Việt Nam cần đòn bẩy gì để phát triển ô tô điện?

(Tổ Quốc) - Chính phủ các nước đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho sản xuất và tiêu dùng ô tô điện. Tại Việt Nam, ngành sản xuất quan trọng này đến nay vẫn chưa có được một cơ chế thúc đẩy phát triển nào tương tự.

Thông tin Vingroup nêu đề xuất thí điểm chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với ô tô điện trong 5 năm nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng. Nếu được chấp thuận, đây có thể là tin vui với những người muốn sở hữu xe điện vì tổng chi phí để sở hữu một chiếc xe xanh, thông minh, chắc chắn sẽ dễ tiếp cận hơn hiện tại.

Nhiều quốc gia dành "biệt đãi" cho ô tô điện

Nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, những ưu đãi như trên "đáng ra cần phải được tính tới từ lâu" để sớm tạo lực đẩy cho nhà sản xuất và người dùng ô tô điện.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, sở dĩ nhiều quốc gia dồn lực mạnh mẽ cho ngành sản xuất ô tô điện là bởi xe điện chính là một trong những mấu chốt quan trọng để phát triển kinh tế xanh - một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và cải thiện đời sống con người.

Sản xuất ô tô điện tuy là lĩnh vực tương đối mới nhưng được đánh giá là mang ý nghĩa then chốt do lực đẩy lớn đến từ ngành này. Khi có một nền công nghiệp ô tô "xanh", kéo theo sẽ là rất nhiều ngành công nghiệp, công nghệ phụ trợ cũng được "xanh hóa".

Đặc biệt, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, ô tô điện còn là đại diện của một nền công nghệ cao chứ không đơn thuần là một phương tiện giao thông thông thường.  Điều này có nghĩa, phát triển xe điện đồng thời sẽ giúp nâng tầm khoa học, công nghệ - trụ cột trong phát triển của cả nền kinh tế và vị thế quốc gia. Đó là lí do lĩnh vực ô tô điện nhận được rất nhiều hỗ trợ từ Chính phủ các nước, thậm chí là biệt đãi.

Việt Nam cần đòn bẩy gì để phát triển ô tô điện? - Ảnh 1.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Đại Đoàn Kết.

Đơn cử như Mỹ, ngoài khoản miễn thuế, nhiều tiểu bang tại đất nước này còn áp dụng các ưu đãi như đỗ xe miễn phí, đi vào làn đường có mật độ cao. Chính phủ còn cam kết tài trợ cho doanh nghiệp lắp đặt thêm cơ sở hạ tầng các trạm sạc. Các mẫu ô tô điện bán ra tại Mỹ cũng được trợ giá khoảng 7.000 USD/chiếc cho đến khi hãng sản xuất đạt được doanh số nhất định. Hay tại Trung Quốc, Chính phủ nước này đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô năng lượng mới từnăm 2012, coi việc phát triển xe điện là một kế hoạch quốc gia.

Vì thế, nhà sản xuất và người dùng ô tô điện được hưởng rất nhiều hỗ trợ, chẳng hạn với nhà sản xuất là khoản trợ cấp lên đến 44.000 NDT cho từng loại xe điện và hỗ trợ để xây trạm sạc. Người dùng tại đây, ngoài được giảm giá xe còn được ưu đãi phí làm biển, miễn phí khi đi vào cao tốc hay đẩy nhanh thời gian đăng kí xe,...

Không thể để "lỡ tàu"

Nhìn lại thị trường trong nước, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam cũng cần kịp thời đưa ra những cơ chế chính sách tốt để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao này, tạo động lực cho các doanh nghiệp sản xuất xe điện và người dùng muốn sử dụng ô tô điện.

"Thời điểm này đang là cơ hội lớn bởi Việt Nam đã có nhà sản xuất ô tô điện, thậm chí đã có kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ, nghĩa là chúng ta xuất phát không thua kém nhiều các nước tiên tiến. Nếu được hỗ trợ kịp thời và mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể có vị thế ngang ngửa các quốc gia phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao này", PSG Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Việt Nam cần đòn bẩy gì để phát triển ô tô điện? - Ảnh 2.

Ô tô điện cần thêm chính sách hỗ trợ để phát triển tại Việt Nam.

Việt Nam đang có những lợi thế để cạnh tranh trong lĩnh vực ô tô điện: dung lượng thị trường lớn, có nhà sản xuất có nguồn lực mạnh và quyết tâm (VinFast), điểm xuất phát không thấp hơn thế giới về công nghệ... Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có được một chính sách toàn diện để hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng ô tô điện - lĩnh vực mới mẻ, tầm cỡ nhưng cực kỳ thách thức.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy ngành sản xuất này, người làm chính sách cần nhìn bức tranh tổng thể mang tầm quốc gia, chứ không phải câu chuyện cá biệt của doanh nghiệp nào.

Quay trở lại với những chính sách đang được đề xuất trong nước, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh  cho rằng, cần có những chính sách "ra tấm ra món" mới giúp được ngành công nghiệp công nghệ cao này đủ sức mạnh cạnh tranh với thế giới. Với hai khoản được đề xuất ưu đãi là thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ, vị chuyên gia thẳng thắn: "Chính sách này so với các quốc gia trong khu vực và thế giới đang hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô điện thì còn quá mỏng".

Đây cũng là quan điểm của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ông phân tích, ô tô điện là một lĩnh vực mới nên cần phải có sự hỗ trợ dành cho những người tiên phong, những người phải đối mặt rất nhiều khó khăn. Ở tất cả các quốc gia mạnh nhất trong lĩnh vực ô tô điện hiện nay như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức, Nhật Bản... không một nhà sản xuất ô tô điện nào, dù "khổng lồ" đến mấy, có thể tự lớn mạnh mà không cần đến sự tương trợ từ phía Chính phủ.

Vì thế, nếu muốn Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới, thậm chí cần một "tổ hợp" chính sách cho xe điện nói chung, không riêng gì cho doanh nghiệp nào.

"Việt Nam đã xác định xe điện là xu hướng không thể đảo ngược của tương lai thì chúng ta phải cố gắng khuyến khích các sản phẩm này một cách mạnh mẽ nhất", Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đòn bẩy chính sách từ Nhà nước cần phải có sớm để giúp ngành sản xuất ô tô điện Việt Nam đủ sức mạnh cạnh tranh trong "thời điểm vàng".

"Đây là vấn đề chung của quốc gia, không phải chuyện riêng của bất kì doanh nghiệp cụ thể nào. Chúng ta phải sớm quyết định và đưa ngay chính sách vào đời sống kẻo lỡ chuyến tàu rất quan trọng này", chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Thành Duy

Tin mới