Các ngân hàng Việt Nam đang ngày càng nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt tập trung nâng cao hiệu quả quản trị để hoạt động an toàn hơn.
ACB – một ngân hàng có thâm niên 30 năm đã thể hiện mô hình quản trị rủi ro vô cùng hiệu quả của mình khi liên tiếp đạt nhiều chứng chỉ uy tín từ các tổ chức quốc tế.
Ngày 16/3 vừa qua tại Khách sạn Lotte Hà Nội, nhà băng này đã được The Asian Banker vinh danh tại hạng mục "Best Enterprise Risk Management In Vietnam" – Ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất Việt Nam 2022.
Được thành lập năm 1996, The Asian Banker là tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng đầu trong lĩnh vực tài chính của châu Á. Năm 2022, The Asian Banker đã đánh giá chi tiết hiệu quả hoạt động hơn 100 tổ chức tài chính bán lẻ trong khu vực theo những tiêu chí chuyên biệt. Chương trình cũng kết hợp đánh giá trải nghiệm khách hàng của Khảo sát chất lượng người tiêu dùng và xếp hạng ngân hàng bán lẻ của The Bank Quality với sự tham gia của hơn 11.000 người tại 11 thị trường tại châu Á.
The Asian Banker đánh giá cao ACB với những lợi thế vượt trội về mô hình quản trị rủi ro, có tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động ngân hàng. Cụ thể, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã nâng xếp hạng hỗ trợ Chính phủ (GSR) của ACB từ mức "b" lên "b+" và khẳng định xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (Long term IDR) ở mức BB- nhờ chiến lược quản trị rủi ro của ACB, với chất lượng tài sản tốt hơn so với toàn ngành. ACB duy trì tỷ lệ nợ xấu (NPL) ở mức dưới 1% liên tục trong 7 năm liền và tỷ lệ bao phủ nợ xấu luôn ở mức cao, đạt 159% cuối năm 2022. Tỷ lệ an toàn vốn tăng từ 11,2% (năm 2021) lên 12,8% (năm 2022), cao hơn nhiều so với mức quy định của NHNN. Có thể thấy ACB luôn duy trì khẩu vị rủi ro chặt chẽ, đôi khi được đánh giá khá bảo thủ nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Việc thận trọng trong các hoạt động đã giúp ACB phản ứng nhanh với các rủi ro ngắn hạn, định hướng tốt hơn cho các rủi ro trong thời gian từ 03 - 05 năm và có khả năng đánh giá tác động của những thay đổi có thể xảy ra trong vòng 10 - 20 năm tiếp theo. Đây cũng là điểm mà ACB được The Asian Banker đặc biệt đánh giá cao nhất trong bối cảnh ngân hàng tại Việt Nam còn nhiều biến động.
Gần đây, ACB cũng đã công bố thông tin về việc hoàn thành triển khai các nội dung trọng yếu ILAAP và chuẩn mực Basel III, một trong những chuẩn mực yêu cầu cao về vốn và quản trị rủi ro thanh khoản.
Điều này giúp cải thiện khả năng chống chịu trước những rủi ro hệ thống, xử lý khủng hoảng tài chính cũng như cho phép ACB linh hoạt điều chỉnh và tối ưu hóa phương án tăng vốn khi có nhu cầu và chủ động phương án để ứng phó trong điều kiện liên quan đến rủi ro thanh khoản.
Ông Võ Văn Hoàng – Giám đốc Quản lý rủi ro (CRO) – đại diện ACB lên nhận giải cũng chia sẻ: "Chúng tôi luôn cân bằng giữa mục tiêu về an toàn hoạt động với mục tiêu tăng trưởng kinh doanh. ACB đang tích hợp số hóa trong mô hình quản trị rủi ro của ngân hàng và đạt được một số thành công ban đầu. Ứng dụng dữ liệu và công nghệ hiện đại trong quản trị rủi ro để chuẩn bị cho tương lai luôn là trọng tâm và bao gồm số hóa các quy trình phát hành bảo lãnh, sử dụng công nghệ học máy, quản lý rủi ro mô hình và các rủi ro mới nổi (emering risks) khác..."
Báo cáo của McKinsey đánh giá, đến năm 2025 các chức năng rủi ro của ngân hàng sẽ khác biệt cơ bản so với trước đây. ứng dụng kỹ thuật số vào các phương pháp quản trị rủi ro hiện tại có thể làm giảm chi phí vận hành hoạt động quản trị rủi ro từ 20 - 30%. Trên góc độ tương lai về quản trị rủi ro, ACB đang xem xét và xây dựng các mô hình quản lý rủi ro phù hợp cho việc quản lý và giám sát hiệu quả rủi ro về tài sản số trong công cuộc chuyển đổi số, quản lý những rủi ro phát sinh từ sản phẩm công nghệ số của ngân hàng.