AEON MALL và chiến lược đi “xuyên dịch bệnh” tại Việt Nam

(Tổ Quốc) - Nhà phát triển trung tâm thương mại (TTTM) lớn từ Nhật Bản đang mở rộng kế hoạch đầu tư tại thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng đây là bước đi hết sức chắc chắn của các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, có khả năng được duy trì, bất chấp tác động của dịch Covid-19.

Người rút đi, người mở rộng

Kinh doanh khó khăn do dịch Covid-19, hàng loạt nhãn hiệu di dời, phải trả lại mặt bằng, khiến nhiều TTTM tại Hà Nội và TP.HCM vắng vẻ hơn bao giờ hết.

Theo CBRE Việt Nam, đến cuối năm 2020, nguồn cung mặt bằng bán lẻ của Hà Nội đạt 1.050.000m2, tăng 4% so với năm 2019. Tuy nhiên, tại khu vực trung tâm, tỷ lệ trống tăng 12,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 14,3% - cao nhất kể từ năm 2011.

Tại một số TTTM khu vực quận Thanh Xuân, Cầu Giấy - Hà Nội, hàng loạt mặt bằng đang bị bỏ ngỏ, nhiều thương hiệu đã "rút lui", số còn lại đa phần đều trong tình trạng ế ẩm, ít khách. Có TTTM đã ghi nhận trống tới khoảng 80% mặt bằng.

Cảnh đìu hiu này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn diễn ra tại hầu hết các TTTM khác trên thế giới, do sự "tàn phá" của dịch bệnh.

Theo khảo sát của Coresight Research, 25% trung tâm mua sắm trên khắp nước Mỹ sẽ phải đóng cửa trong vòng 3 - 5 năm tới, nếu đại dịch Covid-19 không được khống chế hoàn toàn. Hiện nước Mỹ có khoảng 1.000 TTTM, và các cửa hàng bán lẻ trong các trung tâm mua sắm lớn này đều ế ẩm.

AEON MALL và chiến lược đi “xuyên dịch bệnh” tại Việt Nam - Ảnh 1.

Cảnh ảm đạm tại trung tâm thương mại Burlington ở bang Massachusetts, Mỹ. Nguồn ảnh: Internet.

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp ngoại, đặc biệt là các "ông lớn" đến từ Nhật Bản vẫn xem thị trường bán lẻ Việt Nam là mảnh đất giàu tiềm năng cần khai phá.

Dẫn chứng cho nhận định này, có thể thấy, khi đại dịch bùng phát vẫn có những TTTM thu hút được lượng khách hàng lui tới mua sắm, sử dụng dịch vụ khá đông. Chẳng hạn như hệ thống AEON MALL, trong năm 2020, chuỗi TTTM này đã khai trương cơ sở mới tại quận Lê Chân, TP. Hải Phòng.

Chưa hết, ngay trong làn sóng dịch thứ 3 và 4 của năm 2021, AEON MALL còn lần lượt ký biên bản ghi nhớ tại nhiều địa phương trên lãnh thổ Việt Nam như Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh và Đồng Nai.

Trong đó, tại Thừa Thiên Huế, AEON MALL dự kiến đầu tư khoảng 150 -160 triệu USD để xây dựng một TTTM. Còn theo biên bản ghi nhớ với tỉnh Bắc Ninh, AEON MALL sẽ nghiên cứu đầu tư dự án TTTM quy mô lớn với tổng số vốn đầu tư dự kiến 190 triệu USD, triển khai xây dựng vào năm 2022.

AEON MALL và chiến lược đi “xuyên dịch bệnh” tại Việt Nam - Ảnh 2.

Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa AEONMALL Việt Nam và UBND Tỉnh Bắc Ninh. Nguồn ảnh: AEONMALL Việt Nam (Ảnh chụp trước 01/04/2021)

Theo ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng giám đốc AEONMALL Việt Nam, trong làn sóng Covid-19, AEON MALL cũng gặp nhiều khó khăn, lượng khách bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa, giãn cách xã hội.

Hiện, AEON MALL đã có gần 200 TTTM trên toàn thế giới, nhưng tại khu vực ASEAN thì nhà phát triển TTTM này hiện đang vận hành 6 TTTM tại Việt Nam, còn tại Campuchia là 2 và Indonesia là 3 TTTM. Như vậy có thể thấy, trong khi tại quốc gia phát triển khác thị trường đã đi vào bão hoà thì tại các nước đang phát triển, tiềm năng vẫn còn rất lớn.

Ngạc nhiên với tốc độ hồi phục

"Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi số lượng khách quay lại các TTTM AEON MALL tại Việt Nam có tốc độ hồi phục nhanh nhất trong số các quốc gia mà chúng tôi đang kinh doanh. Việt Nam có dân số trẻ, nhịp sống sôi động, người dân nhanh chóng thích nghi với cuộc sống bình thường mới, đảm bảo an toàn giúp duy trì lối sống cộng đồng với nhu cầu vui chơi giải trí cao. Đây là điều mà bạn khó tìm thấy ở Nhật Bản", đại diện AEONMALL Việt Nam cho biết.

Vị đại diện này cũng chia sẻ thêm: "Từ cuối năm 2020, lần đầu tiên chúng tôi triển khai hình thức bán hàng qua livestream. Chương trình được triển khai tại tất cả các TTTM của AEON MALL trên toàn quốc. Chúng tôi hợp tác với các gian hàng tại TTTM, giới thiệu và bán các sản phẩm với hình thức mới, sau đó vận chuyển đến tận tay khách hàng. Đây là một trong những nỗ lực thay đổi để thích nghi giúp khách hàng mua sắm thuận tiện hơn của AEON MALL".

AEON MALL và chiến lược đi “xuyên dịch bệnh” tại Việt Nam - Ảnh 3.

Hình ảnh 1 buổi livestream bán hàng được thực hiện tại TTTM AEON MALL. Nguồn ảnh: AEONMALL Việt Nam (Ảnh chụp trước ngày 01/04).

Bước đi của AEON MALL cho thấy đơn vị này đã có sự biến đổi khá linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để "sống chung với dịch bệnh".

Theo báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán BSC, thương mại điện tử là một trong những "cứu cánh" của ngành bán lẻ trong thời kỳ đại dịch, trong đó hình thức bán hàng qua phát trực tiếp (livestream) được đánh giá là xu hướng bán hàng "hot" nhất hiện nay, khi mang về những khoản lợi nhuận khủng cho nhiều cá nhân và tổ chức.

Tại Việt Nam, livestream bán hàng những năm qua cũng có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bắt đầu bùng phát từ hồi tháng 3/2020 đến nay. Và đó cũng là phương án mà các nhà bán lẻ tầm cỡ lựa chọn để đi xuyên qua dịch bệnh.

Và trong khi các giải pháp bán hàng trực tuyến được áp dụng để duy trì doanh số bán hàng, gia tăng thêm sự thuận tiện trong dịch vụ để định vị thương hiệu trong lòng công chúng, thì chiến lược hình thành các TTTM lớn tiếp tục được triển khai, với tốc độ không đổi.

Dường như, thương hiệu TTTM lớn của Nhật Bản hiểu rằng, đón sóng hồi phục sau đại dịch thậm chí còn quan trọng hơn cả tồn tại qua đại dịch. Và họ đang chuẩn bị quá tốt cho điều đó./.

Ánh Dương

Tin mới