Xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc giảm liên tiếp do Covid

(Tổ Quốc) - Trong khi các thị trường lớn như Mỹ, EU mở cửa trở lại và tăng mạnh nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam thì việc Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm tra virus corona đối với hàng thuỷ sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước khiến cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này giảm liên tiếp trong 2 tháng qua.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2021 giảm 6%, đạt 405 triệu USD.

Trong đó, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm 19% đạt 137 triệu USD, chiếm 34% giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Cá tra đã vượt tôm, chiếm 41% đạt 165,5 triệu USD, tăng nhẹ 2%. Xuất khẩu các loại cá biển giảm 5% đạt gần 70 triệu USD và chiếm 17% tổng xuất khẩu thủy sản. Những mặt hàng có mức tăng trưởng cao là cá ngừ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ (tăng lần lượt 60% và 20%) nhưng lại chiếm tỷ trọng kim ngạch rất nhỏ, dưới 1%.

Tác động của đại dịch Covid và động thái của Trung Quốc đã tạo ra 2 xu hướng rõ nét trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này: kim ngạch các sản phẩm tươi/đông lạnh giảm mạnh, xuất khẩu hàng khô, hàng chế biến tăng.

Theo đó, xuất khẩu tôm sú tươi/sống/đông lạnh giảm sâu 25% trong tháng 5 và giảm 26% trong 5 tháng đầu năm đạt 46 triệu USD, trong khi tôm sú chế biến tăng 278% đạt 1,4 triệu USD.

Xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh sang Trung Quốc 5 tháng đầu năm tăng 2% đạt 67 triệu USD, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng chế biến tăng 173% đạt trên 6 triệu USD. Tôm chân trắng chiếm 54% tổng xuất khẩu tôm.

Xuất khẩu tôm biển sang Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2020 chiếm 22% xuất khẩu tôm, năm nay chỉ chiếm 11% với 15,6 triệu USD, giảm 58%, do xuất khẩu tôm đông lạnh giảm 85%. Bù lại, xuất khẩu tôm khô tăng gấp gần 6 lần, tôm chế biến tăng 67%.

Đối với cá tra, xuất khẩu sản phẩm phile đông lạnh giảm 12% trong 5 tháng đầu năm, đạt 118 triệu USD, cá tra nguyên con đông lạnh tăng mạnh 78% đạt gần 47 triệu USD.

Đối với các loại cá biển khác xuất khẩu (trừ cá ngừ), cá khô là dòng sản phẩm được ưa chuộng nhất, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu các loại cá biển với 35 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay, tăng gần 6%, tuy nhiên trong tháng 5, xuất khẩu cá khô sang Trung Quốc giảm sâu 48%. Các sản phẩm cá chế biến khác tăng 53%, trong khi xuất khẩu cá tươi đông lạnh giảm 42%.

Xuất khẩu các sản phẩm chả cá và surimi cũng tăng mạnh 43% trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm đạt 23 triệu USD, tăng 13%.

Theo VASEP, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt hàng nhập khẩu, ngoài lý do liên quan đến Covid còn có nguyên nhân nội tại: xuất khẩu thủy sản của chính Trung Quốc cũng sụt giảm vì Covid và vì chiến tranh thương mại với Mỹ - thị trường nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Do đó, theo một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc muốn người tiêu dùng, nhà chế biến thủy sản nước này tập trung tiêu thụ nguồn nguyên liệu trong nước.

Quỳnh Anh

Tin Cùng Chuyên Mục
Herbalife đồng hành cùng tuyển bóng đá Việt Nam cho mùa giải lớn nhất năm

Herbalife đồng hành cùng tuyển bóng đá Việt Nam cho mùa giải lớn nhất năm

Là nhà tài trợ chính thức của các đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam từ năm 2021, Herbalife luôn đồng hành cùng các cầu thủ trên sân cỏ. Trước thềm giải đấu lớn, đại diện Công ty cùng các Thành Viên Độc Lập của Herbalife có cơ hội giao lưu, động viên để tiếp thêm sức mạnh giúp các cầu thủ tự tin chinh phục thử thách mới.
Tin mới