(Tổ Quốc) - Được biết, NTT Domoco đã mua cổ phần của VMG Media vào năm 2011 với số tiền khoảng 370 tỷ đồng (1,4 tỷ yên), đây cũng là khoản đầu tư đầu tiên của Tập đoàn vào Việt Nam. Sau 11 năm, NTT Domoco vừa bán ra thu về 47,5 tỷ đồng.
Gần đây, CTCP Truyền thông VMG (UpCOM: ABC) đã phát thông báo về kết quả giao dịch cổ phiếu của ông Lê Bá Khánh Anh, em rể của ông Domingo Anselmo Alonso – Thành viên HĐQT công ty. Cụ thể, ông Lê Bá Khánh Anh đã mua vào 4.999.998 cổ phiếu ABC (tỷ lệ 24,52%) vào ngày 17/6/2022 theo phương thức giao dịch thỏa thuận.
Ngày 17/6, thống kê giao dịch của ABC thể hiện có giao dịch thỏa thuận khối lượng 4.999.998 cổ phiếu, trị giá 47,5 tỷ đồng, trùng với số lượng ông Khánh Anh mua vào. Bên giao dịch nước ngoài cũng có lệnh bán 4.999.998 cổ phiếu, với tổng giá trị là 47,5 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc ông Khánh Anh đã mua lại cổ phiếu của 1 nhà đầu tư nước ngoài.
Trong số các cổ đông lớn của VMG Media, có Tập đoàn NTT Domoco – Tập đoàn viễn thông lớn đến từ Nhật Bản đang sở hữu đúng 4.999.998 cổ phiếu. Hơn nữa, tỷ lệ cổ đông nước ngoài của VMG Media chỉ còn 0,9%, nên khả năng cao NTT Domoco đã thoái toàn bộ khoản đầu tư của mình và bán cho ông Lê Bá Khánh Anh để thu về 47,5 tỷ đồng.
Được biết, NTT Domoco đã mua cổ phần của VMG Media vào năm 2011 với số tiền khoảng 370 tỷ đồng (1,4 tỷ yên), đây cũng là khoản đầu tư đầu tiên của Tập đoàn vào Việt Nam. Như vậy, sau 11 năm, NTT Domoco đã phải cắt lỗ khoản đầu tư này với số lỗ lên đến 322,5 tỷ đồng, tương đương mức lỗ 87%.
Tuy vậy thì trong thời gian đầu tư NTT Docomo cũng đã nhận về lượng đáng kể kể cổ tức, trong đó có khoản cổ tức đặc biệt 195% năm 2017 khi VMG Media lãi lớn từ bán cổ phần VNPT Epay. Với 5 triệu cổ phiếu thì NTT Docomo đã nhận gần 100 tỷ đồng cổ tức từ đợt này.
Một cổ đông lớn nước ngoài khác của VMG Media là quỹ Maj Invest cũng đã thoái vốn trong đầu năm nay. Khoảng cuối tháng 2, Yellow Star Investment 6 Pte. Ltd đã bán hết 4,5 triệu cổ phiếu ABC đang nắm giữ, sau đó ít lâu Maj Invest Holding A/S đã bán tiếp 270 nghìn cổ phiếu ABC.
Hiện nay, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn đang nắm giữ hơn 5,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 28,3% cổ phần VMG Media.
Hơn 10 năm trước, khi nhận vốn đầu tư từ NTT Docomo và Maj thì VMG Media là doanh nghiệp đầy tiềm năng, một trong những cổ phiếu công nghệ hot nhất thời điểm đó.
Tuy nhiên thời thế thay đổi, VMG thiếu đi những sản phẩm mới đồng thời thương vụ bán VNPT Epay đưa công ty lên đỉnh cao cũng lại chính là tác nhân làm bay mất toàn bộ vốn.
Kể từ năm 2020, VMG bắt đầu thua lỗ
Về tình hình kinh doanh, tính đến hết ngày 31/3/2022, ABC đang có số lỗ lũy kế lớn lên đến 714 tỷ đồng và hiện đang âm vốn chủ sở hữu là âm 222 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của VMG Media là do khoản trích lập dự phòng quá lớn trong năm 2020 và 2021 liên quan đến vụ kiện giữa công ty và 2 công ty của Hàn Quốc là Global Payment Service (GPS) và UTC Investment (UTC) (GPS là quỹ đầu tư được thành lập và quản lý bởi UTC).
