(Tổ Quốc) - “Nâng cao năng lực Công nghệ” là một trong những sáng kiến trọng điểm để hướng tới Mục tiêu chiến lược và Kế hoạch kinh doanh trung hạn của ABBANK giai đoạn 2021 – 2025.
ABBANK cũng đã và đang đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong việc triển khai khung quản lý rủi ro tuân thủ theo quy định NNHN, đạt tiêu chuẩn Basel II/III ở các rủi ro trọng yếu … Đây chính là tiền đề quan trọng cho Ngân hàng xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh đảm bảo cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.
Hợp tác với McKinsey
Mới đây, ABBank và McKinsey đã công bố Dự án tư vấn "kiến trúc" chiến lược chuyển đổi ngân hàng số. Dự án nằm trong kế hoạch về chuyển đổi số của ngân hàng và là nền tảng trong chiến lược chuyển đổi của ABBANK, được triển khai toàn diện trong các hoạt động của hệ thống bao gồm Quản trị và Vận hành, Phát triển khách hàng và sản phẩm dịch vụ mới, Quản lý, phân tích cơ sở dữ liệu.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, McKinsey Việt Nam thuộc tập đoàn tư vấn quản lý toàn cầu, sẽ đánh giá hiện trạng, mức độ sẵn sàng về công nghệ của ABBANK. Dựa trên cơ sở năng lực tài chính, McKinsey sẽ đưa ra thiết kế kiến trúc công nghệ và lộ trình thực hiện để giúp ABBANK đạt được mục tiêu chiến lược trung hạn và dài hạn của mình.
Dựa trên đánh giá tác động Thị trường, phân tích xu thế, nhu cầu khách hàng và chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, ABBANK xác định đầu tư cho chuyển đổi số nhằm đạt các mục tiêu: (1) Mở rộng năng lực phục vụ khách hàng, đi kèm với giảm thiểu quy trình, chi phí hoạt động, từ đó giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng; (2) Từng bước chuyển dịch phục vụ khách hàng qua kênh Online thông qua kế hoạch xây dựng VTM: Video teller machine, app tài chính, qua đó giúp nâng cao trải nghiệm và tiếp cận với đa số khách hàng, khuyến khích khách hàng ở vùng sâu vùng xa tiếp cận với các dịch vụ tài chính.
Dự án đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng về Công nghệ trên 5 phương diện: Kiến trúc công nghệ và dữ liệu; Kỹ thuật phần mềm; Vận hành và hỗ trợ CNTT; Quản trị Agile; Tài năng thế hệ tiếp theo và tìm đối tác cung cấp. Từ đó, ABBANK xác định được khoảng cách chính về mức độ phát triển công nghệ, năng lực và tài chính, đưa ra thiết kế ban đầu của kiến trúc công nghệ và xác định các sáng kiến ưu tiên triển khai.
Ông Marco Breu - Giám đốc Hợp danh của McKinsey Việt Nam trong khi đó chia sẻ: "Lĩnh vực ngân hàng Việt Nam sẽ thay đổi rất nhanh trong thời gian tới, đặc biệt là tác động bởi dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, xu hướng sử dụng dịch vụ chuyển sang online không chỉ riêng Việt Nam mà là trên khắp thế giới. Vì thế, mỗi ngân hàng sẽ phải thực sự hiểu họ cần phải phục vụ khách hàng như thế nào và thay đổi gì về sản phẩm - dịch vụ để nhắm tới nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Tôi đánh giá ABBANK với định hướng rất đúng của Hội đồng Quản trị sẽ có rất nhiều cơ hội bứt phá trong thời gian tới bằng việc tăng cường tương tác giữa con người và công nghệ".
