(Tổ Quốc) - Không mơ mua nhà, xây biệt thự chốn thành thị, anh Phạm Tuấn Anh đã chọn cho mình con đường về “nơi vắng vẻ” dù mới đang ở độ tuổi đôi mươi.
Cầm tấm bằng tốt nghiệp hệ Trung cấp tại trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM, chàng trai trẻ Phạm Tuấn Anh quê ở tỉnh Bình Dương quyết định dừng chân tại Kon Tum.
Vào năm 2017, Tuấn Anh quyết định rời thành phố để chuyển đến thị trấn Măng Đen, H.Kon Plông, tỉnh Kon Tum lập nghiệp. Đã từng đi nhiều nơi và nếm trải không ít thất bại, anh cho biết Măng Đen chính là nơi bản thân đang tìm kiếm bấy lâu.
Khởi đầu tại vùng đất mới, công việc đầu tiên của Tuấn Anh là quản lý tại một khách sạn. Trái với tưởng tượng của nhiều người, công việc của anh không hề được “ngồi mát ăn bát vàng”.
Trong suốt thời gian đảm nhận vị trí này, Tuấn Anh đã làm qua “đủ thứ nghề” từ lau nhà, vệ sinh toilet, làm vườn, đưa đón khách, tài xế… Dù hầu như là những công việc chân tay nhưng chàng trai trẻ không hề hối hận khi làm những việc này.
Không dừng lại với vị trí quản lý khách sạn, Tuấn Anh còn tận dụng cơ hội để kiếm thêm thu nhập. Nhờ sự nhanh nhạy và chiếm được cảm tình của đối tác, anh chia sẻ mình đã từng thu về 10 - 40 triệu sau mỗi giao dịch bất động sản thành công.
Song song bên cạnh đó, anh còn nắm bắt thời cơ, dành dụm tiền để mua đất. Chỉ trong vòng ba năm, khối tài sản của chàng trai trẻ thu về tiền tỷ để thực hiện ước mơ của bản thân.
Tuấn Anh từng chia sẻ bản thân đã thử mang mô hình dạy tiếng Anh nội trú từ Philippines về Việt Nam năm 2019. Tuy nhiên công việc không hiệu quả, anh mất trắng hơn 1 tỷ đồng. Theo anh, muốn khởi nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh phải cạnh tranh với nhiều đối thủ. Thị trường ở đây đã bão hòa.
Nói về cơ duyên với Măng Đen, Tuấn Anh cho biết: “Điểm khác biệt lớn nhất so với những nơi anh đã đi là Măng Đen là vùng đất được thiên nhiên ban tặng về khí hậu mát mẻ, cảnh quan thác hồ và còn rất là tự nhiên chưa bị bê tông hoá như những nơi khác”.
Một lý do khác khiến anh chọn mảnh đất Kon Tum này là do đây là vùng núi và có nhiều tiềm năng phát triển. Ngoài ra, anh ưu tiên chọn những vùng đất hoang sơ để thỏa mãn thú trồng cây của chính mình.
Sau hơn một năm bỏ công sức, cuối cùng Phạm Tuấn Anh cũng thực hiện được ước mơ của mình. Anh mua lại một căn homestay cũ và sửa sang lại để khởi nghiệp.
Sau một thời gian đặt chân qua nhiều mảnh đất, Tuấn Anh nhận thấy thấy tiềm năng du lịch của núi rừng Măng Đen. Với số vốn tích góp được, anh bắt đầu đầu tư vào mảng homestay kết hợp với dịch vụ ăn uống.
Phạm Tuấn Anh cho biết riêng tiền hoàn thiện nội thất và các chi tiết của ngôi nhà đã lên đến 3.5 tỷ đồng. Anh cùng một người bạn đã mạnh dạn đầu tư dù con số bỏ ra không hề nhỏ và phải vay mượn ngân hàng.
