(Tổ Quốc) - Khoảng cách về doanh thu giữa VHC và MPC đang dần được thu hẹp, trong quý 2/2022, doanh thu MPC chỉ còn hơn VHC 265 tỷ đồng. Trong khi đó lợi nhuận ròng của VHC đạt 784 tỷ đồng còn lợi nhuận ròng của MPC chỉ đạt 152 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), sau khi duy trì ở mức trên 1 tỷ USD liên tiếp từ tháng 3 tới tháng 6, sang tháng 7/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã hạ nhiệt xuống dưới 1 tỷ USD và tiếp tục chiều hướng này trong tháng 8 với doanh số 917 triệu USD, thấp hơn 3% so với kim ngạch trong tháng 7.
Trong đó, xuất khẩu tôm tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản. Từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD hồi tháng 5, tới tháng 8, xuất khẩu tôm hạ xuống còn 356 triệu USD, dù vẫn cao hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP, sản xuất tôm nguyên liệu khó khăn vì các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi, trong khi nhu cầu của các thị trường chính chững lại khi lượng tồn kho tăng. Các yếu tố này cùng với tác động của lạm phát khiến cho xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc – 2 thị trường lớn sụt giảm từ tháng 7. Với tốc độ tuột dốc nhanh sang Mỹ, luỹ kế xuất khẩu tôm 8 tháng đầu năm sang thị trường này đã giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 8 đạt kim ngạch trên 187 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhẹ so với tháng 7/2022. Trong tháng 8, xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường đều giữ được tăng trưởng 2-3 con số. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường thuận lợi khiến cho kết quả kinh doanh của “vua cá tra” CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) tăng trưởng vượt bậc. Trong quý 2/2022, doanh thu thuần của VHC đạt 4.226 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.
Còn “vua tôm” CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) tuy doanh thu thuần vẫn tăng 36% từ mức nền thấp của quý 2 năm ngoái nhưng vẫn chưa thể vượt đỉnh vào quý 4/2021.
Do đó, khoảng cách về doanh thu giữa VHC và MPC đang dần được thu hẹp, trong quý 2/2022, khoảng cách này chỉ còn 265 tỷ đồng.
Còn về lợi nhuận, trong nhiều năm qua, dù doanh thu của VHC luôn thấp khi so với MPC nhưng lợi nhuận ròng của VHC lại không thua kém, thậm chí còn cao hơn, đặc biệt, trong 3 quý gần đây, lợi nhuận của VHC ngày càng vượt trội MPC.
Trong quý 2, lợi nhuận ròng của VHC đạt 784 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái, còn lợi nhuận ròng của MPC chỉ đạt 152 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ.
Bên cạnh việc biên lợi nhuận gộp của VHC cao hơn MPC (biên lợi nhuận gộp của VHC là 26% còn MPC là 20%), nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của MPC thấp hơn là vì khoản chi phí bán hàng quá lớn. Trong quý 2, chi phí bán hàng của MPC lên đến 467 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ trong khi chi phí bán hàng của VHC là 141 tỷ đồng. Phần lớn chi phí bán hàng của MPC là chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác.
Theo báo cáo của BSC về thị trường cá tra, nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh sau thời gian dài bị dồn nén bởi Covid-19, các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga của các nước phương Tây. Ngoài ra, mức tồn kho thấp sẽ tạo áp lực làm tăng giá bán trong khi nhu cầu xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng.
Theo VASEP, cá tra đột phá nửa đầu năm nhờ thị trường cá tra Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng nhanh (Mỹ tăng gấp hơn 2 lần còn Trung Quốc tăng 79%) và nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng đột phá như Thái Lan (tăng 90%), Mexico (tăng 81%), ... Giá trung bình xuất khẩu tăng mạnh là yếu tố chính giúp cho giá trị xuất khẩu cá tra tăng mạnh. Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là 2,45 USD/kg, tăng 37%, sang thị trường Mỹ đạt 4,66 USD/kg, tăng 60% và sang các thị trường khác đều tăng từ 28 – 66%.
Trong khi nhập khâu tôm của Mỹ đã chững lại kể từ tháng 5, nguyên nhân được cho là do tồn kho cao và các vấn đề về logistics, vận tải như tắc cảng, giá cước vận chuyển tăng, thiếu kho lạnh, lạm phát khiến người Mỹ chi tiêu dè dặt. Còn tại Trung Quốc, các quy định về nhập khẩu vẫn rất khắt khe, tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà cung cấp tôm của Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh với các nhà cung cấp từ Ecuador.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhận định nửa cuối năm 2022 là khoảng thời gian khó khăn đối với thị trường tôm.
“Năm nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Thời tiết lại mưa khá nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống. Đặc biệt, tình hình lạm phát ở các nước cao nên thị trường tiêu thụ từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn”, ông Quang nói.
Huyền Trang