Khoa học dữ liệu và AI sẽ là hai lĩnh vực trọng tâm trong quá trình phát triển công nghệ của thế giới. Tại WiDS, thúc đẩy phụ nữ tham gia sâu vào việc tạo nên những sáng kiến mang đến nhiều điều khác biệt cho ngành khoa học "khó nhằn" này.
Hội thảo Phụ nữ trong ngành khoa học dữ liệu - Women in Data Science Hanoi (WiDS) 2023 với chủ đề "Make a difference!" đã diễn ra tại trụ sở Tập đoàn Viettel thu hút gần 400 người tham dự, lan tỏa nhiều giá trị dành cho phụ nữ làm công nghệ.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến – Phó tổng Giám đốc tập đoàn Viettel phát biểu tại hội thảo: "Thông qua hội thảo lần này chúng tôi muốn truyền cảm hứng, đào tạo, hỗ trợ để chị em nói chung, đặc biệt là các em sinh viên và thế hệ nữ nghiên cứu viên có thể tham gia vào ngành khoa học một cách tự tin. Tại Viettel, phụ nữ tham gia vào công tác điều hành là một chủ trương, đây là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Vào những vị trí chủ chốt, phụ nữ tạo ra năng lượng mới tích cực hơn, hình thành nên một tổ chức vừa tấn công vừa phòng thủ cân bằng hài hòa hơn".
3 đại sứ WiDS đến từ Viettel là chị Nguyễn Trần Ngọc Linh – Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu Tổng công ty Viễn thông Viettel, chị Ứng Kim Phượng – Chuyên viên chính quản trị dự án Phân tích Dữ liệu Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel và anh Anthony Guiot – Chuyên viên chính khoa học dữ liệu liệu Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel mang đến nhiều kiến thức và cái nhìn tổng quan về ngành khoa học dữ liệu (KHDL) và AI.
Thứ nhất, để dự án ứng dụng được KHDL cho mục tiêu của doanh nghiệp cần đánh giá mức độ trưởng thành của dự án. Các nấc thang có thể ứng dụng KHDL và AI vào doanh nghiệp như thế nào là phù hợp để giải được bài toán mà doanh nghiệp đề ra.
Thứ hai, có nhiều vị trí trong một dự án KHDL thực tế, tuy nhiên, 2 vị trí rất quan trọng mà các bạn nữ cần quan tâm là kỹ sư phần mềm và kỹ sư dữ liệu. Để đảm bảo hiệu năng phần mềm cũng như trải nghiệm mượt mà đến với người dùng cuối. Nếu mong muốn xây dựng 1 sản phẩm AI có ứng dụng cần trải qua nhiều vị trí khác nhau để có cái nhìn tổng quan nhất về quá trình đưa được ứng dụng dữ liệu và AI ra thực tế.
Thứ 3, nắm chắc các quy tắc để khắc phục nhanh những lỗi dễ gặp phải trong quá trình ứng dụng khoa học dữ liệu trong thực tế.
Xác định mục tiêu WiDS 2030, 30% nữ giới sẽ tham gia vào ngành KHDL, Chị Ngọc Linh gửi gắm đến toàn thể phái nữ: "Tôi muốn nhắn nhủ rằng bất kỳ người phụ nữ nào khi các bạn đang trên con đường khai thác, phát triển về công nghệ, nếu các bạn có chút nản lòng thì hãy nghĩ đến WiDS và những người phụ nữ đã và đang làm được ở đây để giúp mình tự tin hơn và quyết tâm xây dựng những sản phẩm công nghệ, nghiên cứu công nghệ chuyên sâu nhất".
Đại diện một nhà khoa học thời đầu, PGS. TS Lương Chi Mai đã làm rõ hơn về quan điểm này. Theo bà, KHDL nằm ở tất cả các lĩnh vực như Khoa học về sự sống, y sinh có các mô hình và dự đoán sự phát tán bệnh, chống bệnh sốt rét; Khoa học và công nghệ vật liệu ứng dụng KDHL phát triển các mô hình vật liệu nhiều tỷ lệ để từ đó hiểu các cấu trúc nano đến các ứng dụng kỹ thuật chế các vật liệu nano; Tài chính, tính toán ứng dụng KHDL trong quản lý rủi ro trong đầu tư và thị trường, dự đoán và mô phỏng các kịch bản và phương án kinh tế... Một số các bài toán của Việt Nam như thay đổi khí hậu, dự báo nguy cơ của các dự án xây dựng, kinh tế xã hội... cũng ứng dụng KHDL.
Theo bà Mai, khoa học của thế kỷ 21 sẽ phát triển nhờ khoa học tính toán và khoa học với dữ liệu lớn. Chúng ta phải biết những xu thế và tiến bộ của CNTT, biết linh hoạt và thay đổi thích hợp, và định hướng tốt hơn với những vấn đề có ảnh hưởng xã hội, ý nghĩa khoa học, và có tính khả thi ở Việt Nam.
Tập đoàn Viettel xác định AI sẽ là lĩnh vực chủ đạo, trọng tâm trong quá trình phát triển tiếp theo của Tập đoàn và bản chất của AI chính là cái lõi của cuộc cách mạng 4.0. Viettel đang bám sát và đi theo những thuật toán của thế giới, đồng thời, Viettel sẽ tích cực tham gia phát triển, phát minh thêm các thuật toán này để người Việt Nam tiếp cận được vào những công nghệ đấy.
Viettel hướng đến tạo ra những sản phẩm, công nghệ dành cho người Việt Nam, sử dụng tiếng Việt, tư duy người Việt Nam, văn hoá truyền thống người Việt Nam. Viettel xác định trong năm 2023 sẽ đẩy mạnh hơn để ra mắt chatbot phục vụ cho từng người dân Việt Nam, mỗi người dân sẽ có một chatbot riêng, trả lời đúng, chính xác và có thể ứng dụng vào công việc.