(Tổ Quốc) - "Với dân số hơn 97 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Việt Nam có thị trường du lịch nội địa với tiềm năng rất lớn", ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói với The Straits Times.
Chị Hoàng Ngọc Đông Phương, sống tại thành phố Hồ Chí Minh, sẽ có ít nhất 5 chuyến du lịch tại Việt Nam từ nay đến tháng 9.
"Cuối tuần này, tôi sẽ đến thành phố Vũng Tàu. Vào cuối tháng, tôi sẽ đi Nha Trang", cô nói với tờ The Straits Times tuần trước, đánh dấu vào danh sách những bãi biển ưa thích của cô. Sau đó, cô gái 33 tuổi này sẽ tới Cố đô Huế, trước khi đi lên Sapa.
"Về cơ bản, giá đang rất, rất hời", cô nói, đề cập đến các tour du lịch đang giảm giá để mời gọi lôi kéo người dân địa phương đi du lịch trong nước. Thành công trong việc kiểm soát Covid-19, Việt Nam hiện đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á trong nỗ lực hồi sinh ngành du lịch, The Straits Times nhận xét.
Chính phủ đầu tháng này đã khởi động chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" kéo dài từ giờ cho đến cuối năm nay. Các hãng hàng không, công ty du lịch và khu nghỉ dưỡng đang giảm giá tới 50% trở lên để đưa khách đến lấp đầy các khu nghỉ dưỡng và nhà hàng, phục vụ khách nội địa trong khi các chuyến bay quốc tế vẫn còn bị cấm. Chính quyền địa phương đã cắt giảm hoặc thậm chí miễn phí vào cửa cho các điểm đến phổ biến như Vịnh Hạ Long.
"Với dân số hơn 97 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Việt Nam có thị trường du lịch nội địa với tiềm năng rất lớn", ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói với The Straits Times. "Du lịch trong nước cũng sẽ giúp thúc đẩy sự tự tin của du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam", ông nói.
Tất cả mọi người đang háo hức chuẩn bị cho những chuyến đi, bù lại những tuần phải ở lì trong nhà. Đà Lạt trở nên sôi động khi những người dân thành thị như chị Tú Hồng An đổ xô đến đó.
"Với việc giãn cách xã hội được nới lỏng, tôi nghĩ rằng tôi nên đi đâu đó", Chị An nói. Chị là nhà tư vấn bất động sản. Chị đã dành cuối tuần cho một khóa tu yoga tại Đà Lạt.
"Mọi người không loại bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng ngừa, như đã thấy trên chuyến bay chật cứng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Lạt. Mọi người đều đeo khẩu trang. Chuyến bay cực kỳ yên tĩnh vì không ai nói chuyện", chị An nói.
Việt Nam đã không báo cáo bất kỳ trường hợp lây lan cộng đồng nào trong hơn 1 tháng qua. Trong khi Thái Lan - gần đó - hiện đang tăng số lượng ca mắc Covid-19 hàng ngày - đã phải đóng cửa cuộc sống về đêm kể từ giữa tháng 3 và buộc các hãng hàng không cũng như các công ty xe bus phải giữ chỗ trống để thực hiện cách ly an toàn. Việt Nam giờ đã mở lại các quán bar và tiệm mát xa, dỡ bỏ yêu cầu giữ chỗ trống trên phương tiện giao thông công cộng.
Du lịch được ước tính đóng góp 6% đến 12% vào GDP Việt Nam. Tiến sĩ Nuno Ribeiro, Giảng viên cao cấp về du lịch tại Đại học RMIT (Việt Nam) cho biết: "Mặc dù du lịch quốc tế được chú trọng và quan tâm hơn, thì du lịch nội địa vẫn luôn tạo ra giá trị kinh tế cao hơn du lịch quốc tế".
Khách du lịch địa phương chiếm 85 triệu trong số 103 triệu khách du lịch tại Việt Nam năm ngoái và đã chi 21 tỷ USD. Tuy nhiên, khách du lịch trong nước có mức chi tiêu trung bình chỉ bằng khoảng một nửa so với khách quốc tế, theo thống kê chính thức. "Sự hồi sinh du lịch ở Việt Nam cũng có thể giúp thu hút khách du lịch đến các nước láng giềng", Tiến sĩ Ribeiro nói.
Nhưng các công ty du lịch cho biết họ sẽ cần phải điều chỉnh dài hạn hơn nếu du lịch quốc tế không được khôi phục vào năm tới. "Du lịch nội địa chưa phát huy hết tiềm năng", ông Vũ Đình Quân, Tổng giám đốc Công ty du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, BenThanh Tourist, cho biết.
"Nếu vaccine không được điều chế và phân phối vào quý đầu năm tới, ngành du lịch sẽ phải thích nghi để phục vụ khách du lịch địa phương và các nhà khai thác sẽ phải học cách sống sót với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn", ông nói. "Nhìn chung, sẽ có rất nhiều trở ngại phía trước, nhưng du lịch Việt Nam sẽ vẫn tồn tại".
Cô Phương, trong khi đó, ý thức được rằng những chuyến du lịch giá rẻ của cô sẽ sớm không còn nữa: "Tôi thích giá rẻ, nhưng tôi có thể thấy rằng mọi thứ bây giờ thực sự khó khăn đối với các nhà hàng và khách sạn," cô nói. "Chúng tôi cần mọi người quay trở lại Việt Nam và cứu nền kinh tế".
Hoàng An