(Tổ Quốc) - Quý I/2022 chứng kiến nhiều thương vụ FDI thành công tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Nam. Lĩnh vực sản xuất chế tạo tiếp tục là ngành công nghiệp thế mạnh trên cả nước. Đầu tư sản xuất tồn tại những đặc thù được tạo ra từ điều kiện mang tính địa phương với quy mô, mức độ và động thái giao dịch tương đối chênh lệch giữa hai miền.
Theo Tiêu điểm ngành Công nghiệp Việt Nam Quý 1 năm 2022 của Savills, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022. Cụ thể, tính đến ngày 20/3, tổng vốn FDI đăng ký đạt 8,9 tỷ USD, với hơn 322 dự án mới gia nhập thị trường.
Công nghiệp và chế tạo vẫn là ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Nếu so sánh với con số của năm 2021, thị phần vốn FDI của ngành giữ ở mức ổn định, đạt 60% trong ba tháng đầu năm. Tổng vốn đầu tư quý 1/2022 trị giá 5,3 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới là 2,1 tỷ USD từ 84 dự án và vốn điều chỉnh là 2,8 tỷ USD từ 150 dự án trong thị trường.
Xét theo nguồn vốn, Singapore và Đài Loan tiếp tục là hai quốc gia có tổng mức đầu tư đứng đầu thị trường, lần lượt chiếm 18% và 6% thị phần. Nhờ vào dự án phát triển của Tập đoàn Lego trị giá 1,3 tỷ USD tại Bình Dương, Đan Mạch trở thành quốc gia dẫn đầu về tổng vốn đầu tư đăng ký vào ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam trong 3 tháng đầu năm.
Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công Nghiệp Savills Việt Nam, chia sẻ: "Với những điều kiện thuận lợi về chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh, Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. Trong năm 2021, chúng tôi ghi nhận lượng lớn vốn FDI sản xuất tập trung tại khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, bước sang Quý 1 năm 2022, dòng vốn này đang chảy vào các tỉnh thành phía Nam, chiếm 88% tổng vốn đăng ký. Điều này là nhờ vào khoản đầu tư trị giá 1,3 tỷ USD của tập đoàn Lego tại Bình Dương và Coca-Cola trị giá 136 triệu USD tại Long An."
Sự khác biệt trong đầu tư sản xuất hai miền Bắc-Nam
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang dẫn đầu cả nước về tổng vốn đăng ký mới các dự án nhà máy chế biến, chế tạo với 1,9 tỷ USD. Con số này cao gần gấp 4 lần so với tổng vốn tại miền Bắc. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 3 trong số 5 dự án sản xuất có quy mô đầu tư lớn nhất quý I đến từ các ngành công nghiệp truyền thống.
Cụ thể, thành phố Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Libra International Investment (trụ sở Singapore) với dự án chế tạo vải cao cấp tại khu công nghiệp Thành Công, trị giá 210 triệu USD. Tiếp đó là khoản đầu tư 136 triệu USD của Coca-Cola để phát triển nhà máy sản xuất nước giải khát tại khu công nghiệp Phú An Thành Long An. Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thu về 85 triệu USD từ tổng công ty Shinkong Synethetic Fibers, một doanh nghiệp hoạt động chính trong việc sản xuất sơ xợi, dệt vải và các lĩnh vực khác.
Trong khi đó, miền Bắc tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất mặt hàng đem lại giá trị gia tăng cao. Tuy không ghi nhận đáng kể các dự án đăng ký mới trong ba tháng đầu năm, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đã bổ sung lượng lớn vốn điều chỉnh từ các dự án đang triển khai trong thị trường.
Tiêu biểu là dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP được Singapore điều chỉnh gia tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD. Bên cạnh đó, Hồng Kông điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại nhà máy Goertek Vina để thúc đẩy quá trình sản xuất thiết bị tiện tử, phương tiện thiết bị mạng. Hàn Quốc cũng gia tăng thêm 920 triệu USD về nguồn vốn đầu tư cho dự án Samsung Electro-Mechanics tại thành phố Thái Nguyên. Nhờ những khoản đầu tư trên, Bắc Ninh và Thái Nguyên hiện đang là hai khu vực thu về dòng vốn FDI lớn thứ hai và thứ ba tại miền Bắc, lần lượt chiếm 15,9% và 10,5% tổng vốn FDI.
Phát triển đồng đều các khu vực
Chia sẻ về những khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận xét: "Thị trường Việt Nam chứa đựng sẵn nhiều yếu tố đầu tư hấp dẫn. Tuy nhân, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh cao để tìm kiếm địa điểm phù hợp. Bất động sản công nghiệp vẫn còn tập trung nhiều tại các địa bàn lân cận khu đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và có kết nối thuận tiện với sân bay, bến cảng. Điều này đã khiến nguồn cung tại các khu vực này trở nên khan hiếm và đồng thời đẩy giá đất tăng cao."
Tùy vào đặc tính của từng ngành, nhà đầu tư sẽ tìm thấy những cơ hội và lợi thế phát triển khác nhau ở rộng khắp Việt Nam. Chuyên gia Savills cho biết mỗi lĩnh vực sẽ có những yêu cầu riêng. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên các tiêu chí về diện tích lớn, giá đất thấp, và khả năng tiếp cận đến cảng biển, sân bay. Bởi vậy, để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư tại các tỉnh, Việt Nam cần hoàn thiện mạng lưới giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế. Từ đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất sẽ được trải đều qua các địa phương trên cả nước.
"Trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các đơn vị phát triển bất động sản đã nắm được khoảng trống về nguồn cung và đang bổ sung thêm sản phẩm trong thị trường. Nhờ vậy, doanh nghiệp sản xuất sẽ có thêm nhiều lựa chọn khi hoạt động tại Việt Nam. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn cần phải xem xét các yếu tố môi trường khác nhau và ghé thăm những địa điểm mà họ muốn triển khai. Quá trình nghiên cứu sẽ cần một khoảng thời gian nhất định và đây là điều mà những nhà cung cấp dịch vụ như chúng tôi có thể mang đến cho các doanh nghiệp." - Ông Matthew chia sẻ thêm.
Nam Anh