(Tổ Quốc) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lãi suất ngân hàng ngày càng rẻ hơn, nhà đầu tư xuất hiện tâm lý sợ hãi khi nắm giữ quá nhiều tiền mặt. Và bất động sản luôn là kênh đầu tư hàng đầu khi nhà đầu tư tìm cách cất trữ tiền.
Cung khan hiếm đẩy giá bất động sản tăng mạnh
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chung của Covid, nhưng nhìn chung các số liệu bất động sản lại đang có lợi cho nhà đầu tư khi nguồn cung hạn chế, nguồn cầu tăng mạnh, nguồn tiền rẻ dồi dào trên thị trường.
Cụ thể, hai năm gần đây, thị trường bất động sản phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng. Nguyên nhân chính là do quỹ đất phát triển nhà ở tại các đô thị lớn hạn chế, chi phí tài chính về đất tăng cao, thời gian cấp phép dự án kéo dài. Đặc biệt, các cuộc thanh, kiểm tra pháp lý các dự án đã được cấp phép kéo dài khiến cho nguồn cung mới bị siết chặt.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng dự án bất động sản được cấp mới đã giảm mạnh. Năm 2019, Hà Nội có 61 dự án, TP.HCM có 47 dự án đủ điều kiện bán nhà, giảm khoảng 80% so với các năm trước đó. Đến năm 2020, số lượng dự án cấp mới tại Hà Nội giảm mạnh chỉ còn 19 dự án, TP.HCM là 22 dự án. Trong khi nguồn cung cũ ngày càng cạn kiệt thì các doanh nghiệp bất động sản phản ánh việc tiếp cận đất đai hiện nay rất khó khăn khiến số lượng dự án bất động sản được cấp mới giảm 80%.
Khi nguồn cung khan hiếm thì nguồn cầu bất động sản lại gia tăng mạnh mẽ. Trong thời gian dịch bệnh, lãi suất ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua đã thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản tăng mạnh. Nguồn tiền rẻ từ ngân hàng và một lượng lớn tiền tiết kiệm được rút ra đang đổ vào bất động sản như một kênh trú ẩn an toàn. Cùng với dòng tiền này, hiện nay do tác động của Covid tiền không thể chảy vào các kênh sản xuất hay tiêu dùng nên đang đổ mạnh vào nhà đất.
Sự lệch pha cung cầu đã đẩy giá bất động sản tăng mạnh. Cụ thể, thị trường căn hộ TPHCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận mức giá sơ cấp tại TPHCM trong nửa đầu quý 2 tăng khoảng 3-5%. Còn tại Hà Nội, theo số liệu của các đơn vị nghiên cứu giá cũng tăng khoảng 3-6% trong 6 tháng đầu năm. Trên thị trường thứ cấp, giá bất động sản tăng gấp 3-4 lần so với sơ cấp. Cá biệt, thị trường lần đầu tiên xuất hiện những căn hộ có giá lên tới 800 triệu đồng/m2.
Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội của người mua bất động sản
Trước diễn biến khả quan của thị trường bất động sản ngay trong dịch bệnh khiến nhiều người đang nắm giữ trong tay khoản tiền mặt lớn luôn muốn tìm kênh đầu tư tốt, an toàn. Họ cũng mang theo suy nghĩ nếu không mua bất động sản vào lúc này thì sẽ bỏ lỡ cơ hội sở hữu nhà ở giá tốt, vị trí tốt. Điều này đúng với quy luật của việc đầu tư bất động sản, cứ mua là sẽ lời và tâm lý "Đừng chờ đợi để mua bất động sản, hãy mua bất động sản và chờ đợi".
Thực tế cho thấy, dịch bệnh đã thay đổi khá nhiều quan niệm mua bất động sản của nhiều người. Nếu trước kia đất nền là kênh đầu tư hấp dẫn thì nay sau giai đoạn phân khúc này tăng nóng nhiều người mua nhà lẫn nhà đầu tư đang quay trở lại với căn hộ chung cư. Số liệu thống kê của batdongsan.com cho thấy, trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, khi lượng tìm kiếm đất nền giảm mạnh thì số lượng người tìm kiếm thông tin về phân khúc căn hộ chung cư lại bất ngờ tăng.
Nhiều người mua nhà ở thực bắt đầu nhận thấy đây là thời điểm tốt để mua nhà với giá hời khi các chủ đầu tư dùng nhiều chính sách kích cầu, hỗ trợ tài chính cho khách hàng có thể giải tỏa áp lực trong giai đoạn đầu mà vẫn nhận nhà ở ngay.
Không chỉ mua để ở, đối với nhà đầu tư, họ nhìn thấy cơ hội bất động sản sẽ tăng giá mạnh sau dịch bệnh từ sự chênh lệch nguồn cung đang âm thầm diễn ra trên thị trường. Trong khi nguồn cung cũ đang ngày cạn kiện thì phải mất thêm từ 3 -5 năm để triển khai 1 dự án bất động sản mới. Chính vì vậy, thời điểm dự báo dịch bệnh được kiểm soát sẽ là giai đoạn khoảng cách cung cầu rất xa khi khi nguồn cầu như một chiếc lò xo bi nén nay được dịp bùng lên.
"Những người đã ôm được hàng đẹp giá tốt từ thời điểm dịch bệnh phức tạp là những người hái được quả ngot", ông Nguyễn Thọ Tuyển – một chuyên gia lâu năm trên thị trường bất động sản cho biết.
Lan Nhi