(Tổ Quốc) - Google luôn là một trong những công ty công nghệ có môi trường làm việc tốt nhất, cũng như tiêu chuẩn tuyển dụng gắt gao nhất thế giới. Rất nhiều người trên thế giới mong muốn có cơ hội được làm việc tại Google, nhưng đâu là những tố chất công ty này mong muốn tìm thấy ở các ứng viên?
Mặc dù có nhiều chi tiết trong quy trình tuyển dụng được giữ bí mật, nhưng vẫn có một số nhân viên của Google sẵn sàng chia sẻ hành trình của họ: từ một trong số 2 triệu người nộp đơn cho gã khổng lồ công nghệ hàng năm đến khi chính thức trở thành nhân viên của Google.
Camilo Moreno Salamanca, cố vấn đám mây và Annie Sheehan, giám đốc sản phẩm thương mại tại Google đã có những chia sẻ về cách họ chuẩn bị hồ sơ, lên kế hoạch cho các cuộc phỏng vấn, gây được ấn tượng với người quản lý tuyển dụng và được đầu quân cho một trong những công ty lớn nhất trên thế giới.
Tại sao bạn muốn làm việc tại Google?
Annie Sheehan chia sẻ rằng: “Điều quan trọng là phải đánh giá đúng năng lực của bản thân dựa trên những yêu cầu tối thiểu và ưu tiên trong phần mô tả công việc cụ thể của Google mà bạn quan tâm. Vai trò trong lĩnh vực tiếp thị khác rất nhiều so với vai trò trong lĩnh vực kỹ thuật. Đánh giá đúng năng lực của bản thân có thể giúp bạn xác định rõ ràng rằng liệu bạn có thực sự đam mê với vị trí công việc này hay không. Bên cạnh đó, nó còn giúp ích cho vòng phỏng vấn sắp tới của bạn.”
“Tại sao bạn muốn làm việc tại Google?” nghe qua thì có vẻ là một câu hỏi đơn giản, nhưng lại là câu hỏi mà nhiều người thường hay bỏ qua. Tuy nhiên, đây là câu hỏi quan trọng nhất mà bạn cần tự hỏi bản thân trước khi ứng tuyển vào bất kỳ vị trí hoặc công ty nào. Các ứng viên có đủ đam mê, tự tin sẽ biết bản thân muốn gì và tại sao họ muốn điều đó.
Khoảng cách ngắn nhất không phải lúc nào cũng là đường thẳng
Điều đặc biệt đối với một công ty tiên phong như Google là các quy trình tiêu chuẩn không thực sự tiêu chuẩn đối với họ. Vì vậy, những ứng viên cũng sẽ không đi theo lối mòn thông thường để chinh phục công việc đáng mơ ước của họ tại Google.
Google đã chủ động liên hệ trước với Sheehan, mặc dù cô ấy chưa từng làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Sheehan chia sẻ rằng: “Tôi đã từng làm việc trong lĩnh vực tư vấn quản lý sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế quốc tế. Trước khi gia nhập Google, tôi không tiếp xúc nhiều với công nghệ, vì vậy tôi chưa từng suy nghĩ sẽ ứng tuyển bất cứ vị trí nào trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một nhà tuyển dụng của Google đã liên hệ với tôi trên LinkedIn ngay khi tôi đang có ý định bắt đầu một vị trí công việc mới. Điều đó đã giúp tôi bắt đầu một hành trình để tìm kiếm các cơ hội mới, đa dạng hơn tại các công ty công nghệ như Google (nhiều công ty trong số đó không yêu cầu kiến thức nền tảng về kỹ thuật).”
Những nhân viên được Google tuyển dụng đều là những người có tư duy trừu tượng và sáng tạo. Với tư cách là một ứng viên, bạn cần xác định và nhấn mạnh những khía cạnh này của bản thân, công việc của bạn và vị trí công việc bạn muốn có.
