(Tổ Quốc) - Đáng chú ý, nếu xét theo địa phương, mặc dù là tỉnh nghèo đứng thứ 56/63 về thu nhập bình quân đầu người, nhưng đây lại là nơi có thu nhập bình quân của lao động trong các doanh nghiệp FDI cao nhất Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Trong giai đoạn 2016-2020, số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp FDI được cải thiện và tăng dần hàng năm. Năm 2016 đạt 8,5 triệu đồng/lao động/tháng, năm 2017 đạt 9,0 triệu đồng/lao động/tháng, năm 2018 đạt 9,7 triệu đồng/lao động/tháng, năm 2019 đạt 10,1 triệu đồng/lao động/tháng, năm 2020 đạt 10,5 triệu đồng/lao động/tháng. Như vậy, trong giai đoạn 2016-2020, thu nhập của người lao động bình quân tăng 5,5%/năm. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2020 gấp 1,2 lần năm 2016 và gấp 2,1 lần so với năm 2011.
Mức thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp FDI (10,5 triệu đồng/lao động/tháng) thấp hơn so với doanh nghiệp nhà nước (15,3 triệu đồng/lao động/tháng) nhưng lại cao hơn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước (8,3 triệu đồng/lao động/tháng) vào năm 2020.
Theo hình thúc đầu tư, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có thu nhập bình quân thấp hơn doanh nghiệp liên doanh. Năm 2020, thu nhập bình quân của doanh nghiệp liên doanh đạt 13,1 triệu đồng/lao động/tháng, gấp 1,2 lần năm 2016; trong khi thu nhập bình quân của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đạt 10,3 triệu đồng/lao động/tháng, gấp 1,3 lần năm 2016.
Đáng chú ý, nếu xét theo địa phương, mặc dù là tỉnh nghèo đứng thứ 56/63 về thu nhập bình quân đầu người, nhưng Gia Lai là nơi có thu nhập bình quân của lao động trong các doanh nghiệp FDI cao nhất Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp FDI tại Gia Lai đạt 33,1 triệu đồng/người/tháng, cao gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, năm 2016, bình quân một lao động làm trong các doanh nghiệp FDI tại Gia Lai có mức thu nhập đạt khoảng 36,1 triệu đồng/tháng và tăng lên mức 39,2 triệu đồng/tháng vào năm 2019. Song, đến năm 2020, con số này giảm còn 22,5 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, cũng trong giai đoạn 2016-2020, tại các nơi tập trung nhiều nhất các doanh nghiệp FDI như Hà Nội, TPHCM hay Bình Dương, thu nhập bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp FDI ở những thành phố này đạt lần lượt khoảng 12,9 triệu đồng/người/tháng; 12,8 triệu đồng/người/tháng và 9,4 triệu đồng/người/tháng.
Theo khu vực kinh tế, thu nhập bình quân của người lao động không ngừng tăng lên qua các năm ở cả ba khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ. Trong đó khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất, hai khu vực còn lại có mức thu nhập bình quân gần tương đương nhau qua các năm:
Cụ thể, khu vực dịch vụ có thu nhập bình quân của người lao động đạt 18,5 triệu đồng/lao động/tháng năm 2020, gấp 1,1 lần năm 2016, bình quân tăng 3,5%/năm. Trong đó 2 ngành có thu nhập bình quân cao nhất, gồm: ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với 31,1 triệu đồng; ngành hoạt động chuyên môn khoa học và công nghiệp với 23,7 triệu đồng.
Khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân của người lao động đạt 9,7 triệu đồng/lao động/tháng năm 2020, gấp 1,2 lần năm 2016, bình quân tăng 5,5%/năm. Trong đó, 2 ngành có mức thu nhập bình quân cao nhất, gồm: ngành khai khoáng đạt 42,8 triệu đồng; ngành sản xuất và phân phối điện đạt 36,7 triệu đồng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 có mức thu nhập bình quân của người lao động đạt 10,8 triệu đồng/lao động/tháng, gấp 1,4 lần năm 2016, bình quân tăng 9,7%/năm. Ðây là khu vực có mức tăng thu nhập bình quân hằng năm cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Hoàng Nguyễn