(Tổ Quốc) - Được biết đến là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, cà phê là một thức uống quen thuộc đối với người Việt Nam. Tại Việt Nam, người ta có thể thưởng thức cà phê bất kể sáng, trưa, chiều, tối dù là trong khi làm việc, khi gặp gỡ - bàn chuyện cùng đối tác, khi trò chuyện cùng bạn bè, người thân…
Văn hóa uống cà phê tại Việt Nam không vội vã mà chậm rãi, thư thái. Người Việt Nam có thể dành cả buổi cho 1 cốc cà phê, nhấp từng ngụm nhỏ, vừa đọc sách, vừa nghe nhạc hay trò chuyện vui vẻ.
Trong đó, cà phê cóc hay còn gọi là cà phê vỉa hè, là một nét rất riêng biệt trong văn hóa cà phê Việt Nam. Cách pha chế đơn giản, không gian quán chỉ là vài bộ bàn ghế con con xếp trên vỉa hè, nhưng cà phê cóc mang lại cho khách hàng cảm giác thư giãn, thả lỏng sau một ngày dài căng thẳng khi nhâm nhi cốc cà phê nhìn dòng xe qua lại.
Về sau, kinh doanh cà phê ngày càng chú trọng hơn về hình thức, không gian quán phải "chill", đồ uống đa dạng, trang trí bắt mắt. Cà phê vỉa hè vẫn tồn tại nhưng được "nâng cấp" thành các chuỗi quán hiện đại và đẹp, mang phong cách vỉa hè. Aha ở Hà Nội và Guta ở Thành phố Hồ Chí Minh là 2 chuỗi nổi tiếng nhất, minh chứng cho sức hút của văn hóa "cà phê vỉa hè" đối với các thế hệ cư dân thời nay.
Những ai thích uống cà phê ở Hà Nội có lẽ không xa lạ với cái tên Aha Cafe. Phục vụ các món truyền thống như trà, cà phê và kem với phong cách vỉa hè, khách đến Aha chủ yếu ngồi ngoài hiên chứ không trong phòng kính có máy lạnh.
Ban đầu, nhà sáng lập phát triển chuỗi cà phê của mình theo hướng “chậm mà chắc”, mỗi năm chỉ mở thêm 1-2 cửa hàng. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của mô hình nhượng quyền, số cửa hàng của Aha Cafe nhanh chóng mở rộng trong những năm sau đó. Theo tổng hợp của Hanoi TopList, tính đến năm 2022, Aha đã có hơn 100 chi nhánh khắp cả nước khắp 3 miền Bắc Trung, Nam. Trong đó, chỉ tính riêng tại Hà Nội, Aha đã có 69 chi nhánh.
Aha Café được sáng lập bởi ông Nguyễn Mạnh Hà từ năm 1997, nhưng phải đến 2008, ông Hà mới chuyển từ sản xuất sang kinh doanh, bằng việc mở cửa hàng Aha Cafe đầu tiên tại Hà Nội. Hiện nay, ông Hà đang là Chủ tịch hội đồng quản trị và người đại diện pháp luật của công ty.
Theo con số tổng hợp vào năm 2019, chi phí nhượng quyền Aha Coffee khoảng 225 – 320 triệu đồng/ 5 năm. Ngoài chi phí nhượng quyền còn có chi phí đầu tư ban đầu như chi phí mặt bằng mở quán, chi phí thuê nhân viên, chi phí mua phần mềm quản lý quán, chi phí phát sinh khác dao động trong khoảng từ 1,6 – 2,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ phải trả cho Aha mức phí quản lý chiếm 3% doanh thu hàng tháng.
Tuy vậy, trang FnB đánh giá do mức độ nhận diện phủ sóng rộng rãi từ trước nên doanh thu một cửa hàng Aha trung bình từ 150 – 600 triệu đồng/tháng. Với mức doanh thu đó, ước tính sẽ mất không đến 2 năm để cửa hàng hoàn vốn.
Tháng 7/2018, Aha Cafe thu hút sự chú ý của giới F&B khi một nhà đầu tư chiến lược sở hữu 6 cửa hàng dừng hợp tác với công ty. Nhà đầu tư này sau đó chuyển sang đầu tư vào một thương hiệu mới có tên Kafa Café – với định vị là chuỗi cà phê đường phố mang phong cách Việt Nam.
Kafa là một trong những đối thủ “đáng gờm” của Aha khi cũng phát triển theo phong cách “cà phê vỉa hè”. Theo thông tin trên trang web của Kafa, chuỗi này hiện có gần 60 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó riêng Hà Nội có 32 địa điểm.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Guta khai trương cửa hàng đầu tiên vào đầu năm 2016, cái tên mang ý nghĩa là "phong cách của tôi", giá trị cốt lõi dựa trên "cà phê vỉa hè".
Menu của Guta bao gồm 2 loại chính là nước uống và đồ ăn sáng. Khác với Aha, Guta Cafe hoạt động với ba mô hình chính bao gồm Gucart (xe đẩy cà phê), GUkiosk (kiosk cà phê) và Gustore (quán cà phê). Tập trung vào việc bố trí một cách linh động và giá cả phải chăng, Guta đã và đang phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những chuỗi cà phê phổ biến nhất Sài Gòn.
Được biết, cả Aha Cafef và Guta Cafe đều là những thương hiệu cafe đang áp dụng các phương thức nhượng quyền, nhằm nhân rộng độ nhận diện, đẩy mạnh tên tuổi đến với khách hàng.
Theo thông tin trên Chuyên trang thông tin tổng hợp cho ngành kinh doanh ẩm thực, FnB Việt Nam vào tháng 6/2021, Guta Cafe chỉ thực hiện nhượng quyền với hai mô hình GUkiosk và GUstore. Đối với mô hình GUkiosk, Guta Cafe yêu cầu diện tích tối đa 30m2, chi phí nhượng quyền là 30 triệu đồng và chi phí ký quỹ nguyên vật liệu là 20 triệu đồng, cho thời hạn hợp đồng 5 năm. Còn đối với mô hình GUstore, yêu cầu diện tích tối đa 50m2, chi phí nhượng quyền là 60 triệu đồng và chi phí ký quỹ nguyên vật liệu là 50 triệu đồng, cũng cho thời hạn hợp đồng 5 năm. Cả hai mô hình đều phải thanh toán chi phí bản quyền 5% của doanh thu thực tế hàng tháng.
Các chi phí trên chỉ là chi phí nhượng quyền, chưa bao gồm các chi phí khác như chi phí đầu tư, chi phí cải tạo mặt bằng, và các chi phí phát sinh (nếu có). Nhìn chung, chi phí trung bình để mở quán cafe Guta theo mô hình GUkiosk là khoảng 300 triệu đồng và 500 triệu đồng đối với mô hình GUstore.
Một điểm lưu ý nhỏ khi mở quán cafe Guta, là Guta Cafe sẽ hoàn lại 40% phí bản quyền/ tháng (tương đương 2% doanh thu/ tháng) nếu cửa hàng nhượng quyền tuân thủ quy trình vận hành cũng như những KPIs do Guta Cafe đề ra, và sẽ được Guta Cafe hoàn lại cứ mỗi 3 tháng (mỗi quý).
Huyền Trang