(Tổ Quốc) - TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có đánh giá nhanh liên quan đến động thái mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ.
Ngày 3/12/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Báo cáo định kỳ rà soát "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ"; trong đó, xem xét và đánh giá chính sách của các đối tác thương mại lớn của Mỹ trong 4 quý, tính đến hết tháng 6/2021.
Trong báo cáo này, Việt Nam và Đài Loan vẫn vượt ngưỡng của cả 3 tiêu chí; tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ kết luận đến tháng 6/2021, không đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ vì mục đích ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trong ngoại thương. Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam và Đài Loan để giải quyết những quan tâm của họ. Trong danh sách giám sát lần này, có 12 nước gồm Thụy Sỹ (mới bị đưa vào) cùng với 11 nước vẫn trong danh sách lần trước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico).
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ "hài lòng với những tiến bộ mà Việt Nam đạt được cho đến nay". Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện phân tích chuyên sâu với các chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của Việt Nam, nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và cân bằng hơn, đồng thời có lợi cho người lao động Mỹ.
Trước đó, trong Báo cáo công bố ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là 2 quốc gia thao túng tiền tệ, trong khi 10 nền kinh tế khác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ) thuộc diện theo dõi, với cáo buộc rằng Việt Nam đáp ứng cả 3 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và mua ròng ngoại tệ. Đây là lần đầu tiên, Mỹ gắn mác "thao túng tiền tệ" đối với Việt Nam. Tuy nhiên, trong Báo cáo tháng 4/2021, Mỹ đã gỡ mác "thao túng tiền tệ" đối với Việt Nam. Trong Báo cáo kỳ này, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Đây là thành quả quan trọng của sự phối hợp tốt, chủ động và tích cực trao đổi thông tin của các cơ quan quản lý Việt Nam, đặc biệt đầu mối là NHNN cùng với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao…với phía Mỹ.
Tuy nhiên, cần lưu ý trong kỳ rà soát lần này, Bộ Tài chính Mỹ đã có một số thay đổi về tiêu chí thao túng tiền tệ. Ở vòng kiểm duyệt đầu tiên, Mỹ sẽ xem xét 20 đối tác thương mại lớn nhất (thay cho tiêu chí các đối tác thương mại chính có tổng kim ngạch thương mại hàng hóa song phương trên 40 tỷ USD).
Ở vòng thứ hai, Mỹ vẫn đưa ra 3 tiêu chí (ngưỡng) đánh giá khả năng một quốc gia thao túng tiền tệ. Cụ thể: (i) Có thặng dư thương mại song phương với Mỹ trên 15 tỷ USD (trước đó là tiêu chí 20 tỷ USD); (ii) Thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tương đương 3% GDP (trước đây là 2% GDP) hoặc ước tính Thặng dư cán cân tài khoản vãng lai (số liệu mới nhất) tương đương 1% GDP ; và (iii) Can thiệp 1 chiều (mua hoặc bán ròng) và kéo dài trên thị trường ngoại tệ 8 tháng liên tục trong giai đoạn 12 tháng, với tổng lượng mua ròng trên 2% GDP (trước đây là 6 tháng liên tục trong 12 tháng) như tóm tắt tại bảng dưới đây.
Ba hàm ý đối với Việt Nam:
Một là, với bộ tiêu chí mới, có thể thấy Mỹ quan tâm đến top 20 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ; đã nới lỏng hơn tiêu chí về tài khoản vãng lai và can thiệp mua ngoại tệ ròng; nhưng lại quan tâm nhiều hơn đến tiêu chí "thặng dư thương mại song phương". Theo đó, Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn đến việc phấn đấu điều chỉnh, tạo thế cân bằng thương mại với Mỹ.
Hai là, các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục thận trọng, phối hợp tốt, chủ động và tích cực trao đổi thông tin trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi; đồng thời cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết hiệu quả các vấn đề khác mà phía Mỹ quan tâm (như sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, thanh toán điện tử, năng lượng…) như đã thực hiện trong thời gian qua.
Ba là, cơ quan chức năng Việt Nam cần tiếp tục tích cực trao đổi, làm rõ về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Tài chính Mỹ.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV