(Tổ Quốc) - Công ty chứng khoán bắt đầu thận trọng hơn trong các dự báo về thị trường và hạ dự báo VN-Index trước lo ngại gia tăng về các rủi ro liên quan đến lãi suất, lạm phát, biến động thị trường chứng khoán toàn cầu.
Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên thứ 3 liên tiếp giảm mạnh, VN-Index đánh mất gần 70 điểm và rơi từ vùng đỉnh 1.520 điểm và đóng cửa phiên 12/4 tại 1.455 điểm. So với thời điểm khởi đầu quý 2, chỉ số này đã giảm gần 40 điểm và được dự báo sẽ còn không ít khó khăn trong thời gian tới.
Thực tế, thị trường cũng không thật sự thuận lợi trong quý 2 nếu nhìn lại diễn biến thị trường trong quá khứ. Trong 11 năm từ 2011 đến nay, VN-Index đã có 6 lần giảm điểm trong quý 2 nhiều hơn so với 5 lần tăng điểm. Cũng theo thống kê giai đoạn từ 2011 tới nay, Quý 2 là Quý có xác suất giảm lớn nhất.
Với nhiều câu chuyện đáng chờ đợi từ mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên và kết quả kinh doanh quý 1, VN-Index có xác suất giảm điểm cao trong quý 2 cho thấy sự khó lường của thị trường vào thời điểm bản lề của năm.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng vào một sự bứt phá bởi những lần VN-Index tăng điểm trong quý 2 đều có biên độ lớn (trên 7%). Đặc biệt, trong quý 2 năm 2020, chỉ số này tăng hơn 24,5% từ đáy Covid sau khi mất đến hơn 31% trong quý trước đó. 1 năm sau, VN-Index tiếp tục tăng hơn 18% trong quý 2/2021 qua đó chính thức vượt đỉnh cũ 1.200 điểm xác lập từ đầu năm 2018.
VN-Index có xác suất giảm cao trong quý 2
Rất khó để đưa ra dự báo chính xác về biến động của VN-Index trong quý 2 cũng như phần còn lại của năm 2022 đặc biệt trong bối cảnh có nhiều luồng thông tin trái chiều từ bên ngoài như căng thẳng địa chính trị và động thái siết chặt chính sách tiền tệ của Fed. Các công ty chứng khoán (CTCK) cũng bắt đầu thận trọng hơn trong các dự báo về thị trường.
Nhớ lại thời điểm đầu năm trong các báo cáo chiến lược 2022, nhiều CTCK đồng loạt cho rằng thị trường chứng khoán sẽ còn tăng trưởng tốt dù không còn được mạnh mẽ như 2021. VN-Index được dự báo có thể đạt khoảng 1.700 - 1.900 điểm trong năm 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã xuất hiện cái tên đầu tiên hạ dự báo về chỉ số này.
Cụ thể, trong báo cáo mới nhất, KBSV đã điều chỉnh giảm kỳ vọng chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2022 từ 1.760 điểm đưa ra trong báo cáo chiến lược 2022 xuống 1.680 điểm. CTCK này cũng hạ dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX xuống 15,1% từ mức 15,7% đồng thời điều chỉnh giảm mức P/E mục tiêu 2022 của thị trường xuống 16,5 lần từ mức 17,5 lần đưa ra trong báo cáo chiến lược 2022.
KBSV cho rằng các yếu tố rủi ro bất định có phần chiếm ưu thế liên quan đến xu hướng lạm phát, lãi suất, xung đột Nga – Ukraine và động thái tăng lãi suất của FED tại kỳ họp tháng 5, tháng 6…, trong khi các yếu tố hỗ trợ về mặt cơ bản tác động chưa đủ mạnh. KBSV đánh giá thị trường sẽ có sự phân hóa rõ nét, dòng tiền quay vòng và tìm đến nhóm ngành được hưởng lợi từ các điều kiện vĩ mô và tăng trưởng lợi nhuận cao.
Tương tự, KIM Việt Nam cũng cho rằng thị trường chứng khoán trong 3 quý còn lại của năm 2022 sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp. Theo quỹ ngoại này, tăng trưởng lợi nhuận sẽ là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng dài hạn bất chấp những biến động trong ngắn hạn.
Theo ước tính của KIM, lợi nhuận của 100 doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn hàng đầu thị trường trong danh sách theo dõi của quỹ đầu tư này sẽ tăng khoảng 15-20% trong năm nay. Tăng trưởng đến từ các ngành bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, nhờ sức tiêu thụ nội địa hồi phục trong năm nay. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu thủy sản, dệt may, logistics cũng được hưởng lợi từ việc gia tăng nhu cầu tiêu thụ của các thị trường như Mỹ và Châu Âu.
Hà Linh