Viettel Cyber Security phát hành Báo cáo thị trường ATTT 6 tháng đầu 2023

Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security – VCS) vừa công bố Báo cáo thị trường ATTT 6 tháng đầu 2023, với các số liệu thống kê, phân tích về thị trường ATTT Việt Nam và thế giới, cũng như dự báo tổng quan tình hình thị trường.

Nửa đầu 2023 là giai đoạn chứng kiến nhiều biến động của thị trường ATTT trong và ngoài nước, với sự xuất hiện của nhiều chiến dịch tấn công mới nhắm đến hệ thống công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, tổ chức trọng yếu, cũng như dữ liệu cá nhân của người dùng. Song song với đó, các xu hướng công nghệ mới trong ngành ATTT cũng dần hình thành để phù hợp với nhu cầu thực tế. Riêng tại Việt Nam, 2023 được ấn định là năm dữ liệu số quốc gia. Các biến động về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội cùng sự ra đời của một số luật, nghị định, thông tư, đã có tác động trực tiếp đến các quyết định chi tiêu cho an toàn thông tin của doanh nghiệp, tổ chức giai đoạn này.

Trên cơ sở tổng hợp các thống kê từ những nguồn uy tín cùng với việc thực hiện các nghiên cứu, khảo sát và phân tích chuyên sâu, VCS đã phát hành Báo cáo thị trường ATTT 6 tháng đầu 2023.

Đây là báo cáo được VCS phát hành định kỳ, là nơi chia sẻ tri thức và các nghiên cứu chuyên sâu từ một đơn vị dẫn đầu về ATTT tại Việt Nam. Báo cáo thị trường ATTT 6 tháng đầu 2023 được kỳ vọng sẽ là kênh tham khảo chất lượng để các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư về ATTT. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp ATTT cũng sẽ có cái nhìn tổng quan về thị trường, từ đó đưa ra những sản phẩm, chiến lược kinh doanh phù hợp cho nửa cuối năm 2023 và các giai đoạn sau.

Báo cáo gồm ba nội dung chính, phân tích về thị trường ATTT thế giới, thị trường ATTT Việt Nam và dự báo thị trường 6 tháng cuối năm, cung cấp nhiều thông tin quan trọng về thị trường và xu hướng chi tiêu cho ATTT.

Thị trường ATTT thế giới

Báo cáo của VCS cho thấy tổng chi tiêu cho giải pháp An toàn thông tin và Quản trị rủi ro toàn cầu năm 2023 ước đạt 186 tỷ USD. Khu vực APAC được dự báo chiếm khoảng 19% với mức chi tiêu 36 tỷ USD, tập trung vào các sản phẩm phần cứng, phần mềm và dịch vụ, với ba nhóm ngành có mức chi cao nhất vẫn là Ngân hàng (16%), Viễn thông (12%), Chính phủ (11%).

Viettel Cyber Security phát hành Báo cáo thị trường ATTT 6 tháng đầu 2023 - Ảnh 1.

Dự báo đến năm 2025, nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) toàn cầu sẽ chiếm 40% chi tiêu trong thị trường ATTT, với doanh số khoảng 90 tỷ USD. Nhóm này tập trung đầu tư vào dịch vụ quản trị (Managed Security Services) và các sản phẩm lớp network, endpoint.

Riêng tại ASEAN, Việt Nam chi tiêu cho ATTT ở mức thấp (thị phần 6%), nhưng nằm trong top 3 nước có tốc độ tăng trưởng chi tiêu cho ATTT cao nhất, sau Philippines và Indonesia. Theo các chuyên gia VCS, dù tăng trưởng hàng năm với tốc độ 15%, thị trường ATTT tại khu vực chưa có sự thống trị rõ rệt từ các nhà cung cấp (vendors) nào. Các doanh nghiệp tại ASEAN sẵn sàng đầu tư cho bất kì vendors nào nếu phù hợp với ngân sách và nhu cầu của họ.

Dẫn nghiên cứu của Gartner, báo cáo của VCS đánh giá xu hướng đầu tư cho ATTT của thế giới sẽ có thay đổi trong thời gian tới. Hơn 40% tổ chức, đặc biệt các doanh nghiệp cỡ vừa, ưu tiên lựa chọn sử dụng các nền tảng để quản lý các vấn đề một cách tập trung. Ngoài ra, do sự gia tăng của các sự cố ATTT do con người gây ra (đặc biệt là liên quan đến rủi ro lộ lọt dữ liệu nội bộ), các doanh nghiệp có nhu cầu thúc đẩy các giải pháp dựa trên hành vi và mối nguy từ bên trong.

