(Tổ Quốc) - Tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp", các doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đăng ký sẽ xây 1.281.000 căn hộ nhà ở xã hội. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng ước tính số vốn cần sẽ dao động từ 600.000 tỷ đồng đến 1 triệu tỷ đồng, thực hiện trong 10 năm.
Những doanh nghiệp nào xây 1,3 triệu căn nhà ở xã hội?
Thủ tướng: "Cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin"
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Nêu rõ mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.
Để xây dựng và triển khai đề án này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể.
"Các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin", Thủ tướng yêu cầu.
Bình An - Đồ họa: Hà Mĩ