(Tổ Quốc) - Yuanta cho rằng các yếu tố tiêu cực đều đã phản ánh vào đà giảm trong tháng 6/2020, đặc biệt là kết quả kinh doanh quý 2/2020. Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 lần 2 được đánh giá sẽ tác động ít tiêu cực hơn so với giai đoạn 1 và các chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế và hệ thống tài chính.
CTCK Yuanta Việt Nam vừa công bố báo cáo cập nhật thị trường tháng 7 với nhiều điểm đáng chú ý.
Theo báo cáo, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế Việt Nam trong quý 2 vừa qua. Việc cách ly xã hội trong tháng 4 khiến các hoạt động kinh tế trong nước đình trệ, mặc dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý 2 nhưng với các nước có quan hệ giao thương lớn với Việt Nam vẫn trong giai đoạn đỉnh điểm.
Việt Nam đã rất thành công trong công tác chống dịch, việc này giúp Việt Nam là một trong số những nước có GDP tăng trưởng dương trong quý 2 ( 0,36%). Yuanta cho rằng giai đoạn nửa năm còn lại sẽ phụ thuộc khá nhiều vào đầu tư công và tình hình các nước trên thế giới. Cho tới hiện tại mặc dù các nước đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế nhưng tình hình vẫn khó khả quan cho tới khi có vaccine.
Tổng vốn FDI 6 tháng đầu năm đạt 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ 2019. Vốn giải ngân đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó có 1.418 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký trung bình mỗi dự án 6 triệu USD.
Điểm tích cực là Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 6 đạt 41,5 tỷ USD tăng 9,5% so với cùng kỳ. Lũy kế từ 6 tháng đầu năm tổng kim ngạch đạt 238,39 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ, xuất siêu 4,04 tỷ USD (đây là mức cao nhất từ trước tới nay). Trong đó, xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD (tăng 0,4%); nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD (giảm 2,06% so với cùng kỳ).
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước và 7% so với cùng kỳ, dù vậy vẫn thấp hơn mức tăng 9,6% cùng kỳ 2019. Trong khi đó, chỉ số PMI tháng 6 cao nhất từ đầu năm tới nay ở mức 51,1 điểm, điều này cho thấy những tín hiệu tích cực từ hoạt động sản xuất sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát tại Việt Nam.
Số lượng đơn đặt hàng mới lần đầu tiên tăng sau 5 tháng. Lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian đều có số lượng đơn hàng mới tăng, tuy nhiên lĩnh vực hàng hóa đầu tư cơ bản có lượng đơn hàng lại giảm. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm do những hạn chế về vận chuyển và tình trạng đóng cửa một số thị trường xuất khẩu, các công ty vẫn gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài. Sản lượng cũng có dấu hiệu tăng trở lại do tác động của lĩnh vực hàng tiêu dùng, tuy nhiên lượng công việc tồn đọng vẫn giảm và nhu cầu lực lượng lao động vẫn tiếp tục giảm với tốc độ chậm hơn, cho thấy tình hình sản xuất mới bắt đầu hồi phục nhẹ và năng lực sản xuất vẫn chưa sử dụng hết.
Lũy kế 6 tháng đầu năm Tổng mức bán lẻ đạt 2.381 nghìn tỷ, giảm 0,8% so với cùng kỳ. Tâm lý lo ngại về khó khăn kinh tế khi tình hình dịch bệnh thế giới vẫn còn phức tạp khiến người dân chưa thực sự thoải mái trong chi tiêu tiêu dùng. Yuanta dự báo trong giai đoạn quý 3, mức chi tiêu có thể sẽ tăng so với quý 2 nhưng mức tăng trưởng so với cùng kỳ 2019 sẽ không đáng kể.
Theo đánh giá chung của Yuanta, mặc dù các chỉ số vĩ mô Q2 không thực sự khả quan so với quý 1, nhưng đây cũng là điều có thể hiểu được do giai đoạn cách ly đầu tháng 4 và các hoạt động sản xuất mới đang dần trở lại bình thường vào tháng 6.
So với tháng 5 thì tình hình kinh tế tháng 6 cho thấy đã có đà hồi phục. Khó có thể chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục nhanh trong quý 3, quý 4 bởi còn phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch bệnh của các nước trên thế giới, nhưng Yuanta cho rằng sẽ khả quan hơn nhiều so với quý 2 vừa qua bởi việc thúc đẩy đầu tư công đã được khởi động từ giữa quý 2 cùng với hiệu lực EVFTA và những nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Với các giả định về sự hồi phục kinh tế từ quý 3, mức độ tác động bởi dịch bệnh tương đương quý 1, riêng ngành Xây dựng tăng trưởng cao hơn và kinh tế dần trở lại bình thường trong quý 4, Yuanta dự báo tốc độ tăng trưởng GDP quý 3 đạt khoảng 3,97% so với Q3/2019 và GDP cả năm 2020 ở mức 3,1%.
VN-Index có thể lên mốc 990 điểm trong tháng 7
Về diễn biến TTCK tháng 7, Yuanta đưa ra 2 kịch bản. Với kịch bản 1, Yunata dự báo VN-Index sẽ hướng về vùng 987 – 990 điểm và đây là kịch bản được đánh giá cao.
Yuanta cho rằng các yếu tố tiêu cực đều đã phản ánh vào đà giảm trong tháng 6/2020, đặc biệt là kết quả kinh doanh quý 2/2020. Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 lần 2 được đánh giá sẽ tác động ít tiêu cực hơn so với giai đoạn 1 và các chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế và hệ thống tài chính. Ngoài ra, định giá rẻ và kiểm soát tốt dịch bệnh vẫn là điểm sáng cho TTCK Việt Nam.
Với kịch bản 2, Yuanta cho rằng nếu chỉ số VN-Index xuyên thủng mức hỗ trợ ngắn hạn 797,5 điểm thì xu hướng giảm có thể mở rộng về vùng giá 650 điểm, tuy nhiên kịch bản này không được đánh giá cao.
Yuanta khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong tháng 07/2020. Đồng thời nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cao ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa, hạn chế các nhóm penny trong giai đoạn này.
Long Nhật