(Tổ Quốc) - Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) cho thấy có đến 3 tỉnh miền Tây thuộc top 5 tỉnh, thành có chi phí sống rẻ nhất Việt Nam.
Theo báo cáo SCOLI 2022, Quảng Trị là địa phương có chi phí sống rẻ nhất Việt Nam. Cùng với Quảng Trị, top 5 tỉnh thành sống chi phí sống rẻ nhất Việt Nam còn có Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng và Nam Định. Như vậy, top 5 tỉnh thành sống chi phí sống rẻ nhất Việt Nam có đến 3 tỉnh thuộc khu vực miền Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long).
Cụ thể, Bến Tre và Trà Vinh với chỉ số SCOLI năm 2022 cùng bằng 86,89%. So với Hà Nội, giá bình quân các nhóm hàng của Bến Tre ở mức 71,53%-103,55%; giá bình quân các nhóm hàng của Trà Vinh ở mức 71,75%-105,91%. Tiếp theo là Sóc Trăng, với chỉ số SCOLI bằng 87,34% với giá bình quân các nhóm hàng ở mức 62,11%-98,92% so với Hà Nội.
Theo thông cáo báo chí do Tổng cục Thống kê ban hành, kết quả biên soạn chỉ số SCOLI năm 2022 cho thấy, vùng Đồng bằng sông Hồng có chỉ số SCOLI cao nhất, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số SCOLI thấp nhất, chỉ bằng 94,85% vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tại Tây Nam Bộ, có 6 nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn mức giá bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng. Cụ thể: Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép bằng 87,31%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 90,96%; giao thông bằng 95,98%; hàng hóa và dịch vụ khác bằng 97,96%; giáo dục bằng 98,27%; bưu chính, viễn thông bằng 99,29%.
Tổng cục Thống kê nhận định: “Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước chủ yếu do đây là vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức giá thấp”.
Kinh tế của ba tỉnh miền Tây thuộc top chi phí sống rẻ nhất
Trên bản đồ, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng là ba tỉnh kề bên nhau, hướng mặt ra Biển Đông; trong đó Trà Vinh nằm giữa hai tỉnh còn lại. Quốc lộ 60 là tuyến đường huyết mạch nối ba tỉnh. Bến Tre và Trà Vinh cách nhau bởi sông Cổ Chiên (đi qua cầu Cổ Chiên). Còn Trà Vinh và Sóc Trăng cách nhau dòng sông Hậu, đi qua hai phà An Thạnh 1 và Đại Ngãi (có một đoạn đường bộ đi qua Cù Lao Dung giữa sông Hậu).
Ba tỉnh này có cơ cấu nền kinh tế khá tương đồng, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng khá, dịch chuyển dần sang công nghiệp - dịch vụ. Cụ thể, trong năm ngoái, Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn Trà Vinh theo giá hiện hành ước thực hiện 72.441 tỷ đồng; trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 21.944 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đạt 23.608 tỷ đồng; dịch vụ đạt 22.475 tỷ đồng; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 4.413 tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2022 ước tính tăng 3,45% so với cùng kỳ năm 2021. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,29%; khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 4,93%; khu vực dịch vụ tăng 15,67%.
Khu vực dịch vụ của Trà Vinh tăng từ 29,25% năm 2021 lên 31,03% năm 2022; khu vực công nghiệp và xây dựng do sản lượng điện than sụt giảm mạnh nên chỉ tăng nhẹ từ 32,58% tăng lên 32,59%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 31,79% xuống 30,29%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 49.191 tỷ đồng, tăng 56,53% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo số liệu của Cục Thống kê Bến Tre, GRDP cả năm 2022 của tỉnh này ước tăng 7,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ phục hồi khá tốt sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, khu vực công nghiệp xây dựng đạt mức tăng 12,72%; khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 9%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 3,27%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Bến Tre ước đạt 57.036 tỷ đồng, tăng 15,1% so cùng kỳ và đạt 101,85% kế hoạch. Ước cả năm 2022, tổng số lượt khách du lịch lữ hành ước 554.734 lượt, tăng 252,13% so cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước 66,87 tỷ đồng, tăng 211,79% so cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 theo giá so sánh 2010 ước đạt 38.509 tỷ đồng, tăng 7,71% so với năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,07%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 11,13%; khu vực dịch vụ tăng 11,56%...
Cơ cấu kinh tế của Sóc Trăng có sự chuyển dịch theo hướng tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 54.857.000 đồng (tăng 6,9 triệu đồng so với năm 2021). Ước vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 23.175 tỷ đồng, tăng 22,14% so với năm trước.
Dy Khoa