(Tổ Quốc) - Năm 2021 là phép thử các doanh nghiệp trong việc nỗ lực duy trì hoạt động, vượt khó, nắm bắt các cơ hội để tồn tại và tăng trưởng. Hầu hết các doanh nghiệp Việt đã bắt nhịp với mô hình “làm việc từ xa”. Tuy nhiên, câu hỏi là làm thế nào đảm bảo năng suất lao động của nhân viên cũng như đảm bảo an toàn thông tin
FPT – một tập đoàn có hơn 40 ngàn CBNV có thời điểm 85% làm việc từ xa trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn quốc. Với một tập đoàn "đông quân" như vậy, đây là một thách thức không nhỏ về mặt hệ thống công nghệ, quy trình làm việc. CafeF đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Việt – Giám đốc CNTT Tập đoàn FPT về lời giải cho bài toán đảm bảo hạ tầng công nghệ.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng làm việc từ xa hoặc làm việc kết hợp trong các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam hiện nay? Đâu là những yêu cầu về CNTT mà doanh nghiệp cần quan tâm và đầu tư để có thể triển khai và hỗ trợ thành công mô hình làm việc này?
Có thể thấy, làn sóng Covid lần thứ 4 đã khiến work from anywhere trở thành xu hướng toàn cầu để có thể chủ động, linh hoạt trong mọi bối cảnh. Đi đầu như các công ty lớn Google hay Twitter đã sớm áp dụng cách làm việc linh hoạt: nhân viên có thể đăng ký làm ở nhà vĩnh viễn hoặc một số ngày làm ở nhà hoặc một số ngày làm việc tại văn phòng.
Theo cáo cáo "Tương lai làm việc từ xa an toàn" của Cisco, trong đại dịch đã có 56% số doanh nghiệp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, 51% số doanh nghiệp Việt Nam có hơn một nửa lực lượng lao động làm việc từ xa. Là công ty CNTT hàng đầu Việt Nam và sớm xây dựng các kịch bản để chủ động, linh hoạt ứng phó, ngay khi Covid xuất hiện, chúng tôi đã kích hoạt các phương án làm việc từ xa. Nhờ đó, mặc dù có những thời điểm 85% nhân viên FPT làm việc từ xa nhưng vẫn tăng 15% năng suất.
Theo tôi để triển khai được mô hình làm việc linh hoạt này, về hạ tầng công nghệ thì các doanh nghiệp cần đáp ứng 3 tiêu chí. Một là công cụ hỗ trợ phù hợp với người sử dụng: laptop, màn hình, các thiết bị ngoại vi, hội họp trực tuyến … Hai là cơ sở hạ tầng CNTT tân tiến nhất: Cloud, network. Ba là bảo vệ dữ liệu của doanh nghiệp bằng các giải pháp bảo mật đầu cuối: xác thực hai bước, sinh trắc học, mã hóa.
"Bí quyết" để FPT đảm bảo các hoạt động vận hành linh hoạt từ xa trong bối cảnh nhiều thách thức như năm qua là gì, thưa ông?
Trong khoảng 5 năm gần đây, bên cạnh việc tập trung nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới và hiệu quả để hỗ trợ quốc gia, doanh nghiệp, người dân, FPT đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong nội bộ Tập đoàn, từ kinh doanh, vận hành cho tới quản trị, nhân sự hướng đến mô hình doanh nghiệp số. Nhờ đó, chúng tôi đã có một nền tảng số tốt để vượt qua các thách thức của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, chúng tôi chuyển toàn bộ môi trường làm việc tại văn phòng được bảo mật, được quy trình hóa... giúp hơn 40.000 CBNV làm việc thuận lợi, không gián đoạn tại nhà hay bất cứ đâu. Thứ hai, chúng tôi đưa tất cả hoạt động của FPT về zero paper – không sử dụng giấy, bằng cách số hoá, tự động hóa các tác vụ, áp dụng các giải pháp Made by FPT như hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, giao việc điện tử, nhận việc điện tử...
Trong khâu chăm sóc khách hàng, với tiêu chí giãn cách càng xa thì phải dùng dữ liệu để kết nối khách hàng lại càng gần, chúng tôi chuyển toàn bộ hoạt động trước đây vốn dĩ cần tương tác với khách hàng tại nhà, tại cửa hàng sang không gian số. Năm 2021, chúng tôi đã có 9 triệu văn bản/giao dịch số, sử dụng nền tảng số, góp phần gia tăng trải nghiệm khách hàng và không gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Là một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về CNTT, FPT có những tiêu chí gì trong việc chọn các đối tác công nghệ đồng hành, thưa ông?
