(Tổ Quốc) - Ngôi nhà không chỉ là nơi che gió che mưa, mà còn là nơi để tâm hồn trở về với sự thư thái, bình yên và ấm áp sau ngày làm việc bận rộn.
Chị Oanh, sống tại Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh, đã quyết định ghi dấu ấn cho tuổi 36 của mình bằng nỗ lực và tâm huyết để có được nơi che mưa, che gió cho gia đình nhỏ.
Đây chính là không gian sống mới tiện nghi, không kém phần bình yên cho gia đình 5 người, bao gồm mẹ của chị, chị cùng với 3 đứa trẻ (một bé trai và hai bé gái sinh đôi).
Ngôi nhà hơn 200m2 được chị cải tạo lại với tổng chi phí là 1,2 tỷ đồng. Vì đây là nhà của người cha đã mất để lại, chị quyết định giữ nguyên phần móng và khung tường trước đó. Không gian trong nhà được thiết kế lại, có đủ 3 phòng ngủ: phòng cho bà, phòng bé trai, phòng mẹ và hai em gái.
Mọi thứ còn lại được chính tay chị lên kế hoạch, kết hợp với đơn vị thi công xây dựng để thay đổi phù hợp với nhu cầu sử dụng và sở thích của mọi người trong gia đình.
Là mẹ đơn thân, mỗi tháng chị Oanh có thu nhập khoảng 3x triệu đồng từ nhiều nguồn. Công việc chính của chị là kinh doanh vé máy bay và có một đại lý yến sào Nha Trang.
Tuy sở hữu thu nhập không hề nhỏ nhưng con số này vẫn không thấm là bao nếu lấy ra để xây nhà. Chưa kể đến, phần lớn thu nhập của chị cũng dành cho chi phí sinh hoạt thường ngày của gia đình. Do đó, chị Oanh đã phải mất một thời gian khá dài để có thể tích lũy tài chính.
“Thu nhập của chị đã có tới 1/2 là chi phí cho các con rồi nên tích lũy cũng không đủ. Phần thiếu phải hỏi vay bà ngoại, sau đó mình thu xếp để trả dần thôi. Nếu chỉ dựa vào thu nhập như vậy thì cũng phải mất thêm nhiều năm nữa”, chị Oanh chia sẻ. “Chưa kể, ngân hàng bà ngoại thì trả lâu một chút cũng được (cười).”
Tới năm 2020, chị Oanh mới bắt đầu lên kế hoạch xây nhà. Nhờ khoảng thời gian trước đây có làm việc cho công ty của Hàn Quốc nên chị thích phong cách sống của họ. Các yếu tố sạch, thoáng và hiện đại được đặt lên hàng đầu.
Sau đó, để lên ý tưởng cho tổ ấm mới, chị Oanh dành nhiều thời gian tìm hiểu, tham khảo hình ảnh từ Internet, đặc biệt là các mẫu trên Pinterest.
Sau khi hình thành được ý tưởng ban đầu, chị bàn bạc với anh trai đang làm một công ty thiết kế xây dựng. Cả hai cùng trao đổi, sắp xếp, cộng thêm sự kết hợp ăn ý nên quá trình đưa từ ý tưởng đến thực tế trở nên thuận lợi hơn.
Ảnh thực tế thành quả nhận được, theo lời chị Oanh là “chỉ thiếu mỗi cái ô tô”.
Phòng thờ được ưu tiên tiếp theo vì chị tiếp nối việc thờ cúng ông bà và bố, do đó không gian này được trang trí ấm cúng hơn. Phòng khách gắn liền với phòng thờ nên mang chút hoài cổ, tất cả vật dụng ở đó đều do ba chị để lại kỷ niệm.
Vì là người yêu thích nấu nướng, chị Oanh dành nhiều tâm sức cho khu bếp trong ngôi nhà. Chị ưu tiên thiết kế không gian bếp rộng và mở, lấy ánh sáng bên ngoài nhiều nhất có thể.
