(Tổ Quốc) - Điều gì khiến những thực phẩm này trở nên đắt đỏ, chỉ người giàu mới có thể thưởng thức?
Một số người thích dành tiền để mua sắm sản phẩm từ những nhãn hiệu cao cấp. Những người khác thích tận hưởng kỳ nghỉ đắt tiền và ở trong khách sạn hạng sang. Bên cạnh đó, có người thích vung tiền vào các món ăn quý và xa xỉ.
1. Trứng cá muối Almas
Almas là trứng cá muối được tìm kiếm nhiều nhất do độ hiếm của nó. Trong tiếng Nga, "almas" có nghĩa là kim cương. Giá của nó gần như cao tương đương với loại đá quý. Một kg trứng cá muối Almas có giá 34.500 USD (gần 800 triệu đồng). Do vậy, trứng cá muối Almas không phải thứ có thể bán ở bất cứ đâu.
Món này được sản xuất từ trứng của con cá tầm bạch tạng beluga quý hiếm từ 60-100 năm tuổi, bơi ở phía nam Biển Caspi, nơi ít ô nhiễm. Những con dùng để lấy trứng thường nặng đến 900 kg.
Cây viết của Azureazure cho biết, có rất ít giống cá bạch tạng còn sót lại trong tự nhiên, do thiếu sắc tố melanin - chứng rối loạn di truyền chỉ ảnh hưởng đến một số thành viên trong loài. Điều này giải thích trứng của chúng lại trở thành món ăn tinh vi và đắt tiền nhất trên thế giới.
Trứng trắng được lấy từ những con sống hơn 100 năm. Khi cá già hơn, trứng của chúng có màu sắc đẹp, mịn, thơm và ngon hơn với kết cấu xốp hơn. Trứng cá muối Almas lớn, đường kính lên đến 2,5 mm và có hương vị thơm ngon tinh tế. Về hàm lượng calo, trứng cá muối Almas tốt hơn thịt và chứa nhiều protein, chất béo và muối khoáng.
Người sành ăn thường dùng trực tiếp trứng cá muối để cảm nhận hương vị nguyên bản, thay vì chế biến chúng. Almas thường được đặt trên đĩa thuỷ tinh, để duy trì nhiệt độ chính xác. Đĩa kim loại có thể tạo cảm giác xa xỉ. Song chúng làm mất hương vị đặc trưng của món ăn.
Trứng cá muối có 3 mức độ màu sắc: Đậm (0), trung bình (00) và sáng (000). Ảnh: Fine Dinning Lovers.
2. Nhuỵ hoa nghệ tây (Saffron)
Có nguồn gốc từ Trung Đông và có biệt danh là "vàng đỏ", nhuỵ hoa nghệ tây là loại gia vị đắt nhất trên thế giới. Loại saffron đắt nhất có giá 10.000 USD (gần 230 triệu đồng) cho mỗi kg.
Việc sản xuất nó đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và nhiều giờ làm việc thủ công. Người thợ cần chiết xuất nhụy hoa nhỏ từ mỗi bông crocus sativus, hay còn gọi là "nghệ tây crocus". 150 bông hoa chỉ tạo ra một gam nghệ tây khô. Ngoài ra, hoa Crocus chỉ có thể được hái vài tuần một năm vào mùa thu.
Người lao động có thể mất 40 giờ lao động chân tay nặng nhọc để sản xuất ra 1 kg saffron chất lượng cao. Để duy trì chất lượng tốt nhất, hoa nên được hái vào buổi sáng.
Việc trồng cây cũng không hề đơn giản. Bất chấp khối lượng công việc trồng cây tốn nhiều công sức, nhu cầu về loại gia vị này đang tăng lên và hơn 200 tấn saffron được thu hoạch trên toàn thế giới mỗi năm. Đó là kết quả của khoảng 30 tỷ bông hoa.
Nhuỵ hoa nghệ tây được lấy thủ công. Ảnh: Conde Nast Traveler.
3. Gà đen Ayam Cemani
Loại gà đen này có nguồn gốc từ Indonesia và được coi là một trong những mặt hàng thực phẩm đắt nhất thế giới hiện nay. Trong tiếng Indonesia, "ayam" có nghĩa là gà, còn "cemani" là hoàn toàn đen.
Gà có thể được mua với giá 5.000 USD (khoảng 115 triệu đồng)/2 con. Ngay cả gà Ayam Cemani mới đẻ một ngày có giá 200 USD (hơn 4,5 triệu đồng)/con.
Ngoại trừ máu, mọi thứ khác của loài gà này, từ lông đến thịt, lưỡi và nội tạng, đều có màu đen. Ayam Cemani có màu đen là do thừa sắc tố của các mô, gây ra bởi một tình trạng di truyền được gọi là chứng fibromelanosis. Nó được cho là có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị hấp dẫn.
