Chủ đề này đã nhận được nhiều sự chú ý trong chương trình tọa đàm "Thiết kế Vị Nhân Sinh’" do Gỗ Minh Long kết hợp Hội Kiến trúc sư Nghệ An tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 300 Kiến trúc sư đến từ Nghệ An và các tỉnh lân cận.
Thiết kế "vị nhân sinh" được định nghĩa là các thiết kế lấy con người làm trung tâm, nhằm kiến tạo nên những không gian phù hợp với nhu cầu của con người. Theo tháp Maslow, đó là những nhu cầu về sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được quý trọng và nhu cầu được tự thể hiện mình. Trong đó, tính "xanh" và bền vững trong thiết kế giúp thỏa mãn nhu cầu về an toàn, tạo ra không gian lành mạnh, giúp nâng cao sức khỏe và chất lượng sống của người sử dụng.
Trong những năm gần đây, yếu tố "xanh" ngày càng được coi trọng trong kiến trúc. Thiên nhiên được đưa vào trong không gian nhiều hơn, tạo những "khoảng thở" quý giá ngay bên trong ngôi nhà. Nhiều công trình xanh của Việt Nam đã đạt được những giải thưởng quốc tế uy tín về kiến trúc, ví dụ như Naman Retreat Pure Spa, Villa Tân Định của KTS Nguyễn Hoàng Mạnh hay Nhà Tân Bình của KTS Võ Trọng Nghĩa.
Việc ưu tiên sử dụng vật liệu bền vững, bao gồm cả vật liệu tự nhiên tại bản địa và những chất liệu mô phỏng tự nhiên cũng góp phần thể hiện tính "xanh". Những chất liệu truyền thống như gỗ, gạch, mây, tre, gốm, đất sét… vốn là nguồn cảm hứng để các kiến trúc sư sáng tạo nên những công trình mang tính bản địa, mang lại nhiều giá trị cho đời sống con người cả về công năng lẫn dưới góc độ văn hóa. Đó là những vật liệu sẵn có tại địa phương, giúp tiết kiệm công sức và chi phí khai thác vận chuyển, đảm bảo sự bền vững và cân bằng trong phát triển xây dựng.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng khai thác quá mức những nguyên liệu tự nhiên khan hiếm, một số loại vật liệu thay thế, vật liệu nhân tạo cũng được sử dụng ngày càng phổ biến. Đối với người Việt, gỗ là chất liệu quen thuộc để làm nhà, làm nội thất; đặc biệt các loại gỗ quý như đinh, lim, sến, táu, hương, gõ đỏ… Tuy nhiên, với các cây gỗ tự nhiên có vòng đời sinh trưởng lên tới hàng chục năm, thì làm sao để cân bằng hài hòa giữa việc bảo tồn, phát triển và ứng dụng chất liệu này trong sản xuất và xây dựng vẫn luôn là một bài toán khó.
Chương trình diễn ra vào ngày 16/3/2024, do Gỗ Minh Long kết hợp cùng Hội Kiến trúc sư Nghệ An tổ chức tại Melia Vinpearl Cửa Hội Resort, tại đây các kiến trúc sư đã có dịp thảo luận khá sôi nổi về vấn đề này. Trong tham luận "Human-Green-System", KTS Takashi Niwa – Giám đốc Takashi Niwa Architects đã nhận định: Việt Nam là một quốc gia với nền tảng tự nhiên phong phú. Văn hóa Việt có sự kết nối với thiên nhiên, ảnh hưởng sâu rộng tới xây dựng, kiến trúc và nội thất của người Việt. Ngay cả đối với vật liệu, chúng ta cũng đã sẵn có nguồn cảm hứng và sự mô phỏng tự nhiên trong đó. Việc kết hợp yếu tố tự nhiên với các chất liệu văn hóa độc bản là điều nên làm. Từ đó, chúng ta sẽ tạo nên những thiết kế kiến trúc bền vững, có giá trị thẩm mỹ cao và gần gũi với tinh thần của người Việt.
Ông Nguyễn Minh Cương – TGĐ Gỗ Minh Long cũng có bài phát biểu tại sự kiện, đưa thêm một góc nhìn liên quan về việc ứng dụng các chất liệu hiện đại vào thiết kế bản địa. Tham luận này mang tới một giải pháp cho việc dung hòa giữa các yếu tố mang tính tự nhiên với các chất liệu thay thế bền vững khác. Trong đó, gỗ V Số trở thành một "điểm sáng". Nhờ ứng dụng công nghệ V Số tạo ra những đường vân, mắt gỗ chân thực, tấm vật liệu này sở hữu vẻ đẹp tự nhiên hoàn hảo, truyền tải trọn vẹn chất cảm như khi chạm tay vào những thớ gỗ rừng già. Với dải màu trải dài từ các tông màu hiện đại (đen, ghi xám, nâu vàng, nâu be…) cho tới những tông màu đặc trưng của cây gỗ quý Việt Nam (nâu đỏ, cam đỏ), gỗ V Số mở rộng đường sáng tạo cho các kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất, để vừa có thể đưa tự nhiên vào trong thiết kế, làm phong phú thêm các chất liệu sáng tạo dựa trên văn hóa bản địa truyền thống, đồng thời hướng đến một nền kiến trúc "vị nhân sinh" bền vững hơn.
Với gần 300 kiến trúc sư tham dự, sự kiện tọa đàm "Thiết kế Vị Nhân Sinh" tại Nghệ An lần này đã mang tới những góc nhìn đa chiều ở lĩnh vực chuyên môn, đồng thời cả những hướng đi mới về vật liệu; hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng cho một nền kiến trúc – nội thất Việt Nam giàu bản sắc.