Xây dựng trường học hạnh phúc tạo ra môi trường học đường toàn diện, không chỉ hướng tới thành tích học tập, mà còn nuôi dưỡng sự an lành của mỗi học sinh.
Xu hướng giáo dục này cũng là chủ đề được các chuyên gia giáo dục quốc tế cùng hàng trăm giáo viên, phụ huynh tích cực thảo luận trong Hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục", diễn ra ngày 23-24/11 vừa qua tại TH School, Hà Nội.
Giáo dục hạnh phúc là xu thế toàn cầu
Sáng kiến Trường học hạnh phúc lần đầu tiên được UNESCO khởi xướng vào năm 2014, kỳ vọng thúc đẩy hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của học sinh trên toàn thế giới. Sáng kiến này dựa trên quan điểm chất lượng giáo dục và hạnh phúc ở trường học không thể tách rời, hạnh phúc là "đòn bẩy" nâng cao trải nghiệm học tập.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Christina Hinton, ĐH Harvard (Mỹ) cho thấy hạnh phúc có mối tương quan tích cực với động lực và thành tích học tập.
Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng, sự căng thẳng từ các kỳ thi chuẩn hóa càng tăng, việc cân bằng giữa học tập và cuộc sống cá nhân càng không dễ dàng, giáo dục hạnh phúc vì thế cũng trở thành xu hướng tất yếu.
Theo UNESCO, trường học hạnh phúc là nơi có các mối quan hệ con người tích cực, có phương pháp dạy và học phù hợp, môi trường học tập an toàn và thân thiện, học sinh tìm thấy niềm vui khi học hỏi thay vì áp lực điểm số.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã tích hợp yếu tố hạnh phúc vào hệ thống giáo dục. Phần Lan chú trọng tăng cường các giờ học thể chất, giảm thời gian ngồi trong phòng học để thúc đẩy hoạt động ngoài trời, kích thích sự sáng tạo, yêu thích học tập.
Giáo dục Đan Mạch không chú trọng điểm số, khuyến khích học sinh được là chính mình, phát triển năng khiếu riêng. Australia lồng ghép khóa học Positive Detective (Công nhận điều tích cực) dạy trẻ cách tìm kiếm những điều tốt đẹp xung quanh và chia sẻ với người khác, bồi đắp lòng biết ơn và nuôi dưỡng sự tự tin.
Điểm chung ở các quốc gia này là chú trọng xây dựng nền giáo dục dựa trên giá trị và quá trình, thay vì tập trung vào kết quả học tập, thúc đẩy sự an lành, hạnh phúc cho học sinh.
Tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động "Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc" vào năm 2019, đưa giáo dục hạnh phúc vào chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030.
Phát biểu tại hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục" do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói:"Một cộng đồng những người hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc. Đây cũng chính là định hướng lớn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo triển khai trong toàn ngành với những mức độ và phương cách khác nhau ở các bậc học và các đối tượng".
Giáo dục cả trí tuệ và trái tim, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục" quy tụ nhiều chuyên gia uy tín và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam và trên thế giới. Trong khuôn khổ hội thảo với 4 phiên thảo luận và gần 20 bài diễn thuyết, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp giá trị nhằm xây dựng môi trường học đường hạnh phúc tại Việt Nam.
Với ông Martin Skelton, Cố vấn Đặc biệt cho International Schools Partnership Limited, giáo viên là nhân tố có ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm học tập của học sinh. Thầy cô càng khơi gợi sự hứng thú ở người học, càng dễ thu về kết quả đột phá.
"Tôi đã từng là một giáo viên chỉ tập trung giảng dạy và giao bài tập cho học sinh. Sau đó tôi nhận ra bản thân cần là người giúp học sinh vui vẻ trong việc tiếp thu kiến thức thay vì khiến chúng bận rộn hơn. Giáo trình quan trọng, nhưng cách giảng dạy mới tạo ra sự khác biệt trong hiệu quả học tập của học sinh. Người học càng hạnh phúc, càng học hỏi tốt hơn", ông Martin Skelton nói.
Thực tế, nhiều trường học ở Việt Nam vẫn chú trọng việc giáo dục trí tuệ hơn là giáo dục cảm xúc, đặt nặng phát triển trí thông minh (IQ) và đạt điểm số cao, bỏ qua đào tạo trí thông minh cảm xúc và các kỹ năng mềm cơ bản.
Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai (ĐH Flinders, Australia) đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của nhà triết học Aristotle "Giáo dục tâm trí mà không giáo dục con tim thì không phải là giáo dục" để nhấn mạnh quan điểm đặt "hạnh phúc" làm mục tiêu trung tâm của giáo dục. Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai đề xuất thầy cô giáo nên ưu tiên sức khỏe tinh thần của học sinh, nâng cao sự nhạy cảm trong giao tiếp để nhận biết cảm xúc, hỗ trợ cần thiết cho người học.
Là một nhà giáo dục mầm non, diễn giả quốc tế Thomas Hobson khuyến khích phương pháp giáo dục thông qua các trò chơi khơi gợi tư duy rộng mở để biến lớp học thành một cộng đồng, thay vì một "nhà máy học tập".
Giáo sư Yong Zhao (ĐH Kansas, Mỹ) nêu quan điểm, môi trường giáo dục hạnh phúc cần có sự tôn trọng khác biệt giữa mỗi học sinh. Trải nghiệm học tập cá nhân hoá, có quyền tự lựa chọn nội dung yêu thích sẽ góp phần giúp người học phát huy thế mạnh, định hướng nghề nghiệp đúng đắn để tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội.
Bên cạnh phiên thảo luận giữa các chuyên gia, hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục" còn tổ chức phiên chia sẻ dành cho phụ huynh, buổi tập huấn cho giáo viên với những nội dung thiết thực, cởi mở. Phụ huynh và thầy cô được cung cấp kỹ năng và kiến thức cần thiết để giao tiếp hiệu quả với trẻ, kích thích khả năng sáng tạo và niềm vui học tập.
Những hoạt động xuyên suốt hội thảo đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác, phối hợp nhịp nhàng giữa các nhân tố trong hệ thống giáo dục, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo trường học, giáo viên và phụ huynh, vì mục tiêu xây dựng nền giáo dục hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của học sinh.