(Tổ Quốc) - Sau nhiều phiên mua ròng, giao dịch khối ngoại phiên hôm nay khá tiêu cực khi họ mạnh tay bán ròng gần 306 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Sau 4 phiên liên tiếp tăng điểm, thị trường chứng khoán khép lại phiên cuối tuần trong sắc đỏ. Dù đà giảm đã thu hẹp đáng kể so với phiên sáng, song áp lực điều chỉnh từ nhóm cổ phiếu lớn khiến VN-Index vẫn không thể giữ phong độ trước những ngưỡng cản. Thanh khoản tuy có phần giảm so với phiên hôm trước, song vẫn duy trì mức 15 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
Áp lực điều chỉnh rõ nét khi sắc đỏ thắng thế tại rổ VN-30. Bộ đôi VHM và VIC tiếp tục gây thất vọng khi trở thành lực cản lớn cho thị trường chung. Theo đó, hai mã "họ Vin" lấy đi lần lượt 1,3 điểm và gần 1 điểm của VN-Index. MSN giảm sâu nhất rổ Bluechips với mức giảm 3,2% và cũng kéo tụt 1,2 điểm của chỉ số. Ở chiều tích cực, đà tăng 3,1% của NVL góp công lớn nhất giúp VN-Index thu hẹp đà giảm. Đồng thời, sự bứt phá của nhiều cổ phiếu chứng khoán cũng là điểm sáng tích cực cho chỉ số.
Sự phân hoá cũng diễn ra khá mạnh mẽ nếu xét theo nhóm ngành. Trong khi nhóm ngân hàng, thép quay đầu điều chỉnh, nhóm chứng khoán, bất động sản, dầu khí lại bứt phá mạnh mẽ. Đặc biệt, nhóm ngân hàng điều chỉnh và nhiều đại diện góp mặt trong top cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường.
Trong đó, nhóm chứng khoán vẫn là tâm điểm hút tiền lớn bất chấp thị trường chung đỏ lửa. Sắc xanh bao phủ gần như toàn bộ nhóm ngành với hàng loạt cổ phiếu có mức tăng ấn tượng như SSI ( 5,3%), MBS ( 5,9%), VCI ( 4,2%), VND ( 3,8%). Thậm chí một vài cổ phiếu nhỏ như APG, VIX còn tăng hết biên độ. Sự hưng phấn của nhóm cổ phiếu chứng khoán có sự đồng pha lớn với sự phục hồi của thanh khoản thị trường trong thời gian gần đây.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tỏa sáng với nhiều mã bứt phá mạnh mẽ. Nổi bật nhất là PVD khi tăng hết biên độ, PVT, PVS, PVC cũng ghi nhận mức tăng khá tốt trên 2%. Tuy giá dầu lao dốc đem lại rủi ro cho giá cổ phiếu dầu khí, song giới chuyên gia cho rằng vấn đề nút thắt nguồn cung vẫn là điểm trọng yếu chưa thể tháo gỡ trong ngắn hạn, do đó giá dầu vẫn sẽ duy trì nền cao so với năm 2021. Việc giá dầu duy trì trên 60-70 USD/thùng vẫn là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí, từ đó tác động tích cực lên cổ phiếu.
Diễn biến tích cực cũng xuất hiện tại nhóm cổ phiếu bất động sản khi sắc xanh bao phủ. Theo đó, những mã mang tính đầu cơ cao như CEO, DIG, L14 đều có mức tăng trên 3,5%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,41 điểm (0,11%) xuống 1.252 điểm. HNX-Index tăng 2 điểm lên 299,9 điểm và UPCoM-Index tăng 0,45 điểm lên 91 điểm. Thanh khoản trên HOSE vẫn duy trì mức cao với giá trị khớp lệnh đạt 15.562 tỷ đồng trong phiên hôm nay.
Sau nhiều phiên mua ròng, giao dịch khối ngoại phiên hôm nay khá tiêu cực khi họ mạnh tay bán ròng gần 306 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó họ bán ròng 291 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng 2,1 tỷ đồng trên HNX và bán ròng gần 12,72 tỷ đồng trên UPCoM.
Giao dịch trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh 291 tỷ đồng. Theo đó, HPG dẫn đầu về giá trị bán ròng với 453 tỷ đồng. Kế đó, khối ngoại cũng bán mạnh AGG và MSN với giá trị lần lượt là 186 tỷ đồng và 66 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại bán ròng VJC (-30 tỷ đồng),VNM (-27 tỷ đồng), FUEVFND (-26 tỷ đồng)...
Ở chiều ngược lại, giao dịch mua vào chủ yếu tập trung ở SSI khi mã này có đà tăng khá tốt trong phiên hôm nay với giá trị hơn 151 tỷ đồng. Tương tự, dòng vốn nước ngoài cũng tìm đến E1VFVN30, NVL, FUESVFL với giá trị mua ròng lần lượt là 45 tỷ đồng, 25 tỷ đồng và 22 tỷ đồng.
Diễn biến tại sàn HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ 2,7 tỷ đồng. Trong đó, tập trung bán tại PVS với gần 8,5 tỷ đồng. Ở chiều mua, TNG và SHS là hai mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với giá trị lần lượt là 3 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng.
Tại UPCoM, khối ngoại phiên hôm nay bán ròng gần 12,72 tỷ đồng, tập trung bán ròng BSR với giá trị 13 tỷ đồng. Bên cạnh đó, QNS cũng bị bán ròng 7,3 tỷ đồng.
Hạ Anh