Anh cho biết: “Đối với mình, thất bại không có gì đáng sợ. Điều đáng sợ là mãi mãi không dám tin tưởng vào chính bản thân”. Anh cũng nhấn mạnh sự quyết tâm và kiên định theo đuổi đam mê khác hoàn toàn so với mơ mộng hão huyền. Theo anh, trong quá trình khởi nghiệp sẽ có thất bại nhưng quan trọng là mình biết rút kinh nghiệm từ đó.
Nhận thấy Măng Đen có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết, chàng trai 9x xây dựng nhà hàng khách sạn. Anh khẳng định nơi đây là vùng đất lý tưởng cho những người trẻ khởi nghiệp.
Dám thực hiện và dám thất bại. Phạm Tuấn Anh cho biết “mình quyết định chơi tất tay”.
Ngôi nhà trong khuôn viên khoảng 1000 mét vuông được thiết kế theo hơi hướng Châu Âu nhưng đặc biệt gần gũi thiên nhiên. Với ý tưởng này, anh chọn sử dụng các chi tiết như tường đá, cửa vòm, hàng rào gỗ gần gũi với thiên nhiên.
Đã từng va vấp và trải nghiệm, chàng trai 9x khẳng định không có ước mơ nào là không thể thực hiện. “Biết đâu đời lại đổi thay, cứ chuẩn bị tinh thần trước đi”, anh cho biết.
Càng gắn bó với Măng Đen, hoài bão xây dựng “cơ ngơi” của Tuấn Anh càng lớn. Anh tiết lộ kế hoạch xây dựng cơ sở khách sạn, nhà hàng và farm thăm quan phục vụ cho khách du lịch.
Trước đó, phòng ở riêng của anh chỉ là một căn gác xép nhỏ tiết kiệm không gian tại homestay. Trong dự án lần này, anh đã thiết kế “nhà riêng” để phục vụ sinh hoạt cũng như đam mê của bản thân.
Tuấn Anh tiết lộ tổng số tiền để xây dựng cơ ngơi lần này khoảng 24 tỷ đồng. Trong đó, anh phải đi vay ngân hàng tới 10 tỷ. Trong quá trình bắt tay vào thực hiện, anh cũng không tránh khỏi những sai lầm, thất thoát và cả những sự cố ngoài dự định.
Tuấn Anh chia sẻ mình bắt tay vào đúng mùa bão lớn Vì là lần đầu tiên thi công công trình lớn như vậy nên chưa có kinh nghiệm. Anh thậm chí phải đổi đến đội thợ thứ 2. Anh cũng nhiều lần chấp nhận “đập đi xây lại” vì chi tiết không ưng ý.
Khi đã hoàn thiện chuẩn bị đi vào hoạt động thì lại đúng đợt dịch thứ 2 nên phải đóng cửa mấy tháng. Khi đó anh vừa phải tính bài toán trả lương nhân viên, duy trì việc vận hành vừa phải lo tiền trả lãi.
Ở độ tuổi 28, Tuấn Anh đã có trong tay không phải một mà là nhiều ngôi nhà. Nhưng khác với mọi người, anh lựa chọn hướng đi chông gai và nhiều rủi ro hơn. Anh chia sẻ mình đã từng nghĩ đến một ngôi nhà riêng nhưng đó là chuyện của sau này. Hiện tại mình vẫn đang dồn lực cho kế hoạch xây khách sạn và sắp tới là nông trại riêng.
Khi được hỏi về áp lực khi thực hiện một dự án lớn như vậy, anh có ngại rủi ro không, Tuấn Anh bộc bạch: “Sợ thì có sợ. Nhưng mình từ 2 bàn tay trắng đi lê, cùng lắm lại trở về tay trắng. Và cái tham vọng của mình nó lớn hơn nỗi sợ nên mình cứ làm thôi. Còn trẻ dù có thất bại thì cũng còn cơ hội làm lại”.
Nguồn: NVCC
Thùy Anh