(Tổ Quốc) - Chuyên gia cho rằng, mức giảm giá tài sản trên thị trường thứ cấp hiện chỉ mới là giảm một phần lợi nhuận, chưa xuất hiện trường hợp bán tháo. Tuy nhiên, nếu việc siết tín dụng tiếp tục kéo dài, nhiều khả năng làn sóng giảm giá cắt lỗ sẽ diễn ra.
Cắt lỗ vẫn khó bán đất
Giai đoạn 2020 - 2021, thị trường bất động sản khắp nơi liên tục xảy ra tình trạng “sốt nóng”, giá đất biến động mạnh theo chiều hướng đi lên. Theo đó, không ít nhà đầu tư tay ngang cũng kiếm bội tiền từ địa ốc, thậm chí chỉ cần xuống tiền trong thời gian ngắn đã lãi vài trăm triệu đồng, người có vốn lớn có thể lãi đến tiền tỷ.
Mặc dù, cơn sốt bất động sản đã kéo trong thời gian dài nhưng nhiều người vì sợ mất cơ hội vẫn tiếp tục ôm tiền lao vào cơn sốt đu đỉnh. Đến nay, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại ở nhiều địa phương, đặc biệt là phân khúc đất nền. Không ít nhà đầu tư "tay ngang" đang lo lắng, khi mua vào đúng vùng đỉnh giá đất.
Theo anh Nguyễn Văn Tú, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội, đầu năm 2021 thấy thị trường bất động sản “nóng” anh đã không ngần ngại vay tiền để mua một lô đất tại Bắc Giang. “Từ năm 2021, thấy bạn bè tôi kéo nhau về Bắc Giang mua đất, nghe nói thời điểm đó thị trường không có hàng để bán, cứ ra lô nào là hết ngay lô đấy. Chỉ trong vài ngày tôi đã chốt mua lô đất rộng 150m2, với giá 22 triệu đồng/m2, tổng 3,3 tỷ đồng, trong đó, khoảng 2 tỷ đồng là tôi đi vay”, anh Tú nói.
Đến đầu năm 2022, thấy môi giới tại khu vực này tiếp tục đồn thổi “sốt đất”, vì cũng đang cần tiền nên anh tranh thủ “ăn theo” bán lô đất đang nắm giữ. Nhưng rao bán suốt 4 tháng chỉ có 5 người thiện chí đến tận nơi xem đất, còn lại người ta chỉ hỏi để biết giá mà không có nhu cầu mua thực. Mà muốn bán cho người có nhu cầu thực thì đều bị “chê” giá cao.
“Trước khi rao bán tôi có tham khảo người môi giới bán mảnh đất này, họ định giá mảnh đất của tôi phải được 27 triệu đồng/m2, còn nói thêm nên giữ lại vì sẽ tăng giá tiếp. Nhưng rao bán mãi không thấy ai mua mà tôi đang cần tiền. Cuối cùng, đầu tư hơn 1 năm lời lãi chưa thấy đâu nhưng mỗi tháng tôi phải lo mấy chục triệu đồng mỗi tháng để trả ngân hàng. Thấy thị trường sang năm nay cũng chững hơn nên tôi đành rao bán 3 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thấy khả quan”, anh Tú than thở.
Đang rao bán cắt lỗ đất nền, anh Sử, nhà đầu tư tay ngang tại Nam Từ Liêm (Hà Nội), thời điểm tháng 10/2021 có mua một mảnh đất rộng 90m2 tại Hưng Yên với giá 3 tỷ đồng, tương đương hơn 33 triệu đồng/m2. Theo dự định ban đầu, anh Sử chỉ tính "lướt sóng" vài tháng, khi thị trường vẫn đang còn "nóng". Tuy nhiên, mọi toan tính của nhà đầu tư này đổ vỡ khi thị trường bất ngờ hạ nhiệt.
"Thực tế, lúc mua thị trường vẫn đang nóng nên tôi quyết định vay tới 50% giá trị mảnh đất. Dù bây giờ chưa quá cần tiền nhưng tôi muốn bán để thanh toán ngân hàng cho xong. Giờ bán bằng giá là rất khó, nên tôi rao bán cắt lỗ khoảng gần 500 triệu đồng, nhưng vẫn chưa có người mua", anh Sử nói.
Chưa xuất hiện trường hợp bán tháo
Chia sẻ với truyền thông về vấn đề này, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, việc ngân hàng kiểm soát tín dụng đã tác động rất mạnh và gần như ngay lập tức đến tâm lý thị trường thứ cấp. Tiếp cận vốn vay khó khăn trong 2 - 3 tháng qua đã khiến nhiều nhà đầu tư có động thái giảm giá tài sản để thoát hàng. Đây là phản ứng bình thường của thị trường.
“Mức giảm giá tài sản trên thị trường thứ cấp hiện chỉ mới là giảm một phần lợi nhuận, chưa xuất hiện trường hợp bán tháo. Tuy nhiên, nếu việc siết tín dụng tiếp tục kéo dài, nhiều khả năng làn sóng giảm giá cắt lỗ sẽ diễn ra, khi đó có thể dẫn đến tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, ông Quang nói.
Vị này cho rằng, việc đầu tư những sản phẩm có giá trị thực là lựa chọn tối ưu lúc này. Các nhà đầu tư cần chậm lại, xem xét kỹ, nên mua các sản phẩm có đầy đủ pháp lý, sản phẩm có giá trị thực để ở hoặc cho thuê kinh doanh, quan trọng nữa là phải có mức giá hợp lý.
Trong trường hợp, nhà đầu tư có nguồn vốn lớn tự có, dài hạn, thì có thể tìm mua bất động sản khu công nghiệp hoặc bất động sản nghỉ dưỡng. Không nên mua sản phẩm giá quá cao so với thu nhập để tìm kiếm lợi nhuận, bởi vì nguồn vốn từ tín dụng bây giờ cũng hạn chế và khó khăn hơn, lãi suất cao hơn, nên khi mua vào rồi, nếu không có nhu cầu để ở hay không cho thuê, không thanh khoản được thì sẽ rủi ro.
Thanh Phong