World Bank: FDI vào Việt Nam vẫn là thành tựu nổi bật so với thế giới

(Tổ Quốc) - Báo cáo Cập nhật Kinh tế Vĩ mô Việt Nam 11/2020 nhận định, mặc dù tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, Việt Nam đã phải hứng chịu một loạt các cơn bão, làm hơn 200 người chết và mất tích và thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD trong tháng 10. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế tiếp tục được củng cố, trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng gần bằng giai đoạn trước dịch COVID-19.

Cả hoạt động sản xuất công nghiệp và bán lẻ đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong tháng 10 kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 2. Chỉ số sản xuất công nghiệp (NSA) và doanh số bán lẻ hàng hóa (SA) lần lượt tăng 6,6% và 6,7%, so với cùng kỳ năm trước.

Hóa chất và dược phẩm, máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, than cốc và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất kim loại, thiết bị và đồ nội thất, sản xuất và chế biến thực phẩm là những lĩnh vực đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số quản lí thu mua (PMI) của Việt Nam ở mức 51,8 trong tháng 10. Chỉ số này đo lường hiệu quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất công nghiệp và được lấy từ cuộc khảo sát 400 doanh nghiệp công nghiệp, trong đó chỉ số trên 50 cho thấy sự mở rộng của lĩnh vực này.

Doanh số bán lẻ chủ yếu tăng do nhu cầu trong nước, trong khi lĩnh vực du lịch và lữ hành chưa có dấu hiệu phục hồi. Doanh số bán lẻ hàng hóa 10 tháng đầu năm 2020 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,4%; đồ dùng, dụng cụ và thiết bị gia đình tăng 6,3%; và quần áo tăng 1,6%. Mặt khác, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm lần lượt 30% và 80% trong 10 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Du lịch quốc tế vẫn còn chịu nhiều hạn chế, làm lượng khách du lịch nước ngoài giảm 73,8% trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019

Nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10%, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 17,7 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 9,7% và 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá trị xuất khẩu của các mặt hàng như điện thoại, dệt may, giày dép và các sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh, xuất khẩu máy tính và điện tử vẫn tăng trưởng vững chắc trong bối cảnh khủng hoảng do dịch Covid-19.

World Bank: FDI vào Việt Nam vẫn là thành tựu nổi bật so với thế giới - Ảnh 1.

Hoạt động thương mại có sự khác biệt đáng kể giữa các nước đối tác. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng mạnh ở mức trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cũng tăng đối với thị trường Trung Quốc, nhưng lại giảm đối với các nước EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, cam kết vốn FDI tháng 10 đạt 2,27 tỷ USD, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam và là nam châm thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong 10 tháng đầu năm 2020, cả nước đã thu hút được 23,5 tỷ USD vốn FDI, thấp hơn khoảng 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một thành tựu nổi bật, do UNCTAD dự báo dòng vốn FDI vào các nước Đông Á sẽ giảm 30-45% trong năm 2020.

Các chỉ số tài chính vẫn ổn định trong tháng 10, trong đó tỷ lệ lạm phát ở mức 2,5% (so với cùng kỳ năm trước) và tăng trưởng tín dụng đạt 9,5%, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu thêm 0,5%.

Chi ngân sách tăng, nhờ đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và phê duyệt các gói hỗ trợ tài chính (do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và bão lũ trong thời gian gần đây) với nguồn vốn được lấy từ các quỹ dự trữ của ngân sách nhà nước và vay trong nước.

Mặc dù nền kinh tế trong nước dường như đang trên đà phục hồi vững chắc và trên diện rộng vào năm 2020, làn sóng COVID-19 thứ hai ở các nước khác trên thế giới có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra trong thời gian gần đây cho thấy sự cần thiết phải xây dựng lại các công trình tốt hơn, xanh hơn và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của nền kinh tế và tài chính công.

H.S

Tin mới