Tổng Giám đốc ABBANK – ông Lê Hải nhận định: "Dự án Tư vấn chiến lược Công nghệ thông tin tại ABBANK là một trong những dự án quan trọng, cụ thể hóa các mục tiêu đột phá của ABBANK giai đoạn 2021 – 2025. Tôi tin rằng, sự hợp tác với đối tác tư vấn hàng đầu thế giới sẽ giúp ABBANK sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số. Từ đó nâng cao năng lực quản trị - vận hành của ngân hàng, mang tới trải nghiệm tiện lợi cho khách cũng như CBNV ABBANK trong công tác giao dịch, phục vụ khách hàng."
Số hoá toàn diện
Chương trình số hóa của ABBANK sẽ triển khai có lộ trình theo nhiều cấu phần, hướng đến mục tiêu để khách hàng có trải nghiệm tốt và an toàn khi sử dụng sản phẩm – dịch vụ. Ngoài ra, chỉ số đánh giá sự thành công về số hoá ngân hàng đó là số hoá nội tại nhiều quy trình của ngân hàng. Các nội dung chính yếu trên luôn gắn với chiến lược 5 năm tới tập trung hoá hoạt động vận hành và tự động hóa các quy trình để làm sao khi khách hàng vào trải nghiệm dịch vụ thì sẽ được trải nghiệm một cách nhanh nhất các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất thông qua các nền tảng được lựa chọn, đầu tư bài bản về mặt công nghệ, quản trị và ứng dụng công nghệ.
Đối với khách hàng: Sẽ thực hiện Phát triển ngân hàng online, bao gồm cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử trọn gói như Gửi tiền, thanh toán hóa đơn, Vay online, Thẻ điện tử…Thêm vào đó sẽ chú trọng tính tới Loyalty của Khách hàng thông qua việc xây dựng công cụ tính toán nhằm tính toán sát hơn, đa chiều hơn, dựa trên nhiều chỉ số để xác định mức độ thường xuyên sử dụng sản phẩm dịch vụ của khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ hướng tới trải nghiệm khách hàng hợp kênh (Omni channel).
Ngoài ra, chiến lược trọng tâm trong 5 năm tới của ABBANK là bán lẻ, một trong số đó là thu hút và khai thác sâu phân khúc khách hàng VIP. Nâng cao trải nghiệm cho Khách hàng Priority là mục tiêu ABBANK cần nhanh chóng kiện toàn khung chính sách và chất lượng dịch vụ chuyên biệt. Và để cạnh tranh với các đối thủ, thì đầu tư về công nghệ bài bản, nhanh chóng và phù hợp xu thế là cơ hội để bứt tốc.
Sản phẩm ABBANK Visa Priority với đặc quyền dành riêng cho khách hàng ưu tiên.
Đối với nội bộ ngân hàng, các công cụ hỗ trợ về công nghệ trong công tác vận hành giúp CBNV hiểu rõ về nhu cầu của khách hàng, tự động hóa các công tác vận hành – đơn giản và rút ngắn thời gian phục vụ, từ đó có thêm thời gian và nhiều thông tin để chăm sóc sự trải nghiệm của khách hàng tốt hơn. Bên cạnh đó sẽ xây dựng kho dữ liệu tập trung, áp dung công cụ phân tích và nhận diện khách hàng là bước đi chiến lược, quyết định để tạo lợi thế trong hoạt động Quản trị khách hàng và Phát triển sản phẩm/ dịch vụ.
ABBANK cho biết, dựa trên tư vấn của McKinsey trong dự án tư vấn lần này, Ngân hàng sẽ xác định mức độ đầu tư và các thứ tự ưu tiên trong việc phát triển và kiện toàn bộ máy CNTT, phù hợp với nội tại, tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược của ngân hàng. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Ban lãnh đạo ABBANK có cái nhìn tổng quan và rõ ràng hơn trong công tác hoạch định chiến lược kinh doanh dài hạn và từng bước tiệm cận với quy chuẩn quản trị và vận hành của các định chế tài chính quốc tế.
