(Tổ Quốc) - Mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông nắm 51% cổ phần và Ban lãnh đạo OGC đã kéo dài cả năm 2021 dẫn đến không thể tiến hành tổ chức Đại hội cổ đông. Với những động thái mới, nhóm cổ đông đang có lợi hơn trước thềm Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của OGC.
Theo thông tin mới công bố, hàng loạt lãnh đạo của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Mã chứng khoán: OGC) vừa đăng ký giao dịch cổ phiếu OGC, đều trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 29/4/2022.
Cụ thể, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị OGC đăng ký bán ra toàn bộ 13,5 triệu cổ phiếu OGC, tương đương với 4,5% cổ phần doanh nghiệp mà ông đang sở hữu theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, ông Tùng không còn sở hữu cổ phần tại OGC.
Cùng chiều bán ra cổ phiếu còn có bà Nguyễn Hương Nga – Trưởng Ban kiểm soát, bà Nga đăng ký bán gần 8 triệu cổ phiếu OGC, tương đương với 2,65% cổ phần. Cùng với chị gái bà Nga là bà Nguyễn Minh Hạnh đăng ký bán 6,558 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,19% cổ phần. Hai chị em bà Nga đều thoái hết vốn tại OGC, phương thức giao dịch cũng là thỏa thuận.
Một lãnh đạo khác là Ông Lò Hồng Hiệp, hiện đang là Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của OGC đăng ký bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu OGC, tương ứng với 1% cổ phần.
Động thái trên diễn ra trước thềm Đại hội cổ đông dự kiến diễn ra ngày 29/4/2022. Dựa trên khoảng thời gian dự kiến giao dịch, nhóm lãnh đạo trên của OGC sẽ không còn nắm giữ cổ phần vào ngày Đại hội cổ đông.
Trước đó không lâu, vào ngày 21/2/2022, OGC mới công bố bãi nhiễm ông Nguyễn Giang Nam thôi giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn. Cộng thêm nhiều nhân sự chủ chốt thoái vốn gồm cả ông Nguyễn Thành Trung, người mà nhóm cổ đông sở hữu 51% từng yêu cầu bãi nhiệm. Có thể đoán được phần thắng cao của nhóm cổ đông lớn trong Đại hội cổ đông sắp tới của OGC.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu OGC đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng Ba, lên mức cao nhất trong vòng chục năm trở lại đây sau khi cổ đông chính và người sáng lập OGC là ông Hà Văn Thắm bị khởi tố năm 2014. Nhiều lệnh thỏa thuận khối lượng lớn cũng được thực hiện.
Biến động giá cổ phiếu OGC từ khi lên sàn (trái) và trong 6 tháng gần đây (phải)
Mâu thuẫn giữa Ban lãnh đạo Tập đoàn và nhóm cổ đông sở hữu 51% cổ phần
Được biết, trong giai đoạn tháng 10 – 11/2020, có một nhóm cổ đông đã thâu tóm khoảng 51% cổ phần của OGC và 22.3% cổ phần tại công ty con của OGC là CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (OCH).
Theo ước tính của DealStreetAsia theo mức vốn hóa của OGC và OCH, nhóm nhà đầu tư trên đã chi ra khoảng 50 triệu USD để mua cổ phần tại OGC và 20 triệu USD cho cổ phần tại OCH. Sau đó, nhóm cổ đông này đã uỷ quyền hoàn toàn cho IDS Equity Holdings (IDS) tất cả các quyền và nghĩa vụ với tư cách cổ đông OGC.
Vào tháng 12/2020, Ông Mai Hữu Đạt – Chủ tịch HĐQT OGC khẳng định các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát công ty do ĐHCĐ bầu ra với nhiệm kỳ là 5 năm (2019 – 2024) vẫn đang hoạt động bình thường theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định.
Ông Mai Hữu Đạt cũng cho biết, trong thời gian đó OGC đã nhận được một số thư đề nghị gặp mặt của IDS Equity Holdings (IDS). Ban Tổng giám đốc và Ban Kiểm soát của OGC đã gửi các công văn phản hồi có tính tích cực cho IDS để tiến hành các bước gặp mặt và trao đổi. Tuy nhiên theo phiếu lấy ý kiến của HĐQT OGC, Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT OGC đã từ chối gặp mặt IDS.
Do có nhiều bất đồng giữa nhóm cổ đông và ban lãnh đạo, năm 2021, OGC đã không thể tổ chức Đại hội cổ đông thường niên.
Đại hội cổ đông lần thứ 1 ngày 29/4/2021 diễn ra bất thành khi chỉ có sự tham gia của 13 cổ đông và đại diện ủy quyền, tương ứng hơn 171 triệu cổ phần, chiếm 57,02% số cổ phần có quyền biểu quyết, thấp hơn mức tối thiểu 65% để có thể tổ chức đại hội.
Ngay trước thềm ĐHCĐ 2021 lần 1, nhóm cổ đông ủy quyền cho IDS yêu cầu bổ sung thêm vào chương trình đại hội một số nội dung gồm yêu cầu HĐQT và Ban tổng giám đốc không được tiến hành chuyển nhượng cổ phần của OGC tại OCH và tăng số lượng thành viên HĐQT để nâng cao cơ hội phản biện trong việc ra quyết định của HĐQT.
Sáng ngày 29/10, OGC đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần 2, lần này số cổ đông tham gia đã đủ điều kiện tổ chức, tuy nhiên, việc phê duyệt chương trình đại hội đã không được thông qua với 59,5% biểu quyết tại đại hội không tán thành, điều này đồng nghĩa với việc đại hội lần 2 không thể tiến hành.
Nguyên nhân dẫn đến việc đa số phản đối chương trình đại hội là do HĐQT công ty đã không đưa vào chương trình họp các kiến nghị theo đề xuất của nhóm cổ đông lớn được đại diện bởi IDS Equity Holdings.
Theo đó, ngày 20/10/2021, IDS Equity Holdings đã có văn bản đề nghị bổ sung vào chương trình họp theo đúng và chính xác toàn bộ các nội dung đã được kiến nghị bổ sung từ ngày 22/04/2021 trước đó, đồng thời yêu cầu bãi nhiệm 02 thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Thành Trung và bà Nguyễn Mai Phương.
Tuy nhiên, OGC đã có văn bản chính thức gửi IDS Equity Holdings, phản hồi rằng: "Đại đa số thành viên HĐQT không tán thành thông qua việc bổ sung nội dung nói trên vào chương trình Đại hội đồng cổ đông".Việc HĐQT của OGC không thực hiện bổ sung nội dung được đa số cổ đông đề nghị vào chương trình họp cho thấy quyết định đi ngược lại của các thành viên hội đồng quản trị với quyết định của đa số những chủ sở hữu thật sự của công ty.
Tuy chưa rõ số cổ phần của ông Trung, bà Nga, bà Hạnh và ông Hiệp sẽ chuyển nhượng cho tổ chức hay cá nhân nào. Nhưng trước khi tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022, loạt thành viên chủ chốt trong ban lãnh đạo thoái vốn khiến cán cân chiến thắng đang nghiêng về phía nhóm cổ đông ủy quyền IDS.
Huyền Trang