Trong suốt hành trình 34 năm qua, FPT đã và đang đồng hành với rất nhiều đối tác công nghệ trên phạm vi toàn cầu như Cisco, SAP, Microsoft… Mong muốn của Tập đoàn khi lựa chọn các đối tác song hành là cùng nhau tạo ra những giá trị vượt trội trong kinh doanh, vận hành, năng suất lao động dựa trên công nghệ. Dựa trên thế mạnh của mình và của đối tác, chúng tôi sẽ cùng tư vấn, phát triển và triển khai những giải pháp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ mang lại hiệu quả bền vững cho các tổ chức, doanh nghiệp. Điều này được chúng tôi đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn sau hơn 20 năm hợp tác với các đối tác, khách hàng trên phạm vi toàn cầu.
Liên quan đến việc triển khai các mô hình làm việc từ xa hoặc kết hợp linh hoạt, chúng tôi có hợp tác với Cisco trong một số hạng mục quan trọng.
Được biết năm 2021, Tập đoàn FPT đã chính thức chuyển trụ sở mới về FPT Tower thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội), với quy mô lớn bao gồm cả 3 khối tòa nhà và Trung tâm dữ liệu hiện đại. Ông có thể chia sẻ về những thách thức, yêu cầu được đặt ra khi xây dựng hạ tầng/hệ thống mạng cho tòa nhà mới này?
Xuất phát từ nhu cầu chuyển đổi số của tập đoàn FPT, hạ tầng mạng cũng cần có sự thay đổi để sẵn sàng đáp ứng. Theo đánh giá của tôi xu hướng phát triển công nghệ hiện nay là Mobility, IoT, Cloud và Security nên Traditional networks không thể đáp ứng các nhu cầu ngày càng gia tăng và phức tạp. Yêu cầu được đặt ra ở đây là xây dựng hệ thống mạng Campus có khả năng quản trị dễ dàng, khắc phục sự cố nhanh chóng và giảm thiểu thời gian gián đoạn (downtime) dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của nghiệp vụ, đảm bảo cập nhật liên tục version của toàn bộ hệ thống nhằm tránh ảnh hưởng bởi các lỗ hổng bảo mật, đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục.
Trong các giải pháp mà FPT ứng dụng để đảm bảo làm việc từ xa, có thể kể đến giải pháp hạ tầng mạng Cisco Software-Defined Access (SDA), giúp hợp lý hóa quy trình cung cấp quyền truy cập cho người dùng và thiết bị, đồng thời giảm thiểu nguy cơ đến từ các thiết bị IoT không xác định. Cisco SDA giúp phân tích và "nhận diện" các thiết bị và những quyền truy cập dữ liệu của chúng trong hệ thống, đồng thời liên tục theo dõi để có thể cảnh báo theo thời gian thực.
Sử dụng Cisco SD-Access cho Zero-Trust Workplace (không gian làm việc theo mô hình "không tin bất cứ ai cho đến khi được xác minh") có thể giúp FPT cũng như bất cứ doanh nghiệp nào nhận diện, xác minh tất cả các điểm cuối và người dùng khi các thiết bị kết nối vào hệ thống. Đồng thời, thiết lập chính sách và phân quyền cho người dùng/ thiết bị cụ thể. Nhờ đó, có thể chặn đứng các mối đe dọa – bao gồm cả ransomware – bằng cách cách ly bất kỳ điểm cuối nào có hành vi độc hại hoặc không tuân thủ chính sách.
Giải pháp này đã được FPT áp dụng tự động hóa trong các quy trình quản trị và vận hành hệ thống, giúp đơn giản hoá trong khâu vận hành, nhanh chóng phát hiện và xử lý sự cố, xác định nguyên nhân gốc rễ của các sự cố… Tiếp theo đó là hạn chế những sai sót trong khâu cấu hình gây ra bởi lỗi của con người. Và cuối cũng, cũng là quan trọng nhất, là việc kiểm soát truy nhập, áp dụng chính sách bảo mật bảo vệ người dùng tránh khỏi các mối nguy hại từ bên ngoài một cách đồng bộ và nhất quán.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Ánh Dương