Ảnh: The Happy Chicken Coop.
Ngoại trừ máu, toàn bộ con gà đều có màu đen. Ảnh: National Geographic.
4. Truffle trắng châu Âu
Nấm cục (truffle) trắng châu Âu là loại nấm có hương vị nồng nàn và hương thơm đặc biệt, được bán với giá 3.600 USD (trên 82 triệu đồng)/1 kg. Chúng được tìm thấy ở Italy và Pháp. Giá nấm cục tươi phụ thuộc vào cung và cầu tại bất kỳ thời điểm nào, loại nấm cục và chất lượng của sản phẩm. Nấm cục trắng được trồng ở miền Bắc Italy là đắt nhất và hương thơm của chúng sâu hơn.
Truffle là loại cây theo mùa, cực kỳ khó trồng và mất nhiều năm chăm bón. Chúng cũng có thời hạn sử dụng ngắn. Nấm cục đòi hỏi khí hậu đặc biệt cụ thể và cần nhiều cây sồi, đó là lý do chúng thường được tìm thấy trong rừng. Việc thu hoạch chúng có thể tốn nhiều công sức vì từng viên nấm phải được đào lên bằng tay. Nhiều quốc gia đã thử trồng nhưng không gặt hái được thành quả.
Nấm cục trắng cực kỳ khó trồng. Ảnh: NY Post.
5. Nấm Matsutake
Matsutake, hay nấm thông, cũng được xếp vào hàng những thực phẩm đắt nhất thế giới. Đặc biệt hiếm có và "mong manh", nó mọc ở Oregon, châu Á và Đông Âu, và mức giá có thể lên tới 1.000 USD (gần 23 triệu đồng) cho 1 kg.
Tuy nhiên, trong những năm qua, số lượng của Matsutake đã giảm do côn trùng xâm hại và cây cối lấn chiếm nơi chúng sinh trưởng. Loại nấm này cực kỳ hiếm và có thể biến mất hoàn toàn nếu tình trạng này không được cải thiện, vì không có cách nào để trồng Matsutake.
Matsutake khác với những loại nấm thông thường là chúng không thể được nuôi trồng nhân tạo, chỉ có các phương pháp hữu cơ được sử dụng để sản xuất chúng.
Nấm Matsutake xuất hiện trong các món ăn Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia.
6. Bò Wagyu
Các món ăn Nhật Bản có hương vị thơm ngon và bổ dưỡng. Song nhiều món ăn tại xứ mặt trời mọc có giá đắt đỏ, thịt bò Wagyu là một trong số đó. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn nổi tiếng với thịt bò Kobe.
Tất cả bò Kobe là bò Wagyu. Tuy nhiên, không phải bò Wagyu nào cũng là bò Kobe. Bò Kobe dùng để chỉ từ những con bò 28-60 tháng tuổi được sinh ra, lớn lên và giết mổ tại thành phố Kobe, tỉnh Hyōgo của Nhật Bản.
Thịt Kobe là loại thịt bò Wagyu từ giống bò Tajima, nổi tiếng là ngon nhất thế giới. Lớp vân trên thịt nhiều cho thấy độ mềm đặc biệt và hương vị đậm đà. Thịt bò Kobe được coi là loại thịt có nhiều vân cẩm thạch nhất trên thế giới, chứa đầy những vệt mỡ béo ngậy và có hương vị đậm đà nhất.
Mặt khác, bò Wagyu dùng để đề cập đến bò được nuôi theo kiểu Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, "wa" nghĩa là kiểu Nhật Bản, "gyu" có nghĩa bò hoặc gia súc. Bò Nhật Bản bao gồm bốn giống: bò lông đen, bò lông nâu, bò không sừng và bò sừng ngắn.
Nhiều người so sánh việc ăn thịt bò Nhật với một miếng cá nhỏ, vì nó dễ dàng tan chảy trong miệng. Thịt bò đắt do quy trình nuôi nghiêm ngặt mà gia súc phải chịu đựng và loại thức ăn đặc biệt mà chúng phải tiêu thụ. Vì tiêu chuẩn nghiêm ngặt, mỗi năm có 3.000-4.000 con đủ tiêu chuẩn là bò Kobe đích thực.
Thịt bò Wagyu cao cấp có thể được bán với giá 200 USD (hơn 4,5 triệu đồng) cho gần 500g, bản thân con bò có thể bán với giá 30.000 USD (gần 690 triệu đồng).
Kobe và Wagyu đều đem đến những miếng thịt mềm thơm ngon. Ảnh: All Recipes.
7. Đậu vani Madagascar
Đậu vani Madagascar không thực sự là loại đậu. Nó là quả hoặc vỏ hạt của loài phong lan vanilla planifolia. Đậu vani Madagascar được đánh giá cao trên toàn thế giới về hương vị và chất lượng.
