(Tổ Quốc) - Liên tục đón nhận các giải thưởng uy tín quốc tế trong lĩnh vực du lịch-nghỉ dưỡng trong vài năm trở lại đây, du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế. Nhận diện điểm đến Việt Nam trên phạm vi toàn cầu cũng bởi thế được gia tăng mạnh mẽ hơn.
"Phủ sóng" điểm đến Việt Nam trên thế giới
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trên mọi lĩnh vực bởi đại dịch Covid-19, các nước đều tập trung nguồn lực để quảng bá hình ảnh đất nước, con người bằng hình thức trực tuyến. Một lượng thông tin khổng lồ của các quốc gia được cung cấp cho khách du lịch trên không gian mạng để quảng bá, xúc tiến du lịch và sẵn sàng cho việc mở cửa quốc tế trở lại.
Mới đây, với việc được xướng tên tại nhiều hạng mục trong khuôn khổ Giải thưởng Du lịch thế giới -World Travel Awards (WTA) 2020 và WTA 2020 khu vực châu Á, lợi thế và cơ hội của Việt Nam lại được nhân lên và độ "phủ sóng" của điểm đến Việt Nam càng thêm mạnh mẽ. Các giải thưởng quốc tế uy tín cũng giống như chỉ dẫn hoặc bảo chứng đáng tin cậy khi đánh giá về một điểm đến hay một thương hiệu nào đó. Tại Lễ trao giải WTA 2020 thế giới, Việt Nam xuất sắc đạt hàng chục giải thưởng, trong đó có giải "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới".
Đáng chú ý hơn, bên cạnh các danh hiệu dành cho điểm đến quy mô quốc gia, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đạt được hàng loạt giải thưởng cho thấy du lịch Việt Nam đã khẳng định được chất lượng, vị thế và thương hiệu trong khu vực. Các công trình nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí của Tập đoàn Sun Group tiếp tục khẳng định đẳng cấp với 10 giải thưởng thế giới tại WTA 2020 và hơn 20 giải WTA 2020 khu vực châu Á. Trong đó giải thưởng Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường hàng đầu thế giới 2020 thuộc về InterContinental Danang Sun Peninsula; Khu nghỉ dưỡng Tiệc cưới xa xỉ hàng đầu thế giới dành tặng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay; Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới và Điểm du lịch có phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới được trao cho Sun World Fansipan Legend…
Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines được tôn vinh là "Hãng hàng không Văn hóa hàng đầu thế giới", công ty du lịch Vietravel được trao giải "Nhà điều hành tour theo nhóm hàng đầu thế giới" và Sân bay quốc tế Vân
Đồn của Sun Group cũng được trao giải "Sân bay khu vực hàng đầu thế giới".
Làm sao để giữ vững "lợi thế cạnh tranh"?
Những giải thưởng danh giá do các tổ chức quốc tế uy tín trao tặng cho du lịch Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp du lịch nói riêng, mà còn khẳng định năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã ngày càng thăng hạng. Việc nhận những giải thưởng danh giá như WTA được ví như "giải Oscar" trong lĩnh vực du lịch thế giới là niềm tin để doanh nghiệp du lịch Việt Nam mạnh dạn cạnh tranh sòng phẳng, khi bước ra sân chơi lớn của thế giới.
Tuy nhiên, làm thế nào để giữ vững các giải thưởng và liên tục thăng hạng ở những năm tiếp theo; thu hút khách đi du lịch Việt Nam nhiều hơn; khiến du khách thực sự hài lòng, sẵn sàng quay trở lại và giới thiệu thêm nhiều bạn bè khác tới Việt Nam là việc không hề dễ và cần phải có sự nỗ lực của nhiều bên.
Ở phía doanh nghiệp, chúng ta cần cung cấp được những dịch vụ chất lượng và trải nghiệm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách. Ở phía chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng cần tạo điều kiện để những nhà đầu tư có tâm, có tầm, có chiến lược dài hơi, phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững như Sun Group, Vingroup, Vietravel... đầu tư những dự án "ra tấm ra món" ở những nơi tiềm năng lớn, dư địa phát triển nhiều. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể hướng tới các danh hiệu cao quý hơn.
Tàu hỏa leo núi Mường Hoa - Sun World Fansipan Legend
Phát biểu gần đây tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc tại Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và dẫn dắt trong phát triển du lịch bền vững, còn tổ chức là doanh nghiệp và nhân dân. Nếu chỉ cậy nhờ vào nguồn vốn nhà nước để đầu tư cho hạ tầng du lịch và làm ra sản phẩm du lịch là khó có thể phát triển được". "Thực tiễn đã chứng minh, địa phương nào tìm được nhà đầu tư chiến lược thì sản phẩm du lịch sẽ hoàn thiện, địa chỉ du lịch sẽ rõ ràng. Những minh chứng vừa qua cho thấy các tập đoàn Sun Group, Vingroup, FLC Group… đi đến địa phương nào tạo ra các khu nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch ở địa phương đó, thậm chí làm thay đổi diện mạo cả những vùng đất vốn rất nghèo khổ."- Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn chứng.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Chí Dũng-Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết: "Số lượng doanh nghiệp đầu tư du lịch, thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang rất lớn. Đặc biệt là tại đảo ngọc Phú Quốc, có những doanh nghiệp nguồn lực rất mạnh, tính chuyên nghiệp cao, tầm cỡ thế giới như: Sun Group, Vingroup, BIM Group, CEO Group… đầu tư các dự án lớn: JW Marriott, Intercontinental, Novotel… Chính những nhà đầu tư này đã giúp cho diện mạo của du lịch Kiên Giang thay đổi từng ngày, giải quyết lượng lao động lớn của địa phương. Nhờ hạ tầng du lịch được đầu tư mạnh mẽ, tính chuyên nghiệp được nâng lên, chất lượng dịch vụ cao đã tạo niềm tin cho du khách, thu hút được những thị trường khách chi trả cao, lưu trú dài ngày".
Định hướng đúng đắn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự năng động của chính quyền địa phương trong cách làm du lịch, sự hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn có tâm và có tầm, đó có lẽ là công thức thành công đã được chứng minh thời gian qua, ở nhiều điểm đến và chắc chắn, công thức đó cũng sẽ tiếp tục làm nên vị thế mới ngày càng sáng rạng cho du lịch Việt Nam, trên trường quốc tế.
Ánh Dương