(Tổ Quốc) - Hiện tại, VinaCapital đang có 5 quỹ mở: đầu tư vào các doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ và vừa (VESAF), vốn hóa lớn (VEOF), quỹ cân bằng – một nửa là cổ phiếu và một nửa là trái phiếu, 2 quỹ có danh mục là 100% trái phiếu. Trong năm 2021, VESAF chính là quỹ có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất với tỷ suất lợi nhuận 67%, VEOF đứng thứ nhì với 56,5%....
Quỹ mở đầu tiên trên thế giới ra đời tại Boston, Mỹ năm 1924, đến nay đã có 98 năm hoạt động. Quỹ mở là một công cụ đầu tư rất phổ biến ở các nước có nền tài chính phát triển.
Quỹ mở phù hợp cho những người muốn tích luỹ tài sản cá nhân để mua nhà, nghỉ hưu hoặc đầu tư vào giáo dục cho con cái. Khi chúng ta đầu tư vào quỹ mở sẽ có được mức lợi nhuận cao so với trung bình thị trường trong dài hạn (trên 5 năm) và không quá rủi ro.
Tại Việt Nam, quỹ mở đầu tiên ra mắt từ năm 2013 và hiện đang được giới thiệu rộng rãi trong hệ thống ngân hàng. Tính đến 31/5/2022, Việt Nam có 42 quỹ mở và 9 quỹ Hoán đổi danh mục (ETF) đang hoạt động, với tổng tài sản đang quản lý khoảng 75.165 tỷ đồng, tăng 150,6% từ Quý II/2022 đến Quý I/2022.
VinaCapital thành lập 2003, là một trong những quỹ đầu tư và nhà quản lý quỹ tiên phong tại Việt Nam, với danh mục tài sản hơn 4 tỷ USD cùng 200 nhân sự. Hiện họ có 6 quỹ dành cho các nhà đầu tư trong nước: 5 quỹ mở và 1 quỹ ETF, 3 quỹ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài và 2 quỹ đã đáo hạn.
Tình hình kinh doanh các quỹ mở của VinaCapital trong năm 2021
5 quỹ mở dành cho nhà đầu tư trong nước của VinaCapital bao gồm: Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường VinaCapital (VinaCapital - VESAF), Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Hưng Thịnh VinaCapital (VinaCapital - VEOF), Quỹ Đầu tư Cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VinaCapital - VIBF), Quỹ Đầu tư Trái phiếu Bảo Thịnh VinaCapital (VinaCapital - VFF), Quỹ Đầu tư Trái phiếu Thanh khoản VinaCapital (VinaCapital – VLBF).
"Trong năm 2021, VESAF chính là quỹ mở có tỷ suất lợi nhuận ấn tượng nhất lên đến 67%, tiếp theo là VEOF với 56,5%...; là những quỹ mở có hiệu quả kinh doanh đứng đầu trong mảng của mình.
Tuy nhiên, đó là vì năm 2021, thị trường chứng khoán đặc biệt tốt, chứ không phải năm nào cũng được thế. Với việc thị trường đang rất xấu, nếu tính tỷ suất lợi nhuận nửa đầu năm 2022, chắc chắn sẽ không tốt như 2021.
Với sự chăm chỉ và kiến thức của mình, các nhà đầu tư của các quỹ mở sẽ khiến các khoảng đầu tư của khách hàng có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn trung bình thị trường những lúc thị trường tốt và lỗ ít hơn trung bình thị trường mỗi khi thị trường xấu. Ví dụ: Nửa đầu 2022, chỉ số VN-Index đã giảm 20,1% nhưng của VESAF chỉ giảm 6,8%", chị Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Quỹ VinaCapital - VESAF chia sẻ.
VinaCapital – VESAF: chuyên đầu tư vào cổ phiếu của những doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ và vừa, cổ phiếu hạn chế room ngoại, với chỉ số tham chiếu là VN Index. Trong năm 2021, VESAF có tỷ suất lợi nhuận là 67%, đứng top trong quỹ cổ phiếu. Tính đến cuối tháng 6/2022, tỷ suất lợi nhuận trong năm 2022 của VESAF đang giảm 6,8%, nhưng nếu tính trung bình kể từ ngày thành lập vào 4/2017, mức tăng trung bình đạt 18,7%/năm.
VinaCapital – VEOF: chuyên đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp có vốn hóa lớn, cổ phiếu mang tính đại diện ngành, với chỉ số tham chiếu là VNIndex. Với tỷ suất lợi nhuận 56,5% trong năm 2021, VEOF đứng top 2 quỹ cổ phiếu. Tính đến 30/6/2022, tỷ suất lợi nhuận trong năm 2022 của nó đang giảm 6,7%, nhưng tính trung bình kể từ khi thành lập vào 7/2014 thì tỷ suất lợi nhuận trung bình hằng năm khoảng 12%/năm.
VinaCapital – VIBF: với danh mục đầu tư 50% cổ phiếu và 50% trái phiếu cùng chứng chỉ tiền gửi và các công cục đầu tư có thu nhập ổn định… Tỷ suất lợi nhuận trong năm 2021 của nó là 35,2% - đứng top 2 trong quỹ cân bằng cùng tỷ trọng đầu tư. Tính đến 30/6/2022, tỷ suất lợi nhuận của VIBF đang giảm 1,3%, còn tỷ suất lợi nhuận trung bình kể từ khi thành lập quỹ vào 7/2019 cho đến bây giờ là 14,6%/năm.
VinaCapital – VFF: đầu tư chủ yếu vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp niêm yết. Đây là quỹ có mức độ rủi ro thấp, phù hợp với các nhà đầu tư mong muốn đạt lợi nhuận ổn định trong trung và dài hạn. Tỷ suất lợi nhuận trong năm 2021 của VFF đạt 7,7%, đứng top 1 trong quỹ trái phiếu cùng tỷ trọng đầu tư. Nếu tính đến 30/6/2022, tỷ suất lợi nhuận của nó trong năm 2022 là 8,3%, tỷ suất lợi nhuận trung bình kể từ khi thành lập vào 4/2013 là 7,7%/năm.
VinaCapital – VLBF: đầu tư chủ yếu các tài sản có thu nhập cố định có thanh khoản và chất lượng tín dụng tốt. Quỹ này có mức độ rủi ro thấp, phù hợp với các nhà đầu tư tìm kiếm kênh đầu tư an toàn ngắn hạn hoặc trung hạn với mức lợi nhuận mục tiêu cao hơn lãi suất tiết kiệm Ngân hàng ngắn hạn.
Tỷ suất lợi nhuận từ ngày thành lập vào tháng 9/2021 là 4,2% - quy ra tỷ suất trong năm 2021 là 5,2%. Tính đến 30/6/2022, tỷ suất lợi nhuận của nó là 2,7% - quy ra cả năm 2022 là 5,6%.
"Trong năm 2022, chúng tôi sẽ giữ quan điểm và chiến lược đầu tư thận trọng. Chúng tôi sẽ theo dõi tín hiệu thay đổi chính sách – tín dụng – Nghị định 153…; tiếp tục chú trọng kiểm soát rủi ro khi phân bổ ngành. Ngoài ra, VinCapital cũng sẽ tập trung chọn lựa cổ phiếu (bottom up), chú trọng định giá và đánh giá kỳ vọng thị trường", ông Eric Levinson – Phó Giám đốc điều hành – Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh của VinaCapital, kết luận./.
Quỳnh Như