Vanilla được trồng ở Madagascar được đánh giá cao về hương vị kem ngọt ngào mà không một loại đậu nào được trồng ở bất kỳ quốc gia nào khác sánh được. Hương vani Madagascar Bourbon đọng lại trong miệng, cho phép thực khách dễ dàng sử dụng nó trong các món ăn có hương vị mạnh mẽ khác.
Vài năm gần đây, giá của thực phẩm này vọt lên mức chưa từng có. Đậu vani Bourbon của Madagascar dành cho người sành ăn có giá hơn 600 USD (hơn 13,7 triệu đồng)/kg. Do cần nhiều lao động để trồng, thụ phấn, thu hoạch và chế biến vani, không có gì ngạc nhiên khi loại đậu này có giá đắt đỏ.
Đậu vani Madagascar được coi là tiêu chuẩn vàng cho chất lượng đậu vani trong thế giới gia vị. Ảnh: The Spcie House.
8. Cà phê Kopi Luwak
Kopi luwak là loại cà phê truyền thống của Bali (Indonesia), nổi tiếng với giá thành đắt đỏ.
Nó được làm từ những hạt cà phê do con cầy cọ châu Á ăn vào, tiêu hoá và thải ra. Hạt cà phê trong phân cầy sau đó được làm sạch và chế biến. Những người nông dân Bali đã quảng cáo trong nhiều thế hệ rằng phương pháp này tạo ra cà phê có hương vị ngon nhất.
Nếu muốn thưởng thức cà phê Kopi Luwak, thực khách cần chi trả 35-100 USD (từ 800.000 đồng đến gần 2,3 triệu đồng) cho một cốc, hoặc 100-600 USD (khoảng 2,3 triệu đồng đến gần 14 triệu đồng) cho chưa đầy 500g.
Cà phê Kopi Luwak được xếp hạng là cà phê đắt nhất thế giới. Ảnh: Getty.
9. Phô mai Moose
Loại phô mai này đến từ trang trại của Moose House ở Thụy Điển. Kết cấu mềm mại và hương vị hiếm có khiến nó trở thành một trong những mặt hàng thực phẩm có giá cao nhất trên toàn thế giới. Thực khách sẽ không tìm thấy loại pho mát này ở bất kỳ nơi nào khác ngoại trừ nơi xuất xứ.
Phô mai Moose được sản xuất với 5 lít sữa mỗi ngày. Nếu muốn mua, thực khách cần chi trả 500 USD (gần 11,5 triệu đồng) cho gần 500g.
Phô mai Moose. Ảnh: Wikiwand.
10. Thịt nguội Iberia
Thịt nguội của Vùng Iberia, hay Jamón Ibérico, là một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất ở Tây Ban Nha, đất nước được biết đến rộng rãi với nền ẩm thực tuyệt vời. Đồng thời nó nằm trong top những loại thịt đắt nhất thế giới. Một chiếc chân của nó có thể được bán với giá 4.500 USD (hơn 103 triệu đồng).
Lý do đầu tiên khiến nó có giá "trên trời" là thịt chỉ được sản xuất ở một số huyện nhỏ ở Tây Ban Nha và một số khu vực nhất định của Bồ Đào Nha. Lý do thứ hai là do việc nuôi những con lợn được giết mổ sau 15 tháng là cực kỳ đắt đỏ.
Phần lớn số lợn biến thành giăm bông Ibérico được nuôi thả rông, đòi hỏi không gian rộng rãi, do quy định cấm nuôi quá hai con lợn/ha đất nông nghiệp. Người sành sỏi cho biết giăm bông Ibérico thực sự phải đến từ những con lợn được nuôi theo chế độ ăn kiêng.
Thịt nguội Iberia đắt vì phải mất nhiều thời gian để sản xuất. Ảnh: Chef's Mandala.
11. Cá Fugu
Cá Fugu còn được gọi là cá nóc. Nó được coi là một trong những mặt hàng thực phẩm đắt tiền nhất trên toàn thế giới và được biết đến là loài cá nguy hiểm nhất.
Đáng chú ý, nếu không được chế biến đúng cách, việc tiêu thụ thịt của nó có thể gây tử vong và không có cách chữa trị cho chất độc của nó. Chỉ những đầu bếp có kinh nghiệm, được đào tạo và có giấy phép hành nghề mới được phép nấu và phục vụ loài cá này.
Mặt hàng thực phẩm này có thể khiến thực khách tiêu tốn 300 USD (gần 7 triệu đồng) cho mỗi con cá.
Nếu không chế biến đúng cách, cá Fugu có thể dẫn đến tử vong. Ảnh: The Teal Mango.
Theo The Teal Mango
Lam Phương