Tinh thần đồng đội tạo nên công việc mơ ước
Moreno Salamanca cho biết có một điều mà Google coi trọng nhất, đó là sự hợp tác. Salamanca chia sẻ rằng: “Tôi định nghĩa sự cộng tác là một thuật ngữ chung cho các kỹ năng quan trọng khác như giao tiếp (bằng văn bản, lời nói), trí tuệ cảm xúc, sự bản lĩnh và phát triển tư duy. Tất cả những kỹ năng này đều có thể được học hỏi và rèn giũa. Các nhân viên của Google đều tự hào về tinh thần đồng đội và xây dựng sự đồng thuận.”
Điều đặc biệt là sự đồng thuận đó không được xây dựng dựa trên các thành viên trong nhóm có ngoại hình, hành động và suy nghĩ giống nhau. Sheehan cho biết: “Google đánh giá cao sự đa dạng về kỹ năng và kinh nghiệm. Chúng tôi đang tìm kiếm những ứng viên có khả năng thích nghi, giải quyết vấn đề tốt, giao tiếp hiệu quả và những người có khả năng lãnh đạo.”
Hãy cân nhắc đến những kỹ năng bạn có thể giúp ích cho sự phát triển của Google mà những người khác không có. Và chứng minh cho họ thấy giá trị và tầm quan trọng của chúng, không chỉ đối với bạn mà còn đối với cả Google.
Làm thế nào để bạn có được tấm vé bước chân vào Google?
Sau những cuộc phỏng vấn đầu tiên, bốn hoặc năm người phỏng vấn sẽ chấm điểm các ứng viên và gửi bản đánh giá của họ về cho một ủy ban. Đây sẽ là nơi ra quyết định cuối cùng về việc nên hay không nên tuyển các nhân sự đó.
Thông thường, một ứng viên sẽ phải trải qua ít nhất 4 cuộc phỏng vấn trước khi chính thức nhận được công việc tại Google. Các khía cạnh thuộc về hành vi và tính cách của các ứng viên sẽ là những yếu tố rất được chú trọng và quan tâm.
Moreno Salamanca cho biết: “Tôi thường gợi ý mọi người sử dụng phương pháp STAR (tình huống, nhiệm vụ, hành động, kết quả) trong các cuộc phỏng vấn trực tiếp với Google. Thông thường, sẽ có từ bốn đến năm tình huống mà bạn phải đối mặt như giải quyết những vấn đề mâu thuẫn nội bộ, những tình huống tiến thoái lưỡng nan, đồng nghiệp khó tính,... Hãy dành 30 giây để suy nghĩ câu trả lời của bạn và đừng trả lời một cách phiến diện, điều đó sẽ khiến bạn “mất điểm” với các nhà tuyển dụng ngay lập tực.”
Ví dụ, khi nhà tuyển dụng yêu cầu “Hãy kể cho tôi nghe về một lần bạn thực hiện tốt công việc dưới áp lực rất lớn”, hãy tham khảo cách trả lời theo mô hình STAR sau đây: Tôi có một đồng nghiệp cần phải nghỉ làm một thời gian, dự án của anh ấy bị bỏ dở và không có người quản lý (tình huống). Người giám sát của tôi đã hướng dẫn tôi đảm nhận dự án và rất khắt khe về thời hạn, tôi chỉ có vài ngày để hoàn thành trong khi ban đầu phải mất những vài tuần (nhiệm vụ).
Tôi yêu cầu giảm bớt các nhiệm vụ khác để có thêm thời gian hoàn thành các dự án đặc biệt, đồng thời ủy thác một số công việc cho những người khác trong nhóm (hành động). Với những thuận lợi đó, tôi hoàn thành các dự án đúng hạn, độ chính xác tuyệt đối. Người giám sát của tôi đánh giá cao thái độ và năng lực của tôi, tôi đã được giao thêm một số dự án mới, cùng với việc thăng chức và tăng lương (kết quả).
Với 4 bước của phương pháp STAR, mỗi ứng viên đều có thể sắp xếp và lên một dàn ý cho câu chuyện của riêng mình. Câu trả lời của bạn không chỉ logic, hợp lý mà còn đầy đủ chi tiết và không quá dài dòng. Cuối cùng, hãy dành thời gian để lên lịch chuẩn bị phỏng vấn cho chính mình, giúp bạn có sự luyện tập cần thiết trước khi chính thức bước vào cuộc phỏng vấn.
Theo The Ladder
Phương Thu