Đối mặt với những thách thức từ kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì mức độ tăng trưởng đầy khả quan.
Theo báo cáo từ Khảo sát Tình hình Kinh tế Toàn cầu quý 3 2023 (GECS Q3 2023), thực hiện bởi Hiệp Hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) và Hiệp Hội Kế toán Quản trị Hoa Kỳ (IMA), Việt Nam đang trên đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với nhiều triển vọng tích cực.
Việt Nam: Điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu
Giữa "cơn bão" khó khăn của kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự phục hồi đáng kể trong ba quý đầu năm. Tăng trưởng GDP và nguồn thu ngân sách nhà nước chuyển biến tích cực.
Cụ thể, trong quý đầu năm 2023, GDP tăng mạnh 3,32%, tiếp đà tăng lên 4,14% trong quý hai và 5,33% trong quý ba. Việt Nam dự kiến đạt tăng trưởng năm trên 5%, cao hơn các nước trong khu vực và toàn cầu. Mặc dù mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,5%, thì thành tích của Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn đáng được ghi nhận.
Nguồn thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu đạt 75,5% dự toán. Chính phủ cũng thực hiện các biện pháp chủ động miễn giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, và tiền thuê đất, lên đến 75 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ tiền lương khoảng 560 nghìn tỷ đồng được thành lập để đảm bảo đủ nguồn lực cải cách tiền lương trong giai đoạn 2024-2026.
Cũng theo khảo sát GECS, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã xuất hiện những tín hiệu khả quan bước đầu. Với tổng giá trị thương hiệu quốc gia đạt 431 tỷ USD, Việt Nam xếp hạng 32 trong số 100 thương hiệu quốc gia mạnh trên quy mô toàn cầu.
Sự biến động của thị trường kinh tế toàn cầu
Khảo sát GECS xoáy sâu vào sự biến động về niềm tin với kinh tế toàn cầu. Theo đó, nền kinh tế xuống dốc, kéo theo nhiều hệ lụy, rủi ro như: phản xạ chậm trễ trong việc siết chặt tiền tệ trước đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng vọt, giá dầu tăng.
Giữa bối cảnh này, ông Jonathan Ashworth, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, ACCA toàn cầu nhận định: "Đội ngũ kế toán hàng đầu đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì tính bền vững của doanh nghiệp. Đội ngũ kế toán cần hiểu rõ về điều kiện kinh tế hiện tại, chủ động đưa ra những kịch bản có thể xảy ra cho công ty, khách hàng để giúp họ lập kế hoạch một cách hiệu quả cũng như việc đưa ra được những quyết định hợp lý."
Không chỉ thế, các chuyên gia kế toán và tài chính cần chủ động xem xét, đánh giá lại hoạt động triển khai của doanh nghiệp để phù hợp với sự dịch chuyển của xu hướng kinh doanh. Việc này nhằm phát hiện xung đột tiềm ẩn có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh để sẵn sàng điều chỉnh hoạch định công việc góp phần duy trì cân bằng tài chính, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
Ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chuyên gia tài chính trong việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. "Chứng chỉ ACCA trang bị cho học viên những kỹ năng mới nhất để trở thành một chuyên gia tài chính. Đội ngũ chuyên gia tài chính sở hữu chứng chỉ ACCA, với sự am hiểu và kiến thức sâu sắc, sẽ giúp doanh nghiệp "mở lối" con đường dẫn đến thành công, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước".
Ông Ashworth cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc am hiểu về thị trường, sự chủ động trong việc lập kế hoạch và sẵn sàng đối mặt với những thách thức kinh tế tiềm ẩn. Ông cho biết thêm: "Vai trò của kế toán là nhân tố chủ chốt trong việc tư vấn, định hướng cho doanh nghiệp vượt qua thời kỳ biến động."
Trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục đạt được những cột mốc quan trọng về tăng trưởng kinh tế và giá trị thương hiệu quốc gia, thì mối quan hệ hợp tác giữa ngành tài chính và các sáng kiến của Chính phủ trở nên vô cùng quan trọng. Các chuyên gia tài chính đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi các thành tựu kinh tế thành sự tăng trưởng bền vững, từ đó củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm sáng giữa những bất ổn kinh tế toàn cầu.