(Tổ Quốc) - Năm 1998, Warren Buffett đã có một bài phát biểu “xuất thần” tại Viện Kinh doanh thuộc Đại học Florida. Có người nói rằng đây là bài phát biểu kinh điển nhất của Buffett. Người ta nói rằng nhiều sinh viên đại học sau khi tham gia buổi phát biểu đó đã đạt được thành công tốt đẹp, thế nên bài phát biểu đó còn được gọi là “Bài học thay đổi cuộc đời của Buffett”. Thế rốt cuộc Buffett đã nói gì mà có thể để lại dấu ấn sâu sắc như vậy?
Trong số bạn bè, đồng nghiệp và người thân của mình, nếu cho bạn dùng chính tiền của của mình để chọn đầu tư vào một người, bạn sẽ chọn ai? Bạn từng nghĩ đến vấn đề này chưa?
Lúc này, có thể bạn đang nghĩ, tại sao tôi phải nghĩ về câu hỏi tẻ nhạt này chứ!
Thực ra, câu hỏi này không hề tẻ nhạt. Vì khi bạn nghĩ được câu trả lời cho câu hỏi này, bạn sẽ thấy ai trong số những người mà bạn biết sẽ thành công, ai sẽ là người đáng để bạn tin tưởng, và bạn sẽ biết bản thân mình phải làm gì để trở thành người chiến thắng trong cuộc sống.
-01-
Trong một bài phát biểu của mình, Buffett đã nói : “Bạn cần có một chỉ số IQ nhất định để thành công, và bạn vẫn cần có một sự chăm chỉ nhất định để thành công. Nhưng cuối cùng, bạn có thành công hay không, không chỉ phụ thuộc vào đầu óc và sự siêng năng của bạn.”
Nguyên tố của sự thành công còn phụ thuộc vào một thứ khác chứ không là chỉ số IQ hay sự chăm chỉ. Ảnh: Toutiao
Tại sao Buffett lại nói như vậy?
Câu trả lời nằm ở một trong những câu hỏi tiếp theo của Buffett.
Ông hỏi thính giả: “Nếu bạn có thể chọn một trong số những người bạn quen biết và mua lại 10% thu nhập của người đó trong tương lai, bạn sẽ chọn ai? Bạn không thể chọn “phú nhị đại”, chỉ có thể chọn những người tự phấn đấu bằng chính sức lực của mình.”
Một số người có thể không hiểu rõ câu hỏi này lắm. Câu hỏi của Buffett có nghĩa là trong số những người bạn quen biết, nếu bạn muốn đầu tư vào một người như đầu tư cổ phiếu, sau đó bạn có thể sở hữu 10% thu nhập cả đời của người đó, bạn sẽ chọn đầu tư vào ai?
Hãy dành 3 giây để suy nghĩ về người mà bạn tin tưởng đầu tư vào, nếu là bạn, bạn sẽ chọn ai?
Buffett đã có câu trả lời rất ý nghĩa cho câu hỏi này. Liệu câu trả lời của bạn có giống với “thiên tài đầu tư” không?
-02-
Tất nhiên chúng ta đều muốn sinh lời trong việc đầu tư? Nếu chúng ta có thể nhận được 10% từ thu nhập của một người, thì tất nhiên chúng ta sẽ chọn đầu tư vào những người có tương lai tươi sáng và kiếm được nhiều tiền trong tương lai. Có thế khoản đầu tư của chúng ta mới có thể thu được lợi nhuận lớn.
Vì không thể chọn “phú nhị đại”, nên chúng ta phải xác định những người có khả năng “tay trắng làm nên”, có tiền đồ xán lạn.
Vậy một người như vậy phải có tiềm chất gì?
Hãy thử nghĩ xem, người đó cần có một cái đầu thông minh, phải không? Suy cho cùng, một cái đầu thông minh có thể nảy ra nhiều ý tưởng và có thể giải quyết nhiều việc.
Hay là một tinh thần làm việc hăng say? Trên con đường thành công sẽ luôn có những bước lùi, nếu người đó có tinh thần dám đấu tranh, không ngại khó khăn thì sẽ dễ dàng vượt qua mọi trở ngại để thành công.
Hoặc cần có kỹ năng lãnh đạo phi thường, có thể tổ chức đám đông, sắp xếp phân công lao động và hoàn thành các công việc khác nhau một cách hiệu quả cũng là một kỹ năng rất tốt.
Những người có đặc tính trên rất có tiềm năng thành công, vậy chúng ta có nên đầu tư vào những người hội tụ đủ những khả năng đó hay không?
Hãy dành thêm 3 giây để nghĩ về vấn đề này.
Nếu câu trả lời của bạn là: “CÓ”, thì bạn đã đặt khoản đầu tư của mình vào tình thế nguy hiểm. Bởi vì những người có hội tụ đủ tiềm chất trên không có nghĩa họ là người đáng tin cậy, rất có thể họ là một kẻ phá đám có nhân cách ti tiện.
