(Tổ Quốc) - Theo Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 7 tháng đầu năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/7/2022, tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đạt trên 15,54 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 5 thành phố trực thuộc TW, TP. HCM hút vốn FDI nhiều nhất với hơn 2,43 tỷ USD.
Hiện nay, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 51 tỉnh, thành trên cả nước trong 7 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 94,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Sau Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,43 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,68 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn và tăng gấp hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Top 10 tỉnh, thành thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong 7 tháng đầu năm 2022 gồm có: Bình Dương (2,6 tỷ USD), TP. Hồ Chí Minh (2,43 tỷ USD), Bắc Ninh (1,68 tỷ USD), Thái Nguyên (1,53 tỷ USD), Hải Phòng (1,02 tỷ USD), Hà Nội (0,83 tỷ USD), Bắc Giang (0,82 tỷ USD), Long An (0,59 tỷ USD), Đồng Nai (0,56 tỷ USD) và Nghệ An (0,52 tỷ USD).
Nếu xét về số dự án mới, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (40,2%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn, đạt 14,7%, chỉ xếp sau Hà Nội (17,8%).
Trong 5 thành phố trực thuộc TW, TP. HCM hút vốn FDI nhiều nhất với hơn 2,43 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 373 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 274,93 triệu USD, tăng 8,1% số dự án cấp mới .
Trong 7 tháng đầu năm 2022, TP. HCM có 85 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1,4 tỷ USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), giảm 13,3% về số dự án và tăng 169,4% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.
Đồng thời, thành phố cũng chấp thuận cho 1.405 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 749,41 triệu USD, giảm 2,3% về số trường hợp so với cùng kỳ, giảm 23,2% về vốn so với cùng kỳ.
Sau TP. HCM, Hải Phòng đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt trên 1,02 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến 15/7/2022, Hải Phòng có 45 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 678,99 triệu USD và 24 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 409,43 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đứng ở vị trí thứ 3 là Hà Nội với tổng vốn đăng ký đạt trên 826 triệu USD, trong đó có 185 dự án mới với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 125,4 triệu USD. Bên cạnh đó, Đà Nẵng thu hút được 106 triệu USD vốn FDI, cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký cấp mới là 67,53 triệu USD. Cần Thơ thu hút được 10,44 triệu USD vốn FDI, 1 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký cấp mới là 1,26 triệu USD.
Top 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng thu nhập bình quân trong 10 năm: Việt Nam xếp thứ mấy?
Minh Tiến