Năm 2017, VMG Media đã có bước ngoặt lớn khi công ty chốt được thương vụ bán 62,5% cổ phần công ty thanh toán điện tử VNPT EPAY cho phía đối tác Hàn Quốc là Global Payment Service (GPS) và UTC Investment (GPS là quỹ đầu tư được thành lập và quản lý bởi UTC). Tổng cộng VMG Media đã thu về 519 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận ròng tăng đột biến đạt 317 tỷ đồng trong năm 2017.
Nhưng đến năm 2019, GPS và UTC cho rằng VMG Media đã phản ánh không trung thực và chính xác về tình hình tài chính của EPAY khi đưa ra doanh thu 5.351 tỷ đồng và EBITDA là 26,7 tỷ đồng.
Do số lỗ lớn nên VMG lỗ lũy kế lên đến 700 tỷ và âm cả vốn chủ sở hữu
Theo Bản án hình sự sơ thẩm năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, GPS và UTC cho rằng hoạt động của EPAY bao gồm cả những hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam. Do đó, GPS và UTC đã đưa ra quyết định chưa chính xác trong việc mua bán cổ phần tại EPAY.
Vì lẽ đó, GPS và UTC đã tiến hành khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế và đòi VMG Media bồi thường 755,8 tỷ. Theo các điều khoản trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nêu trên, VMG Media phải chịu trách nhiệm bồi thường bất kỳ khiếu nại thuế nào phát sinh trực tiếp từ bất kỳ sự kiện hoặc vấn đề nào còn tồn tại trước khi hoàn thành hợp đồng và điều khoản bảo hành về tuân thủ pháp luật.
Vì vậy, năm 2020, VMG Media đã trích lập dự phòng phải trả GPS và UTC đối với các nghĩa vụ có thể phát sinh do vi phạm các điều khoản bảo hành trong hợp đồng với số tiền là 210 tỷ đồng. Sang năm 2021, Trung tâm trọng tài quốc tế đã có phán quyết về vụ kiện. VMG Media phải trích lập dự phòng thêm 612 tỷ đồng.
Tổng số tiền công ty trích lập dự phòng phải trả cho GPS và UTC là 822 tỷ đồng. Trong đó, 632 tỷ là khoản dự phòng phải trả liên quan đến thỏa thuận về tuân thủ pháp luật và khoản lãi chậm bồi thường và 189 tỷ đồng dự phòng phải trả đối với các nghĩa vụ có thể phát sinh do phạt thuế.
Cổ phiếu ABC hiện đang giao dịch ở mức giá 8.500 đồng/cp và thuộc diện bị hạn chế giao dịch nên chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần.
Kết luận tại bản án 55/2018/HS-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ trong đó có nêu việc EPAY đã thực hiện nâng không 49 tờ hóa đơn với tổng giá trị là 657 tỷ đồng và buộc EPAY phải nộp gần 51 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính vào ngân sách nhà nước (gồm khoảng 47 tỷ đồng tiền hưởng lợi từ dịch vụ trung gian thanh toán và gần 4 tỷ đồng tiền hưởng lợi từ dịch vụ đại lý thẻ Vcard).
Phán quyết số 116/2021 ngày 21/10/2021 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế gồm:
a. Bị đơn phải bồi thường thiệt hại hơn 455 tỷ đồng;
b. Bị đơn có trách nhiệm bồi thường cho người yêu cầu bồi thường số tiền 61 triệu KRW thiệt hại cho các chi phi điều tra vi phạm của Bị đơn;
c. Bị đơn có trách nhiệm trả lãi cho người yêu cầu bồi thường trên số tiền 455 tỷ đồng với mức 5,33%/năm, công dồn hàng năm, từ ngày 19/3/2018 cho đến khi thanh toán đầy đủ;
d.Bị đơn có trách nhiệm trả lãi cho người yêu cầu bồi thường trên tổng số tiền 61 triệu KRW ở mức 5,33% mỗi năm, cộng dồn hàng năm, kéo dài từ ngày 19/3/2018 cho đến khi thanh toán đầy đủ;
e. Bị đơn có trách nhiệm thanh toán chi phí pháp lý của người yêu cầu bồi thường, bao gồm chi phi chuyên gia và các chi phí khác với số tiền hơn 1,1 triệu USD, 1,2 tỷ KRW, 394 nghìn SGD và 1,8 triệu KRW, và hoàn trả cho người yêu cầu bồi thường phần chi phí trọng tài của họ với số tiền 407 nghìn SGD;
f. Bị đơn có trách nhiệm trả lãi suất với lãi suất 5,33% trên số tiền nêu trên tại khoản (e), kể từ ngày phán quyết này cho đến khi được thanh toán đầy đủ;
g. Tất cả các khiếu nại và yêu cầu khác đều bị từ chối.
Huyền Trang