Ví dụ, ở nơi làm việc, sẽ có một số người được sếp trọng dụng. Họ có năng lực làm việc mạnh mẽ và rất thông minh, thường thay mặt sếp tổ chức các hoạt động khác nhau. Bề ngoài họ là mẫu nhân viên xuất sắc.
Nhưng bên trong, loại người này luôn muốn đạp người khác xuống để tôn mình lên, ỷ mình được sếp yêu quý rồi tự cho mình là chỉ huy, chỉ đạo đồng nghiệp khác giải quyết chuyện thay mình, rồi một mình đến gặp sếp để lĩnh công, bắt đồng nghiệp khác phải có sự “tôn trọng” nhất định với họ.
Những người thế này không phải là hiếm, không chỉ ở nơi làm việc, mà trong kinh doanh, trong trường học cũng đầy rẫy những người như vậy.
Nhũng người có biểu hiện tốt trong công việc chưa chắc là người đáng để bạn đầu tư. Ảnh: Toutiao
Những người này có đủ tiềm chất để thành công đã được nêu trên, nhưng họ là những người ích kỷ, chỉ biết tư lợi, tự cho mình là cái rốn của vũ trụ.. Bạn nghĩ rằng mình có thể gặt hái được thành quả khi đầu tư vào một người như vậy không? Chắc hẳn là không, vì kiểu người đó chỉ coi đóng góp của người khác là bàn đạp của mình.
-03-
Trên thực tế, chỉ cần bạn là người từng trải, bạn sẽ thấy rằng người thực sự đáng để chúng ta tin tưởng không phải là người có năng lực cao, mà là người có phẩm chất tốt.
Buffett đã đưa ra một ví dụ rất sinh động để thể hiện quan điểm của mình:
“Có một người ở Omaha tên là Peter Kiewit. Ông ấy nói rằng khi tuyển người cần nhìn vào 3 điểm: phẩm chất, trí óc và sự chăm chỉ. Ông ấy nói rằng nếu một người thông minh, chăm chỉ nhưng có tính xấu thì đó là một hiểm họa. Người không có tính cách tốt thường rất lười và ngu ngốc.”
Trong mắt Buffett, trên con đường thành công, phẩm chất quan trọng hơn là trí óc và sự siêng năng.
Vậy thỉnh giả lúc đó đã lựa chọn như thế nào?
Trong lúc thính giả đưa ra lựa chọn, Buffett đã nâng cấp vấn đề. Ông yêu cầu thính giả không chỉ chọn người mà họ muốn đầu tư vào nhất, mà còn phải chọn người ít có tiềm năng nhất, và bỏ qua người đó.
Buffett yêu cầu các sinh viên có mặt viết ra tên sinh viên mà họ muốn đầu tư nhất và những phẩm chất nổi bật của người đó vào bên trái tờ giấy. Ở phía bên phải của tờ giấy, thì viết tên của sinh viên mà họ muốn loại bỏ và lý do tại sao lại không chọn người đó.
Kết quả cuối cùng là: Người được chọn để đầu tư của hầu hết các sinh viên có mặt không phải những người học giỏi hay IQ cao mà là những người có phẩm chất tốt.
Bên cạnh đó, tên những người bị loại không phải là do họ có IQ thấp, thậm chí những người bị loại còn có thành tích khá giỏi. Lý do họ không được tin tưởng là vì họ có những tính cách xấu.
Vì vậy, ngay cả khi một người có đầu óc thông minh, chăm chỉ, năng nổ và có kỹ năng lãnh đạo phi thường, những điều đó chưa chắc đã đáng để bạn tin tưởng. Bạn nên nhìn vào phẩm chất của một người để nhìn rõ con người thật của người đó.
-04-
Ai trong số những người bạn biết sẽ là người chiến thắng trong tương lai?
Sau khi bạn cân nhắc về nhân phẩm của một người, mà bạn vẫn sẵn sàng đầu tư vào 10% thu nhập cả đời của người đó, thì chắc hẳn người đó sẽ là người thành công trong tương lai.
Ngược lại, làm thế nào bạn có thể là người chiến thắng trong cuộc sống?
Nếu bạn trở thành đối tượng để đầu tư trong mắt người khác, bạn có thể trở thành người chiến thắng trong cuộc sống.
Trên con đường thành công, biết bao người mù quáng theo đuổi chỉ số IQ cao và năng lực cao, nhưng ít có ai nhận ra rằng có một phẩm chất tốt mới thực sự là con đường tắt để thành công nhanh hơn. Vì nhân phẩm tốt có thể nhận được sự tin tưởng chân thành của người khác.
Đừng coi thường điều này, ngày nay rất khó có thể có được sự tin tưởng chân thành của người khác. Trong xã hội này, bạn phải đối giao thiệp khắp nơi, có được lòng của người khác, làm việc gì cũng nhanh gọn hơn. Nếu có thể trở thành người mà người khác đặt niềm tin vào, bạn đã tự cho phép mình chiếm sẵn một vị trí trên cương vị người thắng cuộc rồi.
Như Ý