Việt Nam sẵn sàng để thực thi cam kết về thương mại điện tử

Là quốc gia thành viên của ASEAN, Việt Nam đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm các điều khoản về thương mại điện tử, chẳng hạn như Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại điện tử ASEAN và Hiệp định khung ASEAN về kinh tế số (DEFA).

Việt Nam hiện đang tích cực cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống cơ sở pháp lý nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực của thành phần kinh tế nhằm tận dụng tốt nhất những lợi ích từ cam kết thương mại điện tử trong các Hiệp định thương mại tự do.

Về khung khổ pháp lý

Đối với thương mại điện tử, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm hỗ trợ việc thực thi các cam kết thương mại điện tử trong các Hiệp định thương mại tự do cũng như tạo dựng một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử.

Từ năm 2013, Việt Nam ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ_CP về thương mại điện tử tạo cơ sở cho hoạt động thương mại điện tử. Năm 2021, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP được ban hành sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử

Về giao dịch điện tử, Việt Nam ban hành Luật giao dịch điện tử mới năm 2023 nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số ở tất cả ngành, lĩnh vực.

Về bảo vệ người tiêu dùng: Việt Nam ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới năm 2023. Sau đó, đầu năm 2024, Nghị định 55/2024/NĐ-CP được ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, các nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được bổ sung nhằm thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh tế, xã hội, đặc biệt là với các hoạt động kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Về bảo vệ thông tin cá nhân: nội dung này được quy định rải rác trong một số luật, nghị định của VIệt Nam như Luật an toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng…Năm 2023, Việt Nam ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hiện Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được thảo luận.

Như vậy, có thể thấy, khung khổ pháp lý của Việt Nam đang hướng tới bao phủ các vấn đề được đề cập tới trong các cam kết thương mại điện tử trong các Hiệp định thương mại tự do, tạo thuận lợi tối đa cho việc thực thi cam kết và khai thác lợi ích từ các cam kết thương mại điện tử.

Về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông

Việt Nam đã cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong những năm gần đây. Theo Báo cáo của Liên hợp quốc về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024. Sau khi duy trì vị trí thứ 86 trong cả năm 2020 và 2022 với số điểm là 0,7709, Việt Nam đã tiến lên nhóm "EGDI (Nhóm chỉ số phát triển chính phủ điện tử) rất cao", xếp thứ 71 trong số 193 quốc gia trong năm 2024. Mức nhảy vọt 15 bậc cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông tạo nền tảng quan trọng để đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử. Các số liệu chính như Chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI), Chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông (TII), Chỉ số vốn con người (HCI) và Chỉ số tham gia điện tử (EPI) đều đã cải thiện so với hai năm trước. Ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 5 trong số 11 quốc gia, tăng một bậc so với năm 2022. Thứ hạng của Việt Nam về dịch vụ công trực tuyến cũng đã cải thiện đáng kế.

Về hệ thống tạo thuận lợi cho thương mại phi giấy tờ

Hệ thống hải quan điện tử: được cập nhật và triển khai từ năm 2014. Hệ thống có khả năng thực hiện các chức năng điện tử liên quan, bao gồm tờ khai điện tử (e-Declaration); bản kê khai điện tử (e-Manifest); hóa đơn điện tử (e-Invoice); thanh toán điện tử (e-Payment); chứng nhận xuất xứ điện tử (e-C/O); luồng (chọn lọc); quản lý hồ sơ rủi ro dựa trên các tiêu chí rủi ro tích hợp; quản lý doanh nghiệp xuất nhập khẩu; thông quan và giải phóng hàng hóa. Hệ thống thông tin hải quan Việt Nam (VCIS) cũng được tích hợp vào hệ thống thông quan tự động, hình thành nên hai thành phần thống nhất của VNACCS/VCIS. Hệ thống kết hợp kết hợp tất cả các quy trình hải quan cần thiết trong một nền tảng tự động hóa và điện tử duy nhất phục vụ cho hồ sơ hải quan điện tử, bản kê khai điện tử, thanh toán điện tử và giấy phép điện tử theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với Hệ thống hải quan điện tử, Hệ thống một cửa quốc gia (NSW) của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động vào tháng 11 năm 2014 là nền tảng quan trọng giúp trao đổi dữ liệu hiệu quả. Hệ thống một cửa quốc gia đã được kết nối với Hệ thống một cửa ASEAN, điều này giúp đẩy nhanh quá trình vận chuyển, thông quan hàng hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi cung ứng thương mại quốc tế.

Tin mới