(Tổ Quốc) - Vì sao số vốn FDI vào Việt Năm năm 2021 bỗng dưng "nhảy cóc" gần 8 tỷ USD so với báo cáo trước đó?
Theo báo cáo ban đầu, trong năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Song, dữ liệu được đưa ra mới đây lại cho thấy, vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 chính xác là 38,85 tỷ USD (tăng 7,7 tỷ USD so với báo cáo trước), tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Con số 38,85 tỷ USD được đưa ra trong Dự thảo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tình hình triển khai Kế hoạch năm 2022, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới.
Trước đó, kết quả ước tính của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn cấp mới, tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020).
Song, thực tế, chỉ trong những ngày ít ỏi còn lại của năm 2021, hai dự án khủng có quy mô tỷ USD đã được cấp chứng nhận đầu tư. Đặc biệt hơn, hai dự án này lại cùng được cấp chứng nhận vào ngày cuối cùng của năm, 31/12/2021.
Một trong hai dự án là Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn I (1.500 MW), vốn đầu tư đăng ký 2,3 tỷ USD, là dự án liên doanh của Tập đoàn T&T với nhà đầu tư Hàn Quốc. Mục tiêu của dự án là sản xuất điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và truyền tải vận chuyển điện từ nơi sản xuất đến hệ thống phân phối. Dự án còn lại là của một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.Như vậy, nếu tính cả hai dự án trên, vốn đăng ký mới trong năm 2021 đạt 18,9 tỷ USD, tăng 24,3%; còn vốn điều chỉnh đạt 12,84%, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tăng trong cả năm và tăng 1 điểm phần trăm so với 11 tháng. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt trên 246,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ, chiếm 73,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt trên 245 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ, chiếm 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt gần 218,3 tỷ USD, tăng 29,2% so cùng kỳ và chiếm 65,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong cả năm 2021, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 28,5 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu trên 26,7 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 25,5 tỷ USD.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc vào đầu năm 2022. Tính đến 20/3/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt trên 8,9 tỷ USD, bằng 87,9% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính lũy kế đến ngày 20/3/2022, cả nước có 34.815 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 422,84 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 256 tỷ USD, bằng 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 5,3 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ USD, chiếm 30,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, sản xuất phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 200,4 triệu USD và trên 194,6 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 27,6%, 26,1% và 15,8% tổng số dự án.
Xét về đối tác đầu tư, đã có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,29 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 50,1% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 1,61 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư, tăng 35,6% so với cùng kỳ. Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch vượt lên đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần gần 1,32 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hà Lan, Nhật Bản,…
Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và GVMCP nhất trong 3 tháng năm 2022 (chiếm 18,1% số dự án mới, 34,6% số lượt điều chỉnh và 37,7% số lượt GVMCP).
Thái Quỳnh