Sự xuất hiện của Covid-19, khiến nhiều người dân Việt Nam quan tâm nhiều hơn tới đầu tư tài chính, cả về chất lẫn lượng. Chúng ta không chỉ thấy sự gia tăng nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán hay bảo hiểm, mà còn sự đa dạng ở danh mục của từng cá nhân. Hơn nữa, người dân Việt Nam cũng đã thoải mái hơn khi bàn luận đến các rủi ro như bệnh tật hoặc khủng hoảng.
"Khi Covid-19 xảy ra, thấy được rủi ro của thị trường lao động, nhiều người dân Việt Nam đã mang tài sản của mình đi đầu tư. Đầu tiên, là để bù lại lượng thu nhập mà họ bị hao hụt do Covid-19, thứ hai là để chống lại rủi ro của thị trường và cuối cùng là muốn gia tăng tài sản trong 12 tháng tới", bà Nguyễn Thuỳ Linh - Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Manulife Investment Việt Nam, chia sẻ trong Hội thảo "Quản lý gia sản, Hưng thịnh tương lai", do Techcombank và Manulife đồng tổ chức, để giới thiệu sản phẩm tài chính mới Legacy.
Minh chứng là chỉ rong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới gần 1,38 triệu tài khoản, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Con số này gần bằng lượng mở mới cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản). Ngoài ra, lượng khách hàng của các quỹ mở Manulife cũng tăng trưởng 56% trong thời gian gần đây. 92% khách hàng đã mua bảo hiểm của Manulife cũng rất quan tâm đến những gói ‘bảo hiểm cộng đầu tư’ mà doanh nghiệp có.
Bên cạnh đó, Covid-19 cũng khiến nhiều người dân Việt Nam chú tâm tới sức khỏe của bản thân và gia đình hơn: 53% người được khảo sát cho biết mình đã tăng cường tập luyện thể dục hơn, 76% tập thể dục ít nhất 4 ngày/tuần, 83% cảm thấy thoải mái khi sử dụng các ứng dụng về sức khỏe.
Kéo theo đó, nhu cầu về bảo hiểm cũng tăng cao: theo Manulife Asia Care Survey, 91% người được hỏi cân nhắc mua bảo hiểm trong vòng 12 tháng tới, 71% nhận ra tầm quan trọng của kế hoạch hưu trí kể từ khi Covid-19 bắt đầu, 84% đang tìm kiếm những sản phẩm bảo hiểm đơn giản có thể mua trực tuyến.
Còn theo một khảo sát từ Techcombank, có 3 câu hỏi quan trọng mà nhiều người dân Việt Nam quan tâm trong thời gian gần đây: Làm thế nào để tích luỹ và tăng trưởng tài sản? Làm thế nào để bảo quản tài sản? Nên phân phối tài sản như thế nào? Mục tiêu của cả 3 câu hỏi nói trên là nhằm để lại di sản của bản thân cho thế hệ tiếp theo.
"Theo quan sát của tôi, càng ngày khách hàng Việt Nam càng có 1 kế hoạch đầu tư dài hạn hơn. Trong bối cảnh đầu tư rủi ro như thế này thì phải đa dạng hóa danh mục đầu tư, nhằm sinh lời ổn định để đối phó với lạm phát. Hiện chúng ta có những kênh đầu tư phổ biến như sau: trái phiếu, cổ phiếu, tiền gửi ngân hàng, bất động sản, ngoại tệ, quỹ mở, vàng, phái sinh…
Ở châu Á, tài sản và danh mục đầu tư của 1 nhà đầu tư tiêu biểu gồm: tiền và tương đương tiền chiếm 21%, trái phiếu 19%, cổ phiếu 23%, bất động sản 21% và kênh khác 16%", bà Nguyễn Thu Hà - Giám đốc phát triển kinh doanh phân khúc khách hàng có thu nhập cao, khối Ngân hàng bán lẻ, Techcombank, bổ sung.
Cũng như thế, với Techcombank, khi một khách hàng tới gặp nhân viên tư vấn, thì động thái đầu tiên của họ không phải là khuyên nhà đầu tư nên chọn kênh nào, mà ngồi lại để cùng khách hàng xây dựng một chiến lược dài hạn.
Khách hàng sẽ phải trả lời những câu hỏi như: họ mong muốn điều gì trong tương lai?, đâu là tỷ suất sinh lời họ muốn?, sẽ đầu tư trong bao lâu?, khả năng chấp nhận rủi ro?, nguồn tiền hiện có và có vay ngân hàng hay không?... Mục tiêu cuối cùng là giúp khách hàng bảo toàn, tăng trưởng và tích lũy tài sản.
"Ngoài ra, người dân Việt Nam cũng đã thoải mái hơn khi bàn luận đến các rủi ro như bệnh tật hoặc khủng hoảng, khi thiết kế các chiến lược đầu tư dài hạn.
Ví dụ: điều gì sẽ xảy ra cho gia đình – người thân của tôi nếu tôi gặp rủi ro về sinh mạng?, khi tôi gặp rủi ro về sức khỏe hoặc không đủ sức khỏe để tiếp tục lao động thì sẽ như thế nào?, điều gì sẽ xảy ra nếu tôi sống lâu hơn mức mà tôi dự trù khi tích cóp tài sản?, bỗng dưng tôi thất nghiệp mất khả năng đóng học phí cho con cái thì sẽ ra sao?", bà Nguyễn Thu Hà bày tỏ.
Phần mình, ông Lâm Minh Chánh – Chuyên gia về tài chính cá nhân, cũng cho rằng: quan điểm phải rút các khoản đầu tư về để phòng thủ trong lạm phát là không đúng. Trong lạm phát, mình càng phải đầu tư làm sao để tiền tăng trưởng nhiều hơn chỉ số lạm phát, tuy nhiên phải chú trọng đa dạng hóa danh mục đầu tư, không nên ‘bỏ trứng vào một giỏ’ để giảm thiểu rủi ro một cách tốt nhất.
"Trong lúc thị trường tốt, thì ai cũng đầu tư giỏi và dễ thắng; nhưng trong những lúc có lạm phát hoặc khủng hoảng không lường trước được, mà người ta hay gọi là ‘thiên nga đen’ – giống Covid-19, đầu tư nhiều kênh chính là cách phân tán bớt rủi ro. Chúng ta không nên tự tin thái quá, tự ôm tự đầu tư tất cả!", ông Lâm Minh Chánh đề nghị.
Theo ông, trong tất cả, bảo hiểm truyền thống và gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư có lãi suất thấp nhất song cũng là ‘cái khiên" bảo vệ tài sản an toàn nhất. Đầu chứng chỉ quỹ là một kênh tương đối mới nhưng khá tiềm năng. Thường các nhà đầu tư chuyên nghiệp ở các quỹ mở sẽ giúp lãi suất tiền đầu tư của chúng ta cao hơn ngân hàng chỉ số VNIndex.
Bất động sản vẫn là một ‘cái khiên’ tốt cho tài sản của chúng ta, chỉ cần chúng ta mua đất/nhà hợp pháp, không nằm trong vùng quy hoạch. Tuy nhiên, vấn đề là không phải ai cũng đủ tiền vừa mua nhà vừa đầu tư bất động sản. Những năm 2008-2009, vàng cũng là một ‘tấm khiên’ kiên cố, tuy nhiên trong mấy năm Covid-19, tính trung bình các giai đoạn lên xuống, thì tỷ suất sinh lời của vàng không tốt – còn thua tiền gửi ngân hàng.
Quỳnh Như