Xe lắp ráp chớm giảm 50% phí trước bạ đã cắt ưu đãi, nhiều mẫu xe nhập khẩu vẫn đua giảm giá khủng

(Tổ Quốc) - BMW, Honda, Mazda hay Subaru vẫn giữ chương trình ưu đãi 100% phí trước bạ cho nhiều mẫu xe nhập khẩu để tăng tính cạnh tranh.

Chính sách ưu đãi 50% phí trước bạ vừa được kích hoạt từ ngày 1/12 được cho sẽ mang đến lợi thế lớn cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, có một thực tế là ngay khi chương trình này có hiệu lực, nhiều hãng sản xuất và đại lý đã ngay lập tức cắt các ưu đãi công bố trước đó, khiến cho mức giá thực tế người dùng phải chi để mua xe không thay đổi nhiều.

Khảo sát tại các đại lý, mức khuyến mại cho một số mẫu xe của Toyota đã giảm 10-20 triệu đồng, chẳng hạn Toyota Vios chỉ còn giảm giá 40 triệu so với mức 60 triệu trước đây, Innova và Fortuner giảm 40-50 triệu so với mức 50-60 triệu trước đó. Các mẫu xe của Hyundai, Ford, Mitsubishi cũng đồng loạt giảm mức khuyến mại.

Xe lắp ráp chớm giảm 50% phí trước bạ đã cắt ưu đãi, nhiều mẫu xe nhập khẩu vẫn đua giảm giá khủng - Ảnh 1.

Đang có những sự trái ngược nhất định giữa thị trường xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu tại Việt Nam.

Trong khi đó, xe nhập khẩu do không được hưởng ưu đãi giảm phí trước bạ nên gần như giữ nguyên các chương trình khuyến mại trước đó để gia tăng tính cạnh tranh.

Cụ thể, Honda công bố tiếp tục ưu đãi 100% phí trước bạ cho 3 mẫu xe nhập khẩu là Civic, HR-V và Brio. Với mức giảm mạnh tay, người dùng có thể tiết kiệm 50-100 triệu đồng cho các mẫu xe này. Mazda cũng có những ưu đãi tương tự dành cho các mẫu gồm Mazda2, CX-3, CX-30 hay BT-50. Thậm chí, các đại lý còn tặng thêm bảo hiểm vật chất hoặc phụ kiện cho khách mua xe. Subaru, Volkswagen cũng đều giảm giá mạnh cho các mẫu xe chủ lực là Forester và Tiguan. Thương hiệu xe sang BMW tặng 100% phí trước bạ cho mẫu 3-Series, 7-Series và 50% cho các mẫu X1, X3, X5.

Có thể thấy, một số mẫu xe nhập khẩu đang được ưu đãi rất mạnh tay, lên đến cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, ưu đãi lớn không đồng nghĩa với doanh số ấn tượng. Hầu hết các mẫu xe đang được ưu đãi đều thuộc diện kén khách tại thị trường Việt Nam nên việc giảm giá gần như là bắt buộc để đẩy doanh số.

Trong khi đó, nhiều mẫu xe lắp ráp dù bị cắt bớt ưu đãi vẫn thu hút lượng quan tâm lớn của người dùng. Bằng chứng là trong ít ngày qua, lượng người đổ về các showroom mua xe tăng vọt còn các điểm đăng ký xe gặp phải tình trạng quá tải với lượng hồ sơ tăng gấp đôi ngày thường.

Trong danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất tại Việt Nam tháng 10, chỉ có duy nhất một mẫu xe nhập khẩu là Toyota Corolla Cross trong khi hàng loạt mẫu có doanh số ấn tượng khác như Hyundai Accent, VinFast Fadil, Kia Seltos, Toyota Vios, Hyundai Tucson, Hyundai Santa Fe đều là xe lắp ráp. Mẫu bán tải Ford Ranger cũng đã chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước từ tháng 7.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 14.000 ô tô nguyên chiếc, giá trị trung bình 21.800 USD/chiếc. Con số này thấp hơn khoảng 1.300 (8,5%) chiếc so với tháng 10 và cao hơn 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Xe lắp ráp chớm giảm 50% phí trước bạ đã cắt ưu đãi, nhiều mẫu xe nhập khẩu vẫn đua giảm giá khủng - Ảnh 2.

Xe nhập khẩu có thể sẽ tiếp tục lép vế trước xe sản xuất, lắp ráp trong nước vào giai đoạn sắp tới.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã cho xuất xưởng 24.400 xe trong tháng 11, tăng 8,4% so với tháng 10.

Điều này cũng cho thấy sự đảo chiều trong cán cân giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước mà nguyên nhân chính đến từ chính sách giảm 50% phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng từ 1/12/2021 đến hết 31/5/2022.

Trong tháng 12 và giai đoạn cao điểm trước Tết âm lịch, nhiều khả năng sự chênh lệch này sẽ tiếp tục gia tăng khi nhu cầu mua xe của người dùng lên cao.

Đức Nam

Tin mới