Nhờ vậy, mỗi sáng mở cửa ra, ngắm hoa cỏ xung quanh, gió ùa vào nhà, gia đình chị cảm nhận được hòa mình với thiên nhiên hơn.
Chị Oanh chia sẻ: “Tổng chi phí xây dựng, nội thất và thiết bị nhà bếp nhập khẩu hết 1,2 tỷ đồng. Xây nhà vào mùa dịch thì mình dễ gặp cảnh thợ, thầy bị nhiễm Covid-19. Đợt đó, công trình phải tạm ngưng 14 ngày, mọi việc bị rối một tí. May mắn là những việc còn lại vẫn giải quyết được hết để nhận về thành quả tuyệt vời.”
Không quá cầu kỳ nhưng ấm áp, ngôi nhà đối với chị Oanh là nơi để mình trút hết mọi phiền muộn và nạp năng lượng cho ngày mới, sau những lo toan của cuộc sống.
Đây cũng là lý do mà chị Oanh lựa chọn trang trí nội thất theo phong cách đơn giản, hiện đại, đúng với tiêu chí sạch và thoáng đã đề ra từ ban đầu.
Phong cách bên phòng thờ và phòng khách mang hơi hướng hoài cổ, giúp chị tận dụng những kỷ vật của bố để lại. Những gian khác có style hiện đại hơn với không gian mở. Tất cả được kết hợp hài hòa, mang lại vẻ bình yên mà không mất đi sự ấm cúng và gắn bó với kỷ niệm.
Vì tính chất công việc nên chị ký hợp đồng giao hết tất cả mọi thứ cho công ty xây dựng lo từ khâu vật tư cho đến phần nội thất. Phần thiết bị vệ sinh chị chọn đơn vị Sinlee của Trung Quốc, sản xuất theo công nghệ Thái Lan, giá rẻ hơn mà vẫn đảm bảo đẹp, độ bền không kém. Vòi rửa chén dạng rút nên tiện lợi khi sử dụng.
Một số tủ cổ đã có sẵn được chị tận dụng. Một phần nội thất còn lại thì thi công lắp đặt theo hợp đồng xây dựng. Chị dành thời gian tự tay chọn mua thêm bàn ăn và bộ sofa trong nhà.
Tủ bếp, tủ chén, tủ giày dép, tủ quần áo là gỗ MDF lõi xanh nằm trong gói nội thất đã được ký hợp đồng với nhà thầu xây dựng. Khung rèm cửa là rèm cầu vồng màu trắng, vừa hiện đại vừa tiện lợi dễ vệ sinh.
Khi đưa vào sử dụng, chị Oanh trang trí thêm một số cây xanh trong nhà như cây lưỡi hổ, ngũ gia bì để chống muỗi vì là xung quanh nhà cây cối nhiều muỗi.
“Phương châm của chị là làm gì cũng càng đơn giản càng tốt từ màu sắc cho đến cấu trúc ngôi nhà”, chị Oanh cho biết.
Diện tích ngôi nhà là 200m2, toàn bộ sàn chỉ chiếm 110m2. Gia đình chị Oanh dành ra 90m2 để làm sân nhà.
Chị Oanh chia sẻ: “Một ngôi nhà cấp 4 với khoảng sân rộng rãi là vừa đủ không gian ở tiện nghi, mà phần dọn quét đỡ vất vả. Mọi người đi ra đi vào còn được thấy mặt nhau.”
Khoảng sân rộng rãi vừa là không gian để người thân vui chơi, vừa là chỗ để trồng hoa cỏ, cây cối, giúp gia đình thư giãn tâm hồn. Mỗi ngày, chị Oanh thường thức dậy từ 5 giờ sáng để lo cho các con đi học, chăm tưới cây, thỉnh thoảng bón thêm chút phân cho những bụi hoa… Đây là những phút thư giãn tuyệt vời để tăng thêm thi vị cho đời sống bận rộn thường ngày.
Những không gian thư thái, yên bình của gia đình.
*Thông tin và ảnh: NVCC
Thuý Phương