Công ty cổ phần VNG (mã: VNZ) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2022, trong đó nhấn mạnh việc khai thác mảng kinh doanh mới Chuyển đổi số (Digital Business) dành cho doanh nghiệp và tiếp tục đầu tư vốn cho các công ty khởi nghiệp tiềm năng.
Sau thành công ở mảng kinh doanh B2C (business to customer), VNG công bố Chuyển đổi số (Digital Business) là một trong bốn mảng kinh doanh chủ lực của công ty trong thời gian tới, hướng đến đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Ba mảng kinh doanh chủ lực còn lại là Trò chơi trực tuyến (Games online); Nền tảng kết nối (Zalo); và Fintech (ZaloPay).
Báo cáo thường niên 2022 cho thấy, công ty đã đầu tư gần 1000 tỷ đồng cho dự án Trung tâm dữ liệu VNG Data Center tại Quận 7, TP.HCM. Đây là một trong ba trung tâm dữ liệu tại Việt Nam hiện nay đạt chuẩn UpTime Tier III, với tổng diện tích sàn 7.800m2 và có thể mở rộng công suất tối đa lên 1600 tủ rack. Theo đại diện VNG, công ty tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các sản phẩm công nghệ cao AI, Blockchain như vCloudcam (Camera thông minh), TrueID (Đơn vị phát triển ứng dụng định danh người dùng eKYC), Verichains (đơn vị cung cấp giải pháp bảo mật chuyên sâu). TrueID cũng là tổ chức đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đạt ISO/IEC 30107-3 do iBeta chứng nhận về công nghệ xác định người thật chỉ từ một bức hình đơn. Bên cạnh đó, VNG ra mắt giải pháp quản lý hạ tầng thông minh PRISM. Hiện nay, PRISM đang tập trung cung cấp dịch vụ cho các đơn vị quản lý tòa nhà, chung cư cũng như các đơn vị vận hành hệ thống giao thông công cộng.
Năm 2022, VNG ghi nhận các khoản đầu tư nổi bật cho Telio, Ecotruck, Funding Societies và Open Commerce. Bên cạnh nguồn tài chính, công ty còn tư vấn và hợp tác chiến lược cùng các startup mà mình đầu tư, với kì vọng phát triển cộng đồng và hệ sinh thái công nghệ trong nước.
Trò chơi trực tuyến (Games online) vẫn là mảng kinh doanh chủ lực của VNG với doanh thu 5.444 tỷ đồng, tuy sụt giảm khoảng 700 tỷ đồng so với năm 2021 (theo báo cáo tài chính hợp nhất 2022 có kiểm toán của công ty). Tháng 4/2023, VNG chính thức khai trương game studio mới tại Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc), với mục tiêu trở thành nhà phát hành trò chơi trực tuyến toàn cầu. Hiện nay, VNG đang có 11 game studio tại các thành phố như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, Thượng Hải, Bắc Kinh,…, vận hành tổng cộng 188 tựa game, trong đó có 80 tựa game do VNG tự phát triển. Theo báo cáo thường niên 2022, chiến lược mới của VNG cho mảng kinh doanh chủ lực này là đầu tư vào các studio phát triển game, nhằm hiện thực hóa kế hoạch xây dựng danh mục sản phẩm trò chơi Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Bên cạnh đó, VNG cũng xác định "sứ mệnh mới" của ví điện tử ZaloPay là trở thành nhà cung cấp dịch vụ thanh toán một điểm đến: ví điện tử, cổng thanh toán và giải pháp gia tăng tiện ích cho người bán. Nhờ lợi thế tích hợp với nền tảng nhắn tin Zalo, ZaloPay có thể tiếp cận hàng chục triệu người dùng Việt Nam, cung cấp dịch vụ thanh toán thuận tiện chỉ ngay trong khung chat. Cuối năm 2022, ZaloPay và Grab Việt Nam công bố hợp tác, cho phép người dùng có thể thanh toán bằng ZaloPay khi đặt xe, giao hàng, gọi đồ ăn. Theo đại diện hai bên, sự hợp tác này nhằm chia sẻ lợi thế công nghệ của nhau và sự thấu hiểu người dùng, hướng tới xây dựng xã hội không tiền mặt. Cũng theo báo cáo, năm 2022, ZaloPay cán mốc 10 triệu người dùng thường xuyên, hơn 20.000 điểm thanh toán trên cả nước và 5000 đối tác.
Một sản phẩm tiêu biểu của VNG là Zalo tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ trong năm 2022 với hơn 2 tỷ tin nhắn gửi đi mỗi ngày. Tính đến tháng 12/2022, Zalo có hơn 73 triệu người dùng, lọt top 20 ứng dụng được yêu thích nhất trên App Store. Zalo cũng nhận được sự tin tưởng của nhiều cơ quan hành chính công trên cả nước, trở thành kênh liên lạc, kết nối dễ dàng với người dân.
Tháng 5 vừa qua, VNG được vinh danh trong Top 5 doanh nghiệp lớn (quy mô 1000 nhân viên trở lên) có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2023 (Vietnam Best WorkPlace™) bởi tổ chức nhân sự uy tín hàng đầu Great Place to Work®.