích khai thác sự hiệp lực giữa hai bên; bao gồm việc mở rộng mạng lưới thương nhân của JCB, thiết lập các giải pháp phát hành thẻ và cung cấp các giải pháp tiếp thị khách hàng. Bên cạnh đó, các lĩnh khác hợp tác khác bao gồm: Hệ thống đơn lẻ cho phép người dùng lập kế hoạ chỗ, đặt chỗ, thanh toán cho tất cả dịch vụ riêng lẻ cần thiết Mobility-as-a-service (MaaS); Cổng thanh toán; Phương thức thanh toán theo nhu cầu dựa trên những gì đăng ký để phát hành thẻ ID Cards-as-a-service (CaaS); White Label Service; Dịch vụ nền tảng API và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật. Cả Soft Space và JCB đều cam kết đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt ở cả Malaysia và Đông Nam Á bằng cách sử dụng các công nghệ fintech tiên tiến và cạnh tranh, từ đó thiết lập mối liên kết giữa người tiêu dùng Nhật Bản với Đông Nam Á.
JCB sở hữu và vận hành một trong những hệ thống thanh toán hàng đầu ở Nhật Bản. Hiện đơn vị này đang hỗ trợ khoảng 37 triệu thương gia và hơn 140 triệu chủ thẻ trên khắp thế giới. Trong cuộc hợp tác chiến lược này với Soft Space, JCB cho thấy tầm nhìn thức thời của mình, không chỉ góp phần vào sự phát triển mảng dịch vụ thanh toán điện tử tại Đông Nam Á, giúp cho sự lưu thông kinh tế trở nên tiện ích hơn, mà đây còn chính là "đòn bẩy" để JCB khẳng định sức ảnh hưởng mang tính toàn cầu của mình.
Ánh Dương