(Tổ Quốc) - Làn sóng nhiều đại gia BĐS vốn quen với BĐS cao cấp nay quay trở lại với phân khúc nhà ở giá thấp trong bối cảnh giá nhà đang tăng cao khiến thị trường bất ngờ.
Mới đây, ngày 6/1, Tập đoàn Hưng Thịnh, Đồng Tâm Group, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành đã ký kết hợp tác xây dựng hàng triệu căn nhà giá vừa túi tiền tại TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Theo đó, trước mắt 3 tập đoàn này sẽ xây dựng trước khoảng 100.000 căn nhà. Dự kiến mức giá bán mỗi m2 căn hộ tại TP.HCM là dưới 25 triệu đồng và tại Long An, Bình Dương, Đồng Nai là dưới 20 triệu đồng, thậm chí có thể rẻ hơn nữa nếu nhận được các ưu đãi về tiền sử dụng đất, lãi suất...
"Trải qua đại dịch, bài toán nhà ở vừa túi tiền dành cho người có thu nhập thấp lại càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay và một tinh thần quyết liệt, quyết tâm cùng tìm ra lời giải”, ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết.
Lý giải nguyên nhân tập trung vào nhà ở giá rẻ ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, sáng kiến này là một phần trong trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Tham gia vào sáng kiến, các doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận, mà đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội, tạo dựng giá trị chung cho cộng đồng, thông qua việc cung cấp nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu phổ thông.
Trước Hưng Thịnh, mới đây Tập đoàn Tân Hòang Minh vốn gắn với các thương hiệu BĐS siêu sang cũng đã tuyên bố sẽ tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ với hàng loạt khu nhà ở xã hội lắp ghép cho công nhân tại KCN của chính Tập đoàn này tại các tỉnh thành từ Bắc vào Nam như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Hoà Bình hay Long An, Bình Thuận…
Tân Hoàng Minh cho biết Tập đoàn này sẽ sử dụng nhà lắp ghép với công nghệ tự động 4.0 để sản xuất bê tông, module đạt công suất lớn, rút ngắn thời gian thi công chỉ từ 1 đến 6 tháng tuỳ theo số lượng tầng (tối thiểu 5 tầng và tối đa là 20 tầng). Cùng với đó giá thành rẻ hơn từ 40-60% so với giá thành sản xuất nhà thông thường.
Cùng với Tân Hoàng Minh, mới đây Apec Group cũng đã gửi văn bản lên Thủ tướng xin được thực hiện “Đại cách mạng nhà ở xã hội” với tham vọng sẽ xây dựng 10 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Giá bán nhà ở xã hội tại Hà Nội hay TP.HCM từ 13-16 triệu đồng/m2, các tỉnh thành phố khác 8-10 triệu đồng/m2
Chia sẻ về lý do "rẽ lối" sang phân khúc nhà ở xã hội, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch APEC Group, cho biết đại dịch Covid-19 đã cho thấy những khoảng tối về đời sống của một bộ phận người lao động thu nhập thấp trong xã hội. "Mỗi gia đình công nhân thuê một căn nhà 20-30m2 nên dịch bệnh lây lan rất nhanh. Điều đó thôi thúc chúng tôi phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề nhà ở không chỉ cho người giàu mà nên làm những điều đa số người dân mong muốn", ông Lăng phát biểu.
Theo Chủ tịch APEC, lịch sử làm nhà ở xã hội của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như mục tiêu đặt ra là bởi quyết tâm xã hội chưa đủ lớn, quyết tâm chính trị chưa đủ mạnh, chưa làm đến cùng và doanh nghiệp thì không mặn mà. Các doanh nghiệp tham gia vẫn đang đòi hỏi và mong muốn nhiều quá. Do đó, điều quan trọng của cuộc "đại cách mạng" lần này chính là sự đồng lòng, quyết tâm của cả xã hội.
Lý giải nguyên nhân làn sóng xây nhà giá rẻ được nhiều doanh nghiệp BĐS quan tâm, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam đánh giá, sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân là rất rõ ràng. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tỷ lệ dân số đô thị hiện vào khoảng 40% và sẽ tăng lên 45% vào năm 2030. Với mục tiêu đó, mỗi năm diện tích nhà ở đô thị cần phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cũng cho biết hiện nay dù giá chung cư đã bị đẩy cao nhưng cạnh tranh trên thị trường căn hộ cao cấp rất khốc liệt, nhu cầu hạn chế. Trong khi đó, căn hộ giá thấp nhu cầu cao nhưng nguồn cung khan hiếm. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp BĐS phát triển trong giai đoạn tới.
Làn sóng nhiều đại gia BĐS vốn quen với BĐS cao cấp nay quay trở lại với phân khúc nhà ở giá thấp trong bối cảnh giá nhà đang tăng cao, hàng triệu người dân có thu nhập thấp tại các đô thị lớn khu công nghiệp khó tiếp cận nhà ở là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng quan ngại, đây mới chỉ là định hướng, còn việc khi nào sản phẩm đến tay người mua nhà vẫn còn rất mơ hồ bởi quá trình để triển khai hoàn thiện 1 dự án bất động sản sẽ mất từ 3-5 năm. Trong thời gian đó, nhiều doanh nghiệp có thể rẽ hướng đi mới so với kế hoạch ban đầu.
Còn nhớ, cách 4 năm một ông lớn trên thị trường BĐS cũng đã công bố kế hoạch bùng bổ với dòng sản phẩm Happy Town thuộc phân khúc nhà ở bình dân, mức giá chỉ từ 200 triệu/căn dành cho người có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp ở một số tỉnh thành trên cả nước, ngoại trừ Hà Nội và TP.HCM.
Theo thông tin từ tập đoàn này, Happy Town sẽ được phát triển với diện tích tối thiểu từ 30m2/căn. Dự kiến, trong giai đoạn đầu, Happy Town sẽ được triển khai tại 3 tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn, đang tập trung đông đảo lao động nhập cư là Bắc Ninh, Bình Dương và Đồng Nai. Tuy nhiên, 4 năm trôi qua, kế hoạch này vẫn nằm trên giấy trong khi người thu nhập thấp vẫn mòn mỏi chờ đợi.
Nhật Nam