(Tổ Quốc) - Theo Niên giám Thống kê 2021, cả nước có diện tích khoảng 331.344 km2 . Trong đó, 10 tỉnh, thành có diện tích lớn nhất chiếm gần 36 % tổng diện tích của cả nước.
Cụ thể, theo dữ liệu của Niên giám Thống kế năm 2021, 10 tỉnh, thành có diện tích lớn nhất cả nước gồm có: Nghệ An, Gia Lai, Sơn La, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lâm Đồng, Kon Tum, Điện Biên và Lai Châu.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, đạt khoảng 16.486,5 km2, dân số trung bình khoảng 3.409,8 nghìn người. Theo đó, mật độ dân số tỉnh Nghệ An đạt khoảng 207 người/km2.
Xét về vị trí địa lý, Nghệ An thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Phía Nam giáp thành phố Hà Tĩnh, phía Bắc Nghệ An giáp với Thanh Hóa, phía Đông giáp biển và phía Tây giáp Lào. Nghệ An cũng nằm trên những tuyến đường quốc lộ Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 1A và tuyến đường tàu Bắc Nam.
Sau Nghệ An, Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 ở Việt Nam. Cụ thể, diện tích Gia Lai đạt khoảng 15.510,1 km2. Gia Lai nằm ở khu vực phía Bắc Tây Nguyên, phía Đông giáp Bình Định, Quảng Ngãi và Phú Yên. Phía Tây Gia Lai giáp biên giới Campuchia, phía Nam giáp Đăk Lăk và phía Bắc giáp Kon Tum.
Với tổng diện tích đạt khoảng 14.109,8 km2, Sơn La là tỉnh lớn thứ ba ở Việt Nam. Sơn La giáp ranh với các tỉnh Yên Bái, Điện Biên và Lai Châu về phía bắc; tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ ở phía đông; Thanh Hóa ở phía nam.
Đắk Lắk có diện tích đạt khoảng 13.070,4 km2, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành. Phía đông Đắk Lắk giáp các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên; phía Nam giáp Lâm Đồng, Đăk Nông, phía Bắc giáp Gia Lai.
Với diện tích đạt khoảng 11.114,7 km2, Thanh Hóa nằm trong top 5 tỉnh thành có diện tích lớn nhất cả nước. Thanh Hóa giáp với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Ninh Bình.
Thanh Hóa nằm tại vị trí kết nối các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Thanh Hóa có 102 km đường bờ biển, có đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1A … Đây là tuyến đường thúc đẩy phát triển kinh tế, tài chính, vui chơi giải trí và các hoạt động liên quan đến du lịch.
Đứng thứ 6 trong danh sách các tỉnh, thành có diện tích lớn nhất Việt Nam là Quảng Nam. Cụ thể, Quảng Nam có diện tích đạt khoảng 10.574,9 km2. Về vị trí địa lý, Quảng Nam có phía Nam giáp Quảng Ngãi, Kon Tum, phía Bắc giáp Huế, Đà Nẵng, phía Đông giáp biển và phía tây giáp tỉnh Sekong. Nhờ vị trí địa lý thuận tiện, Quảng Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng.
Đứng thứ 7 là Lâm Đồng với diện tích đạt khoảng 9.781,2 km2. Lâm Đồng giáp Khánh Hòa về phía Đông Bắc, giáp Ninh Thuận về phía Đông; Đồng Nai, Bình Phước về phía Tây Nam; Bình Thuận về phía Nam và Đắk Lắk về phía Bắc.
Kon Tum có diện tích đạt khoảng 9.677,3 km2, xếp thứ 8 trong danh sách các tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam. Kon Tum có phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam và phía Tây giáp Lào.
Hầu hết tỉnh Kon Tum nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn nên địa hình khá phong phú. Cụ thể, Kon Tum có cao nguyên, đồi núi và vùng trũng xen kẽ nhau tạo nên những cảnh sắc khá phức tạp. Tuy có diện tích lớn nhưng mật độ dân số ở Kon Tum lại khá ít, chỉ khoảng 59 người/km2.
Với tổng diện tích đạt khoảng 9.539,9 km2, tỉnh Điện Biên có diện tích lớn thứ 9 ở Việt Nam. Phía Bắc Điện Biên giáp tỉnh Lai Châu; phía đông và đông bắc giáp tỉnh Sơn La.
Lai Châu là tỉnh có diện tích lớn thứ 10 ở Việt Nam, đạt khoảng 9.068,7 km2. Lai Châu là tỉnh có nhiều dãy núi và cao nguyên, phía đông là dãy Hoàng Liên Sơn, phía tây là dãy núi Sông Mã có độ cao 1.800 m. Tỉnh là vùng đất tập trung những đỉnh núi cao, Lai Châu có 8/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ. Ngoài ra, Lai Châu có nhiều dư địa để phát triển về thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch.
Minh Tiến