Mục tiêu đột phá vào năm 2025
Trong những năm qua, ABBANK đã rất chủ động và chú trọng đầu tư để triển khai đẩy mạnh Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động ngân hàng. Về công tác Bán hàng, ABBANK đã cải tiến hệ thống LOS trên cơ sở tinh gọn quy trình và mẫu biểu; Triển khai bán hàng qua các kênh số và các sản phẩm số (eKYC, vay qua ứng dụng, mở thẻ qua ứng dụng - Applications…); Phát triển hệ thống quản lý số liệu kinh doanh tự động – realtime…Về công tác Thẩm định & phê duyệt, đã thực hiện tinh gọn mẫu biểu để tự động hóa một số khâu trong quy trình; Xây dựng hệ thống chấm điểm xếp hạng tín dụng tự động tiến đến phê duyệt tự động một số sản phẩm đục lỗ; Xây dựng phần mềm kho giá…Về công tác Vận hành, đã thực hiện cải tiến phần mềm Smartform, hệ thống quản lý quỹ tiền mặt… Có phần mềm theo dõi và đưa ra khuyến nghị để hỗ trợ kinh doanh,; Tự động hóa báo cáo quản lý danh mục; Tích hợp phê duyệt Voffice, Eoffice và DMS …
Đặc biệt, ABBANK là ngân hàng tiên phong cung cấp sản phẩm Tài khoản số đẹp theo tên người dùng. Khách hàng của ABBANK có thể dễ dàng tự mở tài khoản có tên theo các định dạng chữ và số tùy thuộc nhu cầu và sở thích của mình.
ABBANK đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để mang tới trải nghiệm thuận tiện nhất cho khách hàng.
ABBANK đã tích hợp nhiều tính năng ưu Việt và thân thiện người dùng trên ứng dụng ngân hàng số AB Ditizen như: Tạo tài khoản bằng hình thức định danh trực tuyến (eKYC); Tích hợp thẻ thanh toán quốc tế điện tử trên ứng dụng; Vay online dễ dàng; Lựa chọn tài khoản số đẹp online… Sau hơn 1 năm ra mắt ứng dụng, ABBANK đã nhận về doanh thu hơn 100 tỷ đồng từ AB Ditizen, thu hút thêm vài trăm khách hàng mới, bổ sung vào số lượng khách hàng đang tăng lên nhanh chóng của Ngân hàng.
Theo ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBANK, An Bình hiện đã có những đột phá về số hoá chẳng hạn tập trung hoá hoạt động kho quỹ, ứng dụng công nghệ vào, dẫn đến lượng tiền tồn quỹ trong An Bình giảm đi khoảng 20% (mục tiêu giảm 40%); toàn bộ hoạt động kiểm soát được IT hoá, dẫn đến việc kiểm soát về luồng tiền mặt sẽ tốt và tối ưu cho ngân hàng. An Bình đã xây dựng được hệ thống smart form: Trước đây khi khách hàng vào quầy phải vào điền giấy rất nhiều, nhưng hiện tại đã có form điện tử để khách hàng khai thác combo sản phẩm, ngân hàng ứng dụng công nghệ vào để nhận diện khách hàng thông qua hình ảnh dẫn tới thời gian, tốc độ xử lý nhanh hơn, giúp giảm chi phí. Bên cạnh đó, quy trình tín dụng được IT hoá, tất cả các bước, các khâu luân chuyển chứng từ được nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí và hiệu quả hơn, con người ở đâu đều xử lý được hồ sơ đó.
Theo chiến lược và mục tiêu đã đề ra, tới năm 2025, ABBANK kỳ vọng thu hút 3 triệu khách hàng bán lẻ; Cơ chế quản trị doanh nghiệp hiện đại, duy trì và luôn nâng cao năng lực quản trị - điều hành đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, trong định hướng phát triển bán lẻ 5 năm tới, ABBANK cũng sẽ triển khai các hoạt động nhằm thu hút và mở rộng các tập khách hàng, nhằm đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng./.
Ánh Dương