Thị trường ATTT Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Thông Tin và Truyền thông, báo cáo của VCS cho thấy doanh thu trong lĩnh vực ATTT tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, lên mức 2.154 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài đạt 45%.

Theo thông tin tổng hợp từ Cổng đấu thầu quốc gia của VCS, trong nhóm khách hàng doanh nghiệp, các khách hàng thuộc ngành Năng lượng, Doanh nghiệp lớn và BFSI là những người đầu tư mạnh nhất cho ATTT, với quy mô tăng trưởng mạnh, lần lượt 51%, 370% và 2.107%. Đối với nhóm khách hàng này, nhu cầu chi tiêu nhiều nhất vẫn dành cho các dịch vụ gồm: Tư vấn, đánh giá ATTT (Pentest), Giám sát và điều hành ATTT (SOC), tường lửa (Firewall). Ngoài ra, điểm đặc biệt trong 6 tháng đầu năm là sự gia tăng nhu cầu một số dịch vụ mới như: Tư vấn và đánh giá tuân thủ theo tiêu chuẩn; Dịch vụ tư vấn, đánh giá ATTT theo cấp độ; Dịch vụ quản trị rủi ro CNTT.

Viettel Cyber Security phát hành Báo cáo thị trường ATTT 6 tháng đầu 2023 - Ảnh 2.

Thị trường ATTT Việt Nam 6 tháng đầu năm

Trong khi đó, nhóm Bộ - ngành, tỉnh chứng kiến số lượng gói thầu tăng, tuy nhiên giá trị của các gói lại giảm mạnh, do hầu hết gói thầu tập trung vào phần mềm thay vì dịch vụ với nhu cầu chính là mua bán, gia hạn phần mềm diệt virus (AV), tường lửa (Firewall).

Theo phân tích chuyên sâu từ VCS, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội cùng các quy định pháp luật mới đã có tác động mạnh đến việc chi tiêu cho ATTT trong nửa đầu năm tại Việt Nam. Hoạt động rà soát, kiểm tra tuân thủ các phương án đảm bảo ATTT theo cấp độ được đặc biệt chú trọng, làm gia tăng nhu cầu của khối doanh nghiệp về việc trang bị các giải pháp giám sát, bảo vệ ATTT. Nghị định 13 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân ban hành hồi tháng 4 đã thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, tránh lộ lọt thông tin.

Dự báo 6 tháng cuối năm

Các xu hướng ảnh hưởng đến thị trường ATTT nửa cuối năm được các chuyên gia tại VCS dự báo gồm: các rủi ro với sự phát triển của IoT, gia tăng sự tấn công vào hạ tầng Cloud, chuỗi cung ứng, các mối nguy từ bên trong tổ chức. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có xu hướng chú trọng hơn đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng, đầu tư ATTT đạt chuẩn quốc tế như PCI DSS, ISO 27001… Trong nửa cuối năm, một số dự thảo luật mới có thể được ban hành, tập trung các hoạt động đảm bảo ATTT trong ngành viễn thông, ngành ngân hàng, đặc biệt là các cổng thanh toán và tổ chức tín dụng, nhấn mạnh yêu cầu về các giải pháp bảo mật dữ liệu.

Viettel Cyber Security phát hành Báo cáo thị trường ATTT 6 tháng đầu 2023 - Ảnh 3.

Các biến động này kết hợp với các yếu tố về kinh tế, chính trị, xã hội sẽ tạo ra xu hướng chi tiêu cho ATTT trong nửa cuối 2023 khác biệt đáng kể so với nửa đầu năm. Cụ thể, nhóm ngành Ngân hàng – Bảo hiểm được dự đoán có mức chi tiêu giảm, do ngành ngân hàng giảm kỳ vọng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm, đồng thời doanh thu từ mảng bảo hiểm sụt giảm sau các đợt thanh tra gần đây. Trong khi đó, nhóm cơ quan Bộ, ngành, tỉnh được dự báo tăng chi tiêu, nhằm đáp ứng Chỉ thị về đảm bảo đáp ứng trang bị các yêu cầu về ATTT theo từng cấp độ trước 30/12/2023.

Tin mới