(Tổ Quốc) - Các nhà sản xuất điện thoại thông minh, màn hình và chip của Hàn Quốc đã có một năm rực rỡ, nhưng triển vọng có thể đang bớt sáng sủa trong thời gian tới.
Các nhà sản xuất chất bán dẫn đã công bố lợi nhuận ấn tượng nhờ nhu cầu chip tăng mạnh và mức giá bán cao. Các công ty màn hình được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu đối với TV và màn hình khi nhiều người ở nhà trong thời gian đại dịch. Thị trường điện thoại thông minh cũng phát triển mạnh với số lượng bán ra trên toàn thế giới tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, quý tới đây có thể sẽ không tốt cho các doanh nghiệp thuộc ngành nghề nói trên, tờ Korea JoongAng Daily nhận định.
Dự trữ hàng tồn kho chip nhớ có thể dẫn đến nhu cầu và giá bán thấp hơn. Công ty theo dõi thị trường TrendForce đã công bố một báo cáo ngày 23/9 cho biết giá chip DRAM trong quý 4 sẽ giảm từ 3 – 8% so với quý trước đó. Lee Jae-yoon, nhà phân tích tại Yuanta Securities cho biết: "Thay vì giá chip nhớ có thể giảm mạnh hay sụt giảm trong thời gian dài, chúng tôi kỳ vọng việc điều chỉnh giá sẽ dần được thực hiện trong khoảng thời gian từ quý 4 đến quý 2 năm sau".
Biến thể Delta, tình hình dịch bệnh COVID-19 gia tăng làm gián đoạn các nhà máy cũng có thể là một nguyên nhân.
Tờ Korea JoongAng Daily viết rằng, các nhà máy ở khu vực Hà Nội và TP HCM đã hoạt động ở mức 30% công suất do chỉ thị kiểm soát của Chính phủ bắt đầu từ tháng 7. Việc đóng cửa ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất, trong đó có Samsung Electronics tại TP HCM. Hồi giữa năm, tỉnh Bắc Giang cũng tiến hành đóng cửa các khu công nghiệp lớn, nơi có 100 công ty Hàn Quốc hoạt động.
Các nhà sản xuất điện thoại thông minh của Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng do sự thiếu hụt linh kiện, chẳng hạn như chip DDIC cũng như việc đóng cửa các nhà máy ở nước ngoài có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Việc ngày càng ít sản phẩm điện tử và điện thoại thông minh được sản xuất sẽ làm giảm nhu cầu về chip, theo đó bắt đầu một vòng luẩn quẩn trong ngành.
Thị phần của Apple được dự báo cao hơn trong quý 4 do các sản phẩm mới của hãng được tung ra và Samsung Electronics cần có doanh số điện thoại gập mạnh mẽ để cạnh tranh với mẫu iPhone 13 mới. Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, thị phần của Apple trong quý 4 đạt mức trung bình 18,7% trong ba năm qua. Thị phần trong quý 1 đạt trung bình 14,3%, quý 2 là 13% và quý 3 là 11,7%.
Hai mẫu Galaxy Z Fold 3 và Flip 3 gập sẽ là đối thủ cạnh tranh duy nhất chống lại iPhone 13 cho đến khi Galazy S22 ra mắt, dự kiến vào tháng 1 năm sau.
Giá màn hình tinh thể lỏng (LCD) tăng do nhu cầu về TV và màn hình tăng cao, nhưng việc tăng giá đã kết thúc. Sau khi tăng từ tháng 7 đến tháng 9, giá màn hình đang giảm.
Kim Un-ho, nhà phân tích của IBK Investment & Securities cho biết: "Giá TV và màn hình LCD sẽ tiếp tục giảm cho đến tháng 11 và giảm nhanh vào năm 2022".
Các nhà sản xuất Trung Quốc, chẳng hạn như BOE Technology đang thâm nhập vào thị trường OLED cỡ nhỏ và trung bình cũng là một mối đe dọa khác với thị phần của các công ty Hàn Quốc.
Theo công ty nghiên cứu thị trường UBI Research, thị phần của Samsung Display trong mảng OLED vừa và nhỏ đã tăng từ 93,3% trong năm 2018 xuống còn 73% trong quý 2. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 60% trong năm tới do sự gia tăng của các sản phẩm Trung Quốc.
Hứa Vân