(Tổ Quốc) - Khái niệm một điểm đến tại các TTTM ở Việt Nam – vốn đã được thiết lập để đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng về mua sắm, giải trí, tương tác xã hội và ẩm thực – sẽ tiếp tục trở nên phổ biến.
"Bí quyết thành công trong lĩnh vực bán lẻ là cung cấp cho khách hàng những gì họ muốn" - Sam Walton, nhà sáng lập Walmart. Đó cũng là ví dụ Masan đưa ra để điển hình cho công cuộc tìm kiếm và xây dựng mô hình CVLife – chiến thuật cho chiến lược dài hơn Point Of Life tuyên bố từ năm 2020 sau khi mua lại chuỗi bán lẻ từ Vingroup.
Xu hướng tiêu dùng "một điểm đến – đa tiện ích"
Mô hình "một điểm đến – đa tiện ích" này cũng đã sớm được khai thác trên thế giới, kể tên có SM Prime (SM Prime Holdings), Central Pattana (Central Pattana Public Co.) – công ty con của Central Group và AEON (AEON Mall Co.). Tại Việt Nam, Vincom Retail (VRE) là doanh nghiệp đi theo mô hình này với sự "bảo trợ" của Vingroup - chủ đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam. Với những lợi thế nói trên, AEON cũng như VRE hiện kinh doanh khá hiệu quả với biên lãi gộp lên đến 25-26%.
Trong báo cáo cuối năm 2021, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết cơ hội lớn sẽ dành cho các Trung tâm thương mại (TTTM) - nơi cung cấp trải nghiệm mua sắm "một điểm đến" mà người tiêu dùng có thể tận hưởng trải nghiệm bán lẻ đa dạng bao gồm các phân khúc truyền thống như thời trang, mỹ phẩm bên cạnh F&B, spa, siêu thị, cửa hàng điện tử, rạp chiếu phim hay các dịch vụ giải trí khác. Với diện tích trung bình từ 20.000 m2 đến hơn 100.000 m2, các TTTM cung cấp cho người thuê nhiều diện tích hơn để đem đến nhiều lựa chọn hàng hóa và dịch vụ hơn so với hình thức từng gian hàng nhỏ trong các cửa hàng bách hóa.
"Khái niệm một điểm đến tại các TTTM ở Việt Nam – vốn đã được thiết lập để đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng về mua sắm, giải trí, tương tác xã hội và ẩm thực – sẽ tiếp tục trở nên phổ biến", VCSC nhấn mạnh.
Thực tế, "một điểm đến, nhiều tiện ích" đang là xu hướng không chỉ ở thành phố lớn mà lan rộng ra hầu hết các tỉnh thành Việt Nam. Đây cũng là mô hình nhiều đại gia bán lẻ đang theo đuổi, phải kể đến tỷ phú Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang hay Seedcom (sở hữu chuỗi The Coffee House).
Đầu tháng 10 vừa qua, THACO hoàn tất mua lại 100% vốn của EMart Việt Nam từ Emart Hàn Quốc. Chia sẻ thương vụ này, Chủ tịch Trần Bá Dương cho biết Emart có nền tảng kinh doanh rất tốt, đặc biệt là hiệu quả trên từng cửa hàng. Và việc mua lại Emart là mảnh ghép cuối cho mô hình một điểm dừng, nhiều tiện ích của THACO.
Tham vọng sắp thành hình của tỷ phú Việt
Trở lại với Masan, sau nhiều tiến hoá, cửa hàng Win với slogan "is all you need – là tất cả những gì bạn cần" vừa xuất hiện tại Hà Nội. Đây là mô hình mới nhất của Masan, sau loạt mô hình trước đó gồm:
Tháng 6/2021: Cửa hàng Winmart+ đầu tiên (tích hợp Techcombank, Phúc Long) ra mắt tại Hà Nội. Các cửa hàng Winmart+ tiếp theo được tích hợp thêm chuỗi Phano (vai trò của Masan và đầu tư rót vốn), Công ty cũng nhanh chóng nhượng quyền cửa hàng Winmart+ để nhanh chóng nhân rộng.
Tháng 10/2021: Sau khi mua lại 70% vốn Mobicast (sở hữu Reddi) vào tháng 9, Masan ra mắt điểm mua sắn CVLife đầu tiên với tên gọi Fresh&Chill (bao gồm Techcombank, Phúc Long, tích hợp thêm Reddi và Phano) ra mắt vào tháng 10/2021.
Năm 2021, Masan đã thí điểm thành công mô hình mini-mall. Trong đó, mô hình mini-mall kỳ vọng sẽ tăng khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiêu dùng từ 25% lên 60 – 80%.
Tháng 1/2022: Thương hiệu Vinmart chính thức biến mất trên thị trường.
Điểm khác biệt lần này tại Win là thương hiệu dược phẩm riêng Dr Win xuất hiện, thay thế cho chuỗi Phano. Trong đó, CTCP thương mại dịch vụ Winphar (tiền thân Dr. Win) được thành lập vào 31/3/2021. Đến ngày 1/7/2022, Winphar đã đổi tên thành CTCP Dr. Win, nâng vốn điều lệ từ 10 triệu đồng lên 28,57 tỷ đồng. Theo tham vọng của Masan, Dr. Win được giới thiệu là chuỗi nhà thuốc lớn tại Việt Nam, hiện đang tìm kiếm dược sĩ với mức thu nhập 10-12 triệu đồng cho dược sĩ trưởng và 6-8 triệu đồng cho dược sĩ bán hàng.
Như vậy, đúng với kế hoạch sẽ ra mắt vào quý 3/2022, "Win-is all you need" là cửa hàng đa tiện ích mới trong chiến lược Point of Life của Masan. Nhiệm vụ tiếp theo là nhân rộng mô hình cho 30.000 cửa hàng và liên kết mạng lưới offline vào một hệ sinh thái số trước năm 2025.
"Nhiều người vẫn xem Masan là một tập đoàn đa ngành và hoài nghi rằng liệu chúng ta có đang áp dụng cùng một cách tư duy khi triển khai chiến lược Point of Life và xây dựng mini-mall hay không. Câu trả lời là không. Mô hình-mini mall được phát triển để đáp ứng đa dạng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng ngay trên cùng một điểm chạm", Masan nhấn mạnh quan điểm tại BCTN 2021.
Công ty cũng hé lộ bước đi tiếp theo với "mảnh ghép còn thiếu trong hệ sinh thái của Masan là lĩnh vực nội dung và giải trí". Theo Masan, hai mảnh ghép này sẽ sớm được bổ sung, hoàn thiện để tăng cường khả năng tương tác và gắn kết mạnh mẽ với người tiêu dùng.
Nửa đầu năm, The CrownX nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) – công bố đạt 26.092 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 2% so với nửa đầu năm ngoái.
Riêng mảng siêu thị, nửa đầu năm doanh thu WCM đạt 14.305 tỷ đồng, giảm 1,1% và EBITDA đạt 315 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, WCM đã khai trương 5 siêu thị WinMart và 301 siêu thị mini WinMart+, nâng tổng số siêu thị WinMart lên 127 và WinMart+ lên 2.873 điểm bán.
Lên kế hoạch cho nửa cuối năm, Masan dự kiến mở mới thêm 800 cửa hàng siêu thị trong nửa cuối năm 2022 nhằm mở rộng mạng lưới bán lẻ, trong đó có hơn 100 cửa hàng đi theo mô hình nhượng